Nhiều giáo viên bị sốc khi áp dụng thí điểm chế độ hợp đồng
Các Website khác - 19/09/2008

 

 
Ảnh minh họa.

Hanoinet - Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng cần xem xét thay đổi những quy định trong biên chế để có chế độ theo dõi, giám sát tạo cạnh tranh trong giáo dục, chứ không nên chuyển tất cả như thế.

 

Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trương năm 2010, 100% giáo viên, giảng viên sẽ được tuyển dụng theo chế độ hợp đồng thay thế biên chế, áp dụng thí điểm ở một số trường phổ thông và đại học ngay trong năm học 2008 – 2009. Tuy nhiên, chủ trương trên đã kéo theo nhiều hệ luỵ.
Cô Kim Chung, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) tâm sự: “Lâu nay, nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế là không thể bị đuổi việc, an tâm công tác. Trong quá trình thực hiện cần phải có lộ trình, làm tốt công tác tư tưởng, nếu không sẽ gây tâm lý không tốt cho giáo viên”.

 

Ít đồng thuận

 

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng cần xem xét thay đổi những quy định trong biên chế để có chế độ theo dõi, giám sát tạo cạnh tranh trong giáo dục, chứ không nên chuyển tất cả như thế. Bà Trần Thị Thắm, phó giám đốc sở GD–ĐT Lào Cai cho biết trong chế độ biên chế, giáo viên miền núi, ngoài lương còn được hưởng các khoản phụ cấp ưu đãi hàng tháng, nhưng vẫn không có người nào muốn lên miền núi. Hệ quả dễ thấy là khi chuyển sang hợp đồng, những vùng miền núi, hải đảo, vùng kinh tế khó khăn càng thiếu giáo viên trầm trọng hơn.
Cô Trần Thị Đoàn, giáo viên trường đại học Nông nghiệp 1 lo ngại rằng nếu chuyển sang làm việc với chế độ hợp đồng, tâm huyết của thầy cô với nghề sẽ không được như trước, hoặc bỏ nghề ra làm công việc khác, hoặc chỉ làm như một giải pháp tình thế. Chuyện không ký tiếp hợp đồng là khả năng dễ xảy ra nhất nếu như họ tìm được việc làm có thu nhập cao hơn.

 

Nhiều hệ luỵ

 

Ông Vũ Mạnh Kha, chủ tịch hội Khuyến học Hà Nội cho biết chuyển đổi mô hình từ biên chế sang hợp đồng đòi hỏi người hiệu trưởng phải có năng lực nhìn nhận con người. Thực tế đã có nhiều trường dân lập phải đóng cửa do đội ngũ giáo viên không đạt yêu cầu, không tuyển được học sinh.Theo ông Kha, nếu chuyển sang chế độ hợp đồng, cùng với việc giao quyền chủ động cho các trường, vẫn phải có cơ quan quản lý nhưng sẽ không còn tên gọi “chỉ tiêu biên chế” nữa. Để thực hiện chủ trương này, cần phải có một hệ thống quy chuẩn để điều tiết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Kim Tự, vụ phó vụ Tổ chức cán bộ, bộ GD–ĐT cho biết mục đích của chủ trương xoá bỏ biên chế là tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu trong đội ngũ nhà giáo. Hiện nay, nhiều giáo viên trẻ ra trường đều bắt đầu từ những hợp đồng ngắn hạn, nhưng họ vẫn yêu nghề. Lương giáo viên tốt nghiệp đại học qua thi tuyển được ký hợp đồng thì vẫn hưởng hệ số lương 2,34, đồng thời vẫn hưởng 25% phụ cấp giờ giảng. Có nghĩa là chế độ đãi ngộ đối với giáo viên hợp đồng và biên chế không hề khác nhau.

 

Ông Tự cho biết thời gian thực hiện chủ trương trên còn phụ thuộc vào thời gian thông qua dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2020.

Theo Thiên Lam/SGTT