Ông thầy thương binh
Các Website khác - 26/07/2008

 

Ông Nguyễn Tấn Quang hướng dẫn các cháu học nghề (ảnh do ông Quang cung cấp)

Bao năm qua ông vẫn cặm cụi bên những chiếc máy tiện, hàn, phay... để chế tạo ra hàng trăm chiếc máy mới. Ông cũng đã đào tạo bao lớp học trò là thợ máy giỏi. Học trò của ông là con những thương binh, liệt sĩ khác. Trong bệnh án của ông cách đây hơn 40 năm trước, bác sĩ ghi: "Nguyễn Tấn Quang: thương binh 1/4, mất đi 80% sức lao động".

Giọng cười hào sảng của ông già miền Nam vang khắp phòng. Ông đang kể cho các đồng đội nghe về sự trưởng thành của con cái họ do ông nuôi nấng, dạy nghề... Chốc chốc ông lại nhìn cái chân phải đã mất của mình rồi ông cười: "Không có nó mình đi bằng cái khác..." - ông nheo mắt hướng về cây nạng gỗ.

"Đi bằng đầu"

Với đôi chân không còn lành lặn khi vừa bước sang tuổi 27, người thương binh Nguyễn Tấn Quang vẫn kiên quyết: "Mình phải đi tiếp để cống hiến cho quê hương... Nếu không đi được bằng chân thì mình vẫn còn cái đầu". Năm ấy là năm 1968, chiến tranh rất ác liệt…

Tham gia cách mạng khi tròn tuổi 20, anh công nhân kỹ thuật Nguyễn Tấn Quang vừa tốt nghiệp Trường Cao Thắng đã hăng hái tham gia sản xuất vũ khí cho bộ đội chiến đấu. Công tác trong xưởng quân giới của khu Sài Gòn - Gia Định (Y4 cũ) điều kiện vật chất thiếu thốn trăm bề nhưng từ những vật liệu có sẵn và tìm kiếm được, bao sáng kiến đã nảy nở, năng suất và chất lượng vũ khí của đơn vị anh ngày càng được nâng cao. Với thành tích đó, năm 1966 anh nhận được Huân chương Chiến công hạng 3 và nhiều bằng khen, giấy khen, giữ chức xưởng phó quân giới khi vừa ở tuổi 25.

Khi được hỏi điều gì ông cảm thấy hài lòng nhất trong những việc đã làm, ông Quang trả lời: "Giúp được cho con em của các đồng đội có được cái nghề. Nhiều đồng đội của tôi còn nghèo khó quá...". Khi đi thăm đồng đội cũ, cảnh đập vào mắt ông là cái nghèo và sự thất học của các em nhỏ. "Đứa ở Rạch Giá, Cai Lậy, Củ Chi, Bình Dương… tôi gom hết về xưởng rồi bắt đầu đào tạo nghề" - ông nói.

Với những em chỉ học đến lớp 2, lớp 3 ông cho đi học bổ túc văn hóa. Không chỉ học nghề tại xưởng, ông Quang còn đưa các em đi học tại Trung tâm Dạy nghề (quận Bình Thạnh), mỗi suất học 3 triệu đồng/năm. Em Trần Văn Minh (quê ở Rạch Giá) nói: "Ở với chú Quang được học, được ở, được ăn miễn phí mà còn được trả lương 2 triệu/tháng nên tụi con rất yên tâm. Chú Quang cũng là một tấm gương để tụi con học tập". 

Hai năm sau, người chiến sĩ trẻ ấy bị thương vì đạn pháo, phải đưa ra Bắc điều trị an dưỡng. Tại Bệnh viện điều trị 109 Vĩnh Phú, chàng trai Sài Gòn đã chinh phục tình cảm của tất cả mọi người nơi đây. Mang vết thương trên người nhưng anh thương binh "bướng bỉnh" suốt ngày tự nguyện sửa chữa dụng cụ y tế, mài sắc dụng cụ mổ và chế tạo nẹp ghép xương cho anh em thương binh khác.

Ngày đất nước thống nhất, gia đình khó khăn, là trụ cột chính của gia đình anh quyết đi tìm việc. Nhưng với bệnh án "mất đi 80% sức lao động", nhiều công xưởng đã lắc đầu từ chối. Cuối cùng Nhà máy Z-751 "châm chước" nhận anh vào làm. Những ngày đầu làm việc, mất đi chân phải nhưng anh vẫn đứng 8 giờ/ngày, cũng đi lại tới lui, mài dao, đổ dụng cụ...

Và khi Nhà máy Z-751 gặp khó khăn về thiếu nguyên liệu thiết bị, đòi hỏi những sáng chế thay thế cũng là lúc anh thương binh Tấn Quang thể hiện mình. Khi thì cái nút dẫn lửa mới cho quả pháo kéo ra chiến trường Tây Nam, lúc lại cái khuôn đắp lốp máy bay F5E, sản phẩm nào cũng được ứng dụng thành công và được anh em nhà máy khen ngợi.

Lúc đầu không ai tin một anh thương binh nặng lại có thể làm được việc đến thế, nhưng rồi những sáng kiến có giá trị cứ tiếp tục ra đời làm lợi rất nhiều thì mọi người đã thật sự bị thuyết phục. Khi thì máy cán ren, lúc thì máy đùn săm ôtô loại lớn, máy đùn gạch, máy cắt thảm xơ dừa, ống cao áp..., sản phẩm nào của anh Quang cũng được đưa vào sản xuất thành công. Sau 13 năm làm việc tại đây, anh thương binh Nguyễn Tấn Quang đạt chiến sĩ thi đua sáu năm liền, được tặng thưởng ba bằng khen lao động sáng tạo.

Với con em những người đồng đội

Những năm về hưu, "cái lão thương binh ham làm ấy vẫn không chịu nghỉ ngơi", bạn bè vẫn hay trêu ông Quang như vậy khi ông tiếp tục mở xưởng máy riêng và nhận dạy nghề cho con em đồng đội cũ. Qua tay ông, gần 40 con em đồng đội được dạy nghề và có việc làm ổn định.

Từ một chuyên gia chế tạo vũ khí, ông chuyển sang tự mày mò sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất. Không có tiền mua máy để làm, ông kiêm luôn việc nhận sửa tivi, radio, cassette… để tích lũy vốn.

Năm 1990, xưởng máy của "lão thương binh ham làm" ra đời với vốn liếng là ba máy tiện, máy hàn, máy phay. Giờ đây xưởng của ông thương binh 67 tuổi lúc nào cũng tấp nập đơn đặt hàng. Khi thì Nhà máy thuốc trừ sâu Sài Gòn đặt hàng máy đổ thuốc, máy đóng chai tự động. Lúc thì Công ty thủ công mỹ nghệ Artex Sài Gòn đặt chế tạo dây chuyền chế biến gỗ gồm hơn 20 thiết bị với nhiều chủng loại khác nhau...

Máy móc hoạt động hiệu quả, năng suất, chính xác, giá thành vừa phải và thời gian thực hiện nhanh gọn là điều xưởng ông luôn làm hài lòng khách hàng. Tất tần tật các khâu từ nhận đơn đặt hàng, thiết kế máy, làm những chi tiết quan trọng, hướng dẫn công nhân đều do một mình ông đảm nhận. Máy móc luôn thay đổi hằng ngày hằng giờ nên lúc nào ông cũng tự nghiên cứu, mày mò và học hỏi từ sách báo, tham quan các cơ sở khác để "tự đào tạo mình từng ngày".

Năm 2008, ông được Liên đoàn Lao động TP tặng bằng khen "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi 5 năm". Với thu nhập hằng năm 1,2 tỉ đồng, ông còn là người tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại P.7, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.

 KIM TUYẾN