TPHCM: Trường nghề “lột xác” đón học sinh
Các Website khác - 19/09/2008

 

 
Học viên lớp CNTT Trường trung học Công nghiệp TPHCM trong giờ thực hành trên máy tính. Ảnh: MAI HẢI

Hanoinet - Năm nay, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển những TS đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN. 500 trường nghề tuyển 420.000 chỉ tiêu, tăng gần 100.000 so với năm 2007.

 

Khi thời gian tuyển nguyện vọng (NV) 2 của các trường đại học đã khóa sổ, NV3 lại có mức điểm cao hơn cả NV2, cũng là lúc cơ hội vào cánh cửa đại học (ĐH) của các thí sinh (TS) đã khép lại. Rớt ĐH, rớt tốt nghiệp THPT, các em sẽ về đâu? Một cánh cửa đang mở rộng với nhiều cơ hội cho TS có một tương lai khác. Đó là cánh cửa học nghề ở các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

 

Trường nghề đang “lột xác”

“Đào tạo ra một đội ngũ lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu xã hội là yếu tố quyết định sự phát triển của nhà trường, chương trình đào tạo cũng phải đi thẳng vào yêu cầu của người học”, ông Ngô Văn Hai, Hiệu trưởng Trường Trung học Công nghiệp TPHCM cho biết.

 

Để chứng minh lời nói của mình, ông Hai dẫn chúng tôi đến thăm các phòng thí nghiệm của trường. Chỉ vào 2 phòng thực hành, thí nghiệm của ngành lạnh – điều hòa không khí, kỹ thuật thương mại, ông cho biết, ngoài các ngành đào tạo truyền thống của trường, năm nay chúng tôi đầu tư phòng thực hành cho 2 ngành mới: công nghệ- kỹ thuật điện tử và quản trị doanh nghiệp thương mại và dịch vụ.

 

Những thiết bị hiện đại này là kết quả từ quá trình liên kết hợp tác của trường với Trường La Martinière Terreaux (Pháp) từ năm 1998, đào tạo ra những kỹ thuật viên cao cấp. Đến nay, Trường La Martinière Terreaux đã chuyển giao hẳn công nghệ và tài liệu giảng dạy cho giáo viên của trường. Từ năm học này trường chỉ thu học phí của các ngành liên kết bằng mức học phí của các ngành học khác (trước đây học phí 1 năm là 500 USD).

Hiện trường đang chuẩn bị xây dựng mới với quy mô đào tạo trên 3.700 học sinh, tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng và 15 tỷ đồng dành cho mua sắm trang thiết bị giảng dạy. Trường cũng mới đưa vào sử dụng cơ sở 2 tại số 30 Nguyễn Văn Dung, phường 17 quận Gò Vấp, có đầy đủ sân chơi và khu rèn luyện thể chất, giáo dục quốc phòng và chuẩn bị xây dựng ký túc xá 1.000 chỗ cho HS.

Tại Trường Trung học Kỹ thuật- Nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh (đường Huỳnh Tấn Phát quận 7), năm nay nhiều ngành nghề cũng đã được trường dành kinh phí đầu tư chuyên sâu, từ trang thiết bị đến đổi mới chương trình giảng dạy. Ngành điện-điện tử trước đây chỉ đào tạo theo kiểu sửa chữa đơn giản, nay đã chuyển hướng đào tạo chuyên sâu về cơ điện tử để đưa tự động hóa vào sản xuất.

 

Với mục tiêu đó trường đã dành trên 1,5 tỷ đồng trang bị thêm xưởng thực hành thí nghiệm CAD/CAM/CNC và cơ điện tử. Trên 14 tỷ đồng xây dựng mới khu phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của HS trong năm học này. Trường Trung học Giao thông Công chính TPHCM năm học này cũng đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng thêm 2 phòng thí nghiệm về công trình giao thông và tham gia vào sản xuất như máy kéo 60 tấn, máy nén bê tông, máy CPR đa năng, đo độ nhớt…

Cho đến thời điểm này, các trường TCCN tại TPHCM không chỉ nỗ lực đầu tư trang thiết bị giảng dạy mà còn chú trọng đến đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý trong trường. Ông Nguyễn Hải Thanh, cán bộ Phòng Đào tạo Trường Trung học KT-NV Nguyễn Hữu Cảnh cho biết: Để đáp ứng yêu cầu đối với việc phân luồng học sinh học nghề cho đối tượng tốt nghiệp THCS, trường cũng đang đổi mới phương pháp quản lý: nâng cấp khoa Văn hóa thành khoa Khoa học cơ bản.

 

Ở góc độ khác, Trường Trung học Giao thông công chính, năm học này còn mua thêm nhiều thiết bị cho học sinh trực tiếp tham gia vào sản xuất để giúp các em khi ra trường không bỡ ngỡ trong môi trường làm việc mới.

 

Học nghề: Lối vào rộng mở

 

Ở góc độ quản lý ngành, ông Lưu Đức Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Mỗi năm vẫn còn hàng ngàn TS thi rớt ĐH-CĐ, thậm chí không ít HS thi rớt tốt nghiệp THPT. Đối với những HS có lực học trung bình, trung bình khá thì cánh cửa vào đại học rất hẹp. Tôi mong rằng các em sẽ chọn đúng hướng đi bằng với năng lực của mình. Như vậy các em vào đời sẽ vững vàng và thành công hơn”.

Năm nay, 34 trường và cơ sở có đào tạo TCCN của thành phố tuyển trên 32.500 chỉ tiêu. Đặc biệt, đối với những HS chưa tốt nghiệp THPT, những năm trước phải học lại chương trình của lớp 12.

Năm nay, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển những TS đã dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp được vào học TCCN. Khi được xét tuyển vào học TCCN thì cơ sở đào tạo TCCN xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện ở phổ thông (trên cơ sở lấy kết quả chung cả năm ở lớp 12 của TS) và miễn trừ cho HS không phải học lại, thi lại các môn văn hóa phổ thông (theo yêu cầu của ngành đào tạo TCCN) có điểm tổng kết từ 5,0 trở lên.


Đây là điều kiện rất thuận lợi cho HS. Học xong các em được cấp bằng nghề, tốt nghiệp THPT và có thể học liên thông lên ĐH-CĐ, bất cứ lúc nào với nhiều ngành nghề đa dạng để các em lựa chọn. Thời gian tuyển sinh của các trường đến tháng 10, thậm chí nhiều trường kéo dài đến hết tháng 12-2008. Đối với các em, học nghề không còn là “lối nhỏ” vào đời.

 

- Tin từ Bộ GD-ĐT, năm 2008, hơn 500 trường, cơ sở đào tạo TCCN trong cả nước sẽ tuyển 420.000 chỉ tiêu - tăng gần 100.000 so với năm 2007. Bộ khuyến khích các trường tuyển theo hình thức xét tuyển, trừ những trường có ngành đặc thù là năng khiếu thì tổ chức thi.

 

- Nằm trong chương trình nâng cao năng lực của các trường TCCN, tháng 10-2008, tổ chức SEAMEO VOTECH sẽ tổ chức khóa học “Lập kế hoạch chiến lược phát triển trường TCCN” cho các trường TCCN tại TPHCM. Khóa học nhằm bồi dưỡng cho lãnh đạo, cán bộ về kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch chiến lược cho trường mình đến năm 2015-2020.

 

Theo Lê Linh/SGGP