![]() |
Thầy giáo Đạt cùng các em tại lớp học giữa Biển Hồ - Ảnh: Vũ Bình |
>> Kỳ 1: Chạy nhà mùa nước lên
>> Kỳ 2: Những đứa trẻ "rái cá”
>> Kỳ 3: Đàn bà đi biển một mình
Ra biển đứng lớp
Đúng 7g30 mỗi ngày, khoảng 50 học sinh lớp 1, 2 theo ghe tập trung về trên chiếc bè tre nứa cũng là căn nhà nổi của thầy giáo Nguyễn Viết Đạt ở làng chài PungLuông để bắt đầu buổi học. Lớp học "di động" trên ghe này rộng chưa đến 20m2, trống hoác, nhiều chỗ dột nát. Mỗi khi cơn gió biển thổi thốc từng cơn, lớp học lại chao đảo theo con sóng. Những cô bé, cậu bé học trò đủ mọi lứa tuổi, gương mặt khắc khổ, lam lũ trông già trước tuổi với những manh áo mỏng, cũ kỹ lạnh run, phải vừa học vừa di chuyển chỗ ngồi khi mưa dột.
Kết thúc buổi học, vợ và con trai thầy giáo Đạt lại tất bật đưa học trò trở về nhà. Đến 12 giờ trưa, ghe đưa đón học trò tiếp tục đi rước số học sinh khối lớp 3, 4. Buổi chiều lại đến lượt học sinh khối lớp 5. "Nếu không đưa rước thì các em sẽ bỏ đi biển hết. Chỉ có cách tập trung các em lại mới dạy được thôi", thầy giáo Đạt giải thích. Tổng cộng mỗi ngày lớp học thầy Đạt dạy tiếng Việt cho gần 150 học sinh của cả làng chài.
Thầy Đạt sinh năm 1962, quê ở Cái Bè, Tiền Giang. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự giúp nước bạn Campuchia, anh lại quày quả khăn gói trở lại Biển Hồ với một balô đầy sách vở. Và anh đã trở thành người thầy đầu tiên mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ ở đây vào cuối năm 1988. Cư dân Việt ở Biển Hồ bao đời giúi mặt vào chuyện mưu sinh, quanh năm suốt tháng không hề biết tới con chữ đã hăm hở chào đón sự ra đời của lớp học.
Trẻ em và cả người lớn kéo tới đông nghịt, suýt làm chìm luôn lớp học vừa dựng lên tạm bợ trên chiếc ghe bầu. Nhưng chỉ được vài ngày đầu thì lớp học vắng hoe, số trẻ đến lớp cứ giảm dần vì phải chúi mũi vào chuyện mưu sinh trên biển. Nhiều gia đình cũng không tha thiết cho con em đi học vì "cái chữ có thể thay cơm, thay cá ở xứ biển này được không?".
Vừa dạy học, thầy giáo Đạt lại phải vừa bơi xuồng đi vận động từng nhà thuyết phục phụ huynh cho các em được đến lớp. "Mình cũng chỉ là thầy giáo bất đắc dĩ. Không có chuyên môn sư phạm gì, chỉ đến với các em bằng cái tâm và tất cả tấm lòng. Bao nhiêu chữ nghĩa mình biết được thì cố mà truyền thụ lại cho các em. Chỉ mong các em biết được con chữ để còn nhớ nguồn cội quê cha, đất tổ. Sau này có điều kiện trở lại quê hương cũng còn biết chút ít chữ Việt để thích nghi với cuộc sống quê nhà”, thầy Đạt thổ lộ.
Còn cô giáo trẻ Cao Thị Tuyết Mai cũng mỗi ngày theo ghe ra biển đứng lớp dạy chữ Việt cho những đứa trẻ nghèo tại các làng chài người Việt ở vùng Biển Hồ tại Siem Reap. Dân làng chài gọi cô là cô giáo lớp học "thuyền" vì lớp là một cái thuyền bé tẹo, nhưng mỗi ngày có đến trên 150 em theo học từ sáng đến chiều. Quê gốc Mai ở An Giang, học hết bậc trung học phổ thông rồi theo gia đình sang Siem Reap mưu sinh với đủ công việc vất vả.
Tiếp xúc với trẻ làng chài, thương hoàn cảnh của các đứa trẻ nghèo vùng biển không biết chữ, cô quyết định đứng lớp "nổi" tại các làng chài, bây giờ đã được hơn năm năm. "Học trò nghèo, cô giáo cũng nghèo. Lớp học cứ chênh vênh, trôi nổi theo con nước. Nhưng tình cảm giữa cô trò cũng như sự khao khát dạy và học đã giúp cô và trò ngày càng gắn bó với nhau hơn", Mai thổ lộ.
Mai kể có những đứa trẻ theo cha mẹ đi biển vài ngày hay có khi vài tuần, trước khi đi đều đến gặp cô nói: "Cô ơi, cô viết cho con mấy chữ. Con tự học khi nghỉ tay trên ghe. Khi nào về làng, con sẽ trả bài cho cô”. Đến khi vừa theo ghe về, các em đã tìm đến cô trả bài từng câu chữ như lời đã hứa. "Các em ham học như vậy thì dù vất vả mấy cũng không nỡ bỏ các em được", Mai nói.
Chữ cho mai sau
Chèo ghe đón các em đến lớp - Ảnh: Vũ Bình |
Ở Biển Hồ có một lớp học do Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang tài trợ, ra đời đã hơn 10 năm. Ngoài ra còn có vài điểm dạy tiếng Việt với khoảng vài chục em do những người có lòng mở ra trên những chiếc ghe neo đậu tại các làng nổi.
Tại khu làng chài ở Kampong Luong, huyện Krakor, sau khi lớp học của thầy giáo Đạt ra đời, đến nay đã có thêm ba lớp học nổi "tình thương" được mở với gần 400 học sinh. Các thầy cô giáo ở Biển Hồ nói mặc dù hầu hết là con gia đình nghèo, phải vừa làm vừa học nhưng nhiều em học rất chăm.
Nhiều em do hoàn cảnh gia đình nên 14, 15 tuổi mới chỉ được học lớp 1, lớp 2. "Tụi con rất mong mình biết đọc, biết viết để sau này nếu có cơ hội thì còn tìm về quê hương sinh sống và có điều kiện học lên cao tiếp", nhiều đứa trẻ thổ lộ như vậy.
Điều thầy giáo Đạt và những thầy cô muốn dạy chữ cho các em lo lắng là nguy cơ tái mù chữ. Các lớp học chỉ dạy đến lớp 5, số trẻ được gửi về VN học tiếp rất hiếm hoi. Chị Kim Quỳnh, thế hệ học trò đầu tiên của thầy giáo Đạt, nói: "Ở làng nổi này cách duy nhất để không quên mặt chữ là tập... hát karaoke các bài hát tiếng Việt. Nhưng tiền đâu mà đi hát. Hồi còn con gái, vài tháng cả nhóm bạn tụi em vẫn thường hùn tiền đi hát để nhớ chữ. Nhưng bây giờ công việc cấp tập, bẵng đi mấy năm chữ thầy đã trả cho thầy hết trơn rồi".
Với những học sinh là thế hệ con em Kim Quỳnh, do không biết tiếng Campuchia nên không thể hòa nhập tại các trường học Campuchia. Cả xóm người Việt ở đây có 1.400 trẻ em trong độ tuổi đi học (6-17 tuổi) nhưng từ trước tới nay chỉ mới có ba người học lên trung học tại trường Campuchia.
Đầu tháng bảy vừa qua, được sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước, thầy Đạt đóng mới một bè nổi để thay thế lớp học hiện tại đã xuống cấp. Chiếc bè nổi khang trang, có khả năng đón nhận cùng lúc 100 học sinh, đang trong giai đoạn hoàn tất tại mé Biển Hồ. Dự kiến khoảng tháng nữa khi nước lũ từ Biển Hồ dâng lên, bè sẽ tự nổi và được kéo về vị trí để đưa vào sử dụng ngay.
Thầy giáo Đạt và chi hội người Việt Nam tại đây dự tính sửa sang lại chiếc bè cũ đang dùng để dạy tiếng Campuchia cho các em. Phần việc này sẽ do ông Kiều Văn Danh, một người đầy nhiệt tâm với cộng đồng người Việt Nam ở Kampong Luong, đảm nhận. Một bước ngoặt mới đang mở ra cho những học sinh người Việt tại làng Biển Hồ Kampong Luong!
VŨ BÌNH - TẤN ĐỨC
▪ Đại học như... tiểu học (01/08/2008)
▪ Một học sinh VN nhận bằng khen của Tổng thống Mỹ (31/07/2008)
▪ Những đứa trẻ “không mùa hè” (31/07/2008)
▪ Sẽ lập danh sách tài năng tin học trẻ để bồi dưỡng (31/07/2008)
▪ Trẻ em khu công nghiệp và vòng luẩn quẩn dốt - nghèo (30/07/2008)
▪ Tình nguyện giữa trời Tây Bắc (29/07/2008)
▪ Việt Nam giành 4 HCV Olympic Vật lý (28/07/2008)
▪ Người thầy đam mê sáng chế (26/07/2008)
▪ Ông thầy thương binh (26/07/2008)
▪ SV - HS nghèo ở ĐBSCL kiếm... thu nhập bằng nhiều nghề (25/07/2008)