“Chưa từng thấy ai chịu đựng giỏi như cô”
Các Website khác - 21/10/2008

 

Cô giáo Vũ Thanh Thuỷ.

Đó là cô giáo Vũ Thanh Thuỷ, Chi hội Điếc Hà Nội. Lí giải cho điều này, cô Thuỷ chỉ nói một câu ngắn ngọn: “Muốn dạy được bọn trẻ, trước hết mình phải trở thành bạn chúng. Chỉ cần đặt mình vào địa vị các em và cố gắng hiểu tâm lí chúng một chút là được, nhất là trẻ khiếm thính. Các em bị thiệt thòi nhiều nên hay cáu gắt cũng là dễ hiểu. Trước khi tiếp nhận một học sinh mới, tôi thường phải mất từ 4 đến 5 buổi đầu để tìm hiểu tâm lí của học sinh”.

Kiên nhẫn để làm từ thiện
 
Với cô Thuỷ không có gì quan trọng hơn việc giúp các em nhỏ khiếm thị hoà nhập cộng đồng. “Người khiếm thính là một thế giới thu nhỏ, cũng có những sinh hoạt như người bình thường. Nhiều trường hợp các em bị điếc nhưng lại hoàn toàn có khả năng phát âm bình thường, nhưng do gia đình không phát hiện sớm, các em không được luyện nói nên cơ hàm và hệ thống phát âm bị trơ cứng. Nếu được can thiệp sớm các em sẽ tái hoà nhập được cộng đồng” - cô Thuỷ nói.

Vì vậy, những đứa trẻ được chị dạy dỗ đã dành cứ quyến luyến không muốn chia tay chị. Một học sinh của chị nhà ở phố Trương Định, quận Hoàng Mai (Hà Nội) hỏi chúng tôi (do một bạn tình nguyện viên phiên dịch): “Cô ơi, sang năm lên lớp 2 cô Thuỷ có dạy cháu không? Cháu thích cô Thuỷ dạy cơ!”.

Làm ơn, nhưng không phải để mong người khác trả ơn. Sự tận tuỵ, lòng quyết tâm của cô cuối cùng đã được đền đáp. Hàng chục học sinh, dưới bàn tay dạy dỗ của cô đã tham gia hoà nhập cộng đồng. Tên tuổi của cô được nhiều người biết đến, trong đó có cả các chuyên gia là người nước ngoài. Cô nhận được nhiều lời mời về làm việc tại các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt với mức thu nhập rất cao, nhưng cô đã từ chối.

Hiện nay, ngoài việc là giáo viên phụ trách mảng “Can thiệp sớm” và phục hồi chức năng cho trẻ Điếc tại Chi hội Điếc Hà Nội, cô Thuỷ còn tham gia giảng dạy tại nhiều trung tâm, câu lạc bộ dành cho trẻ khuyết tật ở Hà Nội, thậm trí lại dạy tại nhà. Nhưng tất cả những việc chị làm đều là từ thiện, không lấy tiền.

“Vô tình” trở thành giáo viên

Tốt nghiệp cử nhân, trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Cũng như các bạn, cô Thuỷ không hề biết đến Ngôn ngữ kí hiệu.

“Trong một lần tham gia tình nguyện cùng nhóm bạn tại Chi hội Điếc Hà Nội, một thành viên trong đoàn nói “chị có năng khiếu sư phạm” và đề nghị tôi làm giáo viên dạy hai em Mạnh và Hưng - học sinh khiếm thị. Ban đầu, tôi không dám nhận lời vì sợ không dạy được. Nhưng phụ huynh dẫn con đến nhà và ấn vào tay tôi nói “tôi cứ bắt đền cô đấy. Không dạy được, cô cứ đến chơi với cháu cũng được”. Tình yêu thương con người đã dẫn tôi đến quyết định “táo bạo” đó, cô Thuỷ kể.

Hơn cả điều mong đợi, chỉ sau một thời gian ngắn, dưới sự kèm cặp của chị Thuỷ Mạnh và Hưng đã có tiến bộ rõ rệt. Chị Thảo - mẹ của bé Mạnh, cho biết: “Sau 3 tháng học với cô Thuỷ, Mạnh đã giao tiếp được với mọi người trong nhà”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh có con em bị điếc, thậm trí là bị bệnh tự kỉ đều tìm đến nhờ cô giúp đỡ. Năm 2003 cô tham gia một khóa học về Sign language.
 
Cô giáo Thuỷ đang trò chuyện với đồng nghiệp.

Ban đầu, việc học rất khó khăn, 4 tháng đến lớp chị Thuỷ chỉ ngồi nghe mà không hiểu họ nói gì. Chị cho biết: “Học ngôn ngữ kí hiệu rất khó, vì đặc trưng của loại ngôn ngữ này là dùng những động tác kí hiệu của bàn tay để truyền đạt ý của mình đến người khác. Tuy nhiên, rất nhiều động tác khi thực hiện lại có nhiều nét tương đồng, thậm chí rất giống nhau. Vì thế chỉ cần làm sai đi một chút là thông điệp truyền tới người nghe đã bị lệch hoàn toàn”.

Tuy nhiên, khó khăn không làm chị mất đi lòng quyết tâm hoà nhập cộng đồng cho những người khiếm thị. Hết học thầy đến học bạn, cuối cùng chị đã hoàn thành khóa học... Từ đó đến nay, chị trở thành cô giáo dạy Ngôn ngữ kí hiệu cho trẻ em khiếm thính, đồng thời là phiên dịch viên của Chi hội Điếc Hà Nội.

“Kho” tư liệu sống về giáo dục dặc biệt

Khi không phải dạy thì chị tham gia các công tác cộng đồng và giúp mọi người trong chi Hội Điếc Hà Nội đi Hội thảo. Mỗi khi nhắc đến chị, mọi người thường nói: “Chị Thuỷ là cánh tay trái, nhưng lại là tay phải của các Thành viên. Họ ví chị như “viên ngọc” quí.

Còn với các em nhỏ khiếm thính vẫn thường gọi chị với cái tên thân thương “cô tiên”. Từ bé chưa bao giờ tôi nghĩ lớn lên mình sẽ làm giáo viên, thế mà không biết số phận đưa đẩy thế nào lại đi theo nghiệp này. Có lẽ đấy là “duyên tiền định” mất rồi!, chị Thuỷ tâm sự.

Đặc biệt, chị giúp rất nhiều sinh viên (trong đó có cả sinh viên nước ngoài) làm đồ án tốt nghiệp về vấn đề điếc. Một sinh viên trường Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói: “Đối với sinh viên chuyên nghành Giáo dục đặc biệt, chị Thuỷ là “kho” tư liệu sống.

Nhận xét về cộng sự của mình, anh Lê Văn Ánh, Phó chủ tịch Hội khuyết tật Hà Nội, Chủ tịch chi hội Điếc Hà Nội cho biết: “Lâu nay, khi tiếp xúc với xã hội bằng phương pháp viết, nhưng không thuận lợi. Ví dụ: Khi tham gia giao thông, đến bệnh viện... không có phiên dịch rất là khó. Khi gặp cô Thuỷ, những vấn đề về gia đình (như đưa con đi viện, nhưng hiểu lầm giữa vợ chồng...) đến công việc Thuỷ đều giúp chúng tôi. Chẳng hạn, như hôm nay nói chuyện với nhà báo, nếu không có Thuỷ thì tôi không biết nhà báo hỏi gì và ngược lại nhà báo cũng không thể hiểu được tôi nói gì”.

“Từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi mong muốn, người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng cần được quan tâm nhiều hơn nữa để họ cải thiện cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng” - chị Thuỷ nói.

Hồng Hạnh