Người thầy đam mê sáng chế
Các Website khác - 26/07/2008

 

Thầy Châu Kim Bảng đang hướng dẫn học viên thực hành
Dù là giáo viên hay khi đã làm công tác quản lý, người thầy ấy vẫn đam mê sáng tạo để việc đào tạo nghề đạt hiệu quả cao nhất

Phòng thực hành lắp đặt điện công nghiệp của Trường Trung cấp nghề (TCN) Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương mỗi ngày thu hút hàng trăm học viên đến thực hành. Tại đây, không chỉ học viên ngành điện mà các ngành khác như điện tử, cơ khí cũng đến thực tập. Bà Ngô Ngọc Dung, Chủ tịch CĐ trường, cho biết: “Nhờ phòng thực hành này mà học viên có cơ hội thực tập, nâng cao tay nghề. Tất cả nhờ công của thầy Châu Kim Bảng”.

Học đi đôi với hành

Gặp thầy Châu Kim Bảng khi thầy đang tất bật chuẩn bị dẫn đoàn học sinh giỏi nghề của trường dự hội thi tay nghề cấp quốc gia tại Hà Nội. Đến lớp của thầy, tôi càng ngạc nhiên hơn vì thay cho bài giảng lý thuyết thông thường là những buổi thực hành kèm theo bài học về tác phong công nghiệp. Tôi tỏ ý thắc mắc, thầy liền đáp: “Điều đầu tiên mà học viên học nghề muốn biết chính là thiết bị thế nào, vận hành ra sao? Được tận mắt chứng kiến, tận tay sờ vào thiết bị, học viên dễ dàng tiếp thu bài giảng. Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp cũng rất quan trọng. Nó không chỉ giúp người lao động hiểu về nguyên tắc an toàn mà còn bảo vệ tính mạng họ”.

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trước khi đến với nghề dạy học, thầy Bảng có hơn 10 năm làm kỹ sư điện cho các công ty trong và ngoài nước. Điều thầy trăn trở nhất trong quá trình làm việc là khi tiếp xúc với những người lao động mới vào nghề, thấy họ tay nghề yếu lại thiếu tác phong công nghiệp. “Đó cũng là lý do khiến tôi muốn tham gia công tác đào tạo sau nhiều năm làm kỹ sư. Tôi nghĩ mình sẽ áp dụng phương pháp dạy nghề mới theo hướng tích cực giúp học viên có tay nghề vững”.

Tất cả để nâng cao chất lượng học nghề

Năm 2004, thầy Bảng về Trường TCN Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương. Bước vào nghề, thầy mới thấy mọi việc không như ý định ban đầu của mình. Nhà trường thiếu phòng thực hành và thiết bị thực tập nên khó nâng cao tay nghề cho học viên. Thầy nghĩ, nhất thiết phải xây dựng phòng thực hành, tăng cường thiết bị. Đem ý định này trình bày với ban giám hiệu, thầy được ủng hộ. “Nhưng khoản tiền vài trăm triệu là không nhỏ đối với trường. Để thuyết phục mọi người, tôi tình nguyện đứng ra thực hiện dự án với kinh phí thấp nhất”.

Thầy bắt tay nghiên cứu, thiết kế phòng thực hành. Dựa vào mô hình thực hành điện tại các hội thi tay nghề thế giới, thầy tiến hành cải tiến cho phù hợp với điều kiện của trường. Để tiết kiệm chi phí, thầy mua thiết bị về tự gia công, lắp đặt. Mất gần 7 tháng, với nhiều đêm ở lại trường đến khuya, thầy đã hoàn thành phòng thực hành với thiết bị hiện đại như hệ thống điện, mô hình thiết bị điện... Tháng 5-2005, phòng thực hành lắp đặt điện chính thức đưa vào sử dụng. Theo nhận xét của ban giám hiệu lúc bấy giờ, phòng thực hành ra đời, đã rút ngắn thời gian đào tạo cho học viên. Nếu như trước đây, học viên học nghề điện ngắn hạn phải mất từ 3 tháng thì hiện nay chỉ còn 5- 6 tuần. Số lượng học viên cũng tăng gấp đôi so với trước.

Đam mê sáng tạo

Khi phòng thực hành lắp đặt điện hoàn tất, thầy bắt đầu phối hợp cùng đồng nghiệp cải tiến và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nâng kỹ năng cho các ngành điện công nghiệp, tự động hóa và cơ điện tử. Thầy còn đề nghị trường triển khai áp dụng phương pháp học tập tích cực, giúp học viên tự tin, mạnh dạn tìm tòi, trao đổi với bạn bè, với giáo viên để việc học tập đạt kết quả tối ưu. Sau này, khi được đề bạt làm phó giám đốc Trung tâm Cơ điện tử, “máu sáng tạo” vẫn thôi thúc thầy cùng đồng nghiệp thiết kế và thực hiện phòng thực hành công nghệ điện, phòng thí nghiệm điện kỹ thuật và đo lường...

Đến Trung tâm Cơ điện tử, tôi nghe học viên nhắc đến thầy Bảng với sự yêu mến, quý trọng. Nguyễn Văn Trung, học viên năm 2 ngành điện công nghiệp, kể: “Trong quá trình thực tập tại Công ty Đông Thơ (quận Tân Bình- TPHCM), tôi được đánh giá cao về kỹ năng cũng như tính chuyên nghiệp trong công việc. Điều đó khiến tôi rất tự hào. Được như vậy, tôi không thể nào quên ơn thầy Bảng đã tận tình hướng dẫn”. Còn học viên Nguyễn Đức Cường cho rằng: “Thầy không chỉ nhiệt tình truyền đạt cái hay, cái mới mà còn giúp chúng tôi phát huy tính sáng tạo. Đó là yếu tố giúp chúng tôi tự tin hơn trong quá trình tìm việc sau này”.

Bài và ảnh: Huỳnh Nga