Nghệ An: Học sinh bỏ học sẽ tăng!
Các Website khác - 16/04/2008

 

 - Số học sinh (HS) bỏ học được Sở GD-ĐT Nghệ An cập nhật hàng tháng. Mặc dù, HS bỏ học những tháng "nước rút" cuối năm học 2007-2008 có chững, nhưng không bền. Thực tế ở một số cơ sở vùng cao mới thấy sự học gian nan cùng những ngậm ngùi...Ghi nhận của PV VietNamNet ở một số cơ sở vùng cao Nghệ An.

Em Lương Văn Thắng (khoanh tay) sau 20 lần vận động mới chịu trở lại lớp học (Ảnh K.O)

Sở GD-ĐT Nghệ An những ngày đầu tháng 4, điện thoại phòng Văn thư "nóng" hơn bởi liên tục nhận tin báo HS bỏ học từ cơ sở. Phó Chánh Văn phòng sở Đào Công Lợi cho hay, số HS bỏ học sau ngày 25/9/2007 là hơn 10.700 HS; trong đó, có hơn 1.000 HS bổ túc còn lại hơn 9.000 HS phổ thông.

Và số HS bỏ học được cập nhật liên tục hàng tháng. Những tháng cuối năm học này HS bỏ học ít hơn, nhưng thời điểm bỏ học nhiều nhất là hè. Do vậy, năm học này số HS bỏ học ở Nghệ An chắc chắn sẽ nhiều hơn năm học trước - Nguyên Chánh Văn phòng sở dự báo.

HS bỏ học tăng so với năm học trước có nhiều lý do: địa hình đi lại giữa khu dân cư và điểm trường hiểm trở, phức tạp. Số HS người dân tộc chiếm ngày càng đông, trong đó, một bộ phận HS nữ người Mông lâu nay chỉ học hết tiểu học rồi bỏ học...

Không tính vùng thuận lợi, Nghệ An có 5 huyện vùng cao đặc biệt khó gồm: Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu và Con Cuông. Huyện cách TP. Vinh gần nhất là Quỳ Châu với 150 km, xa nhất là hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn cách Vinh hơn 300 km...

Số HS người dân tộc ở các cấp năm học 2007-2008 như sau: mầm non trên 19.600 HS; Tiểu học gần 53.000 HS; THCS trên 42.000 HS và THPT hơn 13.000 HS.
Riêng huyện Tương Dương, giáp biên giới có diện tích gấp 2,8 lần tỉnh Thái Bình (diện tính tỉnh Thái Bình hơn 1.000 km2). Thời gian trưởng phòng đi kiểm tra 1 trường bằng thanh tra của sở đi công tác 1 huyện - huyện gần cũng mất cả ngày, ông Lợi so sánh. 

Vì không có người của Sở dẫn đường, tôi chọn Quỳ Châu là điểm đến khảo sát về chuyện gieo chữ nơi đây. Để đến được huyện phải mất gần 4 tiếng đồng hồ ngồi trên xe ô tô khách. Quỳ Châu cũng là huyện được đánh giá đỡ khó hơn 4 huyện còn lại.

Nếu giáo viên vùng có điều kiện áp đặt các quy định, thậm chí cả "đòn roi" để "trồng người", thì khoảng cách thầy-trò nơi vùng núi cao là sự thông cảm, đùm bọc, chở che. Dẫu vậy, sự học vùng cao vẫn nhiều lắm những gian nan?

Huyện độc nhất 1 trường cấp 3

Đường dẫn từ ngã ba Yên Lý (cách TP.Vinh 50 km) vào Quỳ Châu gần 100 km, mất khoảng 3 giờ đồng hồ đi xe ô tô khách. Cả huyện có 11 xã. Tổng số trường học các cấp có 40 trường, chủ yếu là các trường mầm non, tiểu học và THCS. Riêng cấp 3 (THPT) cả huyện có 1 trường.

s
Đoạn đường dẫn vào Trường Tiểu học Châu Bình 2 do tập thể GV của trường đắp (Ảnh K.O)
Trưởng phòng GD huyện Quỳ Châu Võ Thị Lộc khẳng định, tương lai huyện cũng không mở thêm trường THPT. Lý do vì HS không chịu đi học!?  

Bà dẫn dụ, năm học 2006-2007 số HS tốt nghiệp lớp 9 của huyện dao động từ 1.000 - 1.200 HS, nhưng số vào học THPT chỉ chiếm 50% (khoảng 600 - 700 HS). Còn lại một số ít vào Trung tâm GD thường xuyên. Một số đi học nghề và một số đi lao động kiếm tiền.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - trường cấp 3 duy nhất của huyện Cao Thanh Lương bộc bạch, số HS vào lớp 10 năm học 2007-2008 giảm 1 lớp so với năm học trước nhưng còn muốn giảm nữa vì chất lượng đầu vào thấp quá. Hai năm gần đây, số HS bỏ học từ 75-80 HS, tăng gần gấp đôi so với trước. Trung bình mỗi khối 10,11,12 bỏ 20 em. Số HS bỏ học chủ yếu do học yếu. 

Bản tin của đài phát thanh Nghệ An dẫn số hộ dân hiện còn sống trong đèn dầu là 20.000 hộ. Còn tại huyện Quỳ Châu có nhiều xã như Châu Hoàn, Châu Phong, Diên Lâm. Châu Nga...100% dân chưa nhìn thấy điện sáng trong nhà.

Riêng xã Châu Hoàn cách huyện 40 km, số hộ nghèo chiếm hơn 60% - bà Lộc kể. Ở đó có những ngôi nhà quanh năm không biết sống bằng gì. Cơm không có ăn thì nghĩ gì đến chuyện học(!). Do quá nghèo cộng với lực học yếu, bước vào học kỳ 2 cả huyện có 76 HS bỏ học.

Theo chân Hiệu trưởng và các giáo viên Trường Tiểu học Châu Bình 2, chúng tôi đến điểm trường tại Bản Thung Khạng, xã Châu Hoàn chiều 9/4. Vào đến điểm trường chúng tôi phải ngồi sau xe máy nhảy "hip-hop" hơn 1 tiếng đồng hồ. Đường đất đỏ khó đi. Chốc lại va những "ổ voi" lởm chởm những tảng đá chòi ra sau mỗi đợt mưa rào. Vừa điều khiển xe máy, phó Hiệu trưởng của trường giải thích "đường giờ đã dễ đi hơn, trước xe máy cũng bó tay". Rồi chị chỉ cho tôi những đoạn đường do chính tập thể giáo viên của trường đắp để đi lại.

Điểm trường có 5 lớp dải đều từ lớp 1 đến lớp 5. 100% HS là người dân tộc Thanh. Chị Dương Thị Lệ giáo viên chủ nhiệm lớp 5E của trường kể "mặc dù HS bản Thung Khạng đến trường được miễn phí hoàn toàn tiền học hành, sách vở. Nhưng nhiều HS phải vận động mãi mới tới lớp. Thậm chí nhiều gia đình ỷ hết cho nhà trường chuyện ăn học của con. HS bỏ đói đi học là chuyện thường. Không có sách bút viết cũng kệ..."

Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 Sầm Thị Viên kể trong nghẹn ngào "Giờ học buổi chiều, bỗng giáo viên hốt hoảng đưa HS đến phòng y tế tưởng ốm đau gì. Hỏi ra, sáng em không ăn, trưa cũng nhịn nên đến 3 giờ chiều thì lả đi vì đói. Cô đưa về phòng Ban Giám hiệu pha cho bát mỳ tôm ăn rồi tỉnh..."

Cô nói "phụ huynh nơi đây không có điều kiện nên cháu nào được chăm sóc "chu đáo" thì được lưng cặp lồng nhựa cơm cho 2 bữa sáng, chiều. Còn không thì đến lớp với cái bụng đói...". Trước đây, để HS đỡ lạnh bụng mỗi cán bộ, giáo viên của trường tự trích 15.000 đồng tiền lương/ mỗi tháng hỗ trợ bữa ăn cho các cháu. Giờ thì (từ tháng 3 tới đây) mỗi tháng trường nhận 5 triệu đồng từ huyện, do một doanh nghiệm tài trợ đã cải thiện phần nào bữa ăn trưa cho các cháu.

Kể đến đây cô cười rạng rỡ, từ khi có khoản tiền hỗ trợ các cháu đến trường không bị đói nên không có HS bỏ lớp.

Còn điểm Trường tiểu học Châu Bình 2 tại bản Thung Khạng, để "giữ chân" HS tới lớp giáo viên thường tích kẹo, bánh hàng kg trong tủ. Giờ tan học ca sáng cùng kèm theo lời hứa "chiều đến lớp cô sẽ chia kẹo cho các con...". Nhờ kẹo, các cháu HS vùng cao háo hức đến trường hơn.

a
Bữa ăn "tươi" của các cháu HS Trường tiểu học Châu Hạnh 2 (Ảnh K.O)
Rút ngắn khoảng cách GD vùng khó: Không tưởng?

11 năm trong nghề, cô Lệ chia sẻ "chưa năm nào cô không đi vận động HS tới lớp. Đến nay, số HS vận động không nhớ nổi đến số bao nhiêu. Có những trường hợp dễ, nhưng nhiều trường hợp đến vận động nhiều, phụ huynh đuổi... tủi thân lắm". Vừa nói cô chỉ tay về phía HS nam tên Lương Văn Thắng - trường hợp này cô phải đi lại tới 20 lần trong 4 tuần thuyết phục em mới đến lớp.

Thắng không đến lớp vì năm học 2006-2007 bị lưu ban, em đã không đến lớp học lại lớp 5. Cô kể, đi lại nhiều lần không được. Ban Giám hiệu vào cuộc vận động Thắng cũng chưa chịu đến lớp. Rồi nhờ đến Trưởng bản "ra tay" bằng cách "nếu không để Thắng đi học, gia đình sẽ bị miễn hết chế độ gia đình nghèo". Vậy, rồi Thắng chịu đến lớp chậm so với khai giảng năm học 2007-2008 là 4 tuần.

Rầt nhiều HS gia đình quá nghèo cũng được cô Lệ thuyết phục, hỗ trợ quần áo, bút, sách đến trường. Giờ thì lớp học có 16 trò thì cả 16 đều có học lực trung bình trở lên. Cháu đọc chưa thạo cũng đã đọc lưu loát...

Không chỉ hàng ngày từ 6 giờ phải vượt hàng tiếng đồng hồ trên con đường đất đỏ đầy những "ổ voi" để đến trường. Cô còn mang theo bút, đồ ăn...để cô trò cùng ăn, cùng ở. Quy định 1 tuần có 2 buổi chiều thứ 3 và thứ 5 được nghỉ, nhưng thời gian đó cô cũng vào tận bản để bồi dưỡng miễn phí cho các cháu.

Câu chuyện gieo chữ của cô giáo Nguyễn Thị Oanh cũng vậy. Hơn 20 dạy chữ, cô từng công tác tại 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu. Thời công tác ở Quế Phong cô phải vượt cả 100 km mới đến trường để dạy. Nếu không quyết tâm, lòng yêu nghề thì khó có thể đeo đuổi đến giờ. Thậm chí, có đợt cô phải vượt từ 5 - 12 km để vận động HS đến lớp. Cũng có trường hợp đến nhiều phụ huynh còn quăng dao dọa...

Cũng ở huyện Quế Phong, chuyện 1 giáo viên vận động HS nhiều lần đã bị phụ huynh dọa "nếu còn đến nữa sẽ cho uống lá ngón" nhưng cô không nản trí. Tiếng vang lan truyền từ Sở đến Phòng GD huyện, đến đâu cũng dẫn chuyện làm ví dụ.

Lần theo địa chỉ nhận tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/ tháng cho HS Trường Tiểu học Châu Hạnh 2, Hiệu trưởng Sầm Thị Viên cho biết, tiền được "rót" về huyện từ địa chỉ của 1 cá nhân tên Thảo. Trong một chuyến công tác, cảm thông về sự khốn khó nơi đây cô đã tự viết 150 lá thư gửi các tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm cùng chung tay. Bữa cơm cái thiện cho gần 100 HS dân tộc Thanh, Thái của trường từ tháng 3 tới nay có hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp. Cô nói "có ăn HS đi học đầy đủ hơn..."

Nhờ sĩ số lớp được duy trì việc lên lớp của giáo viên cũng ít có phụ đạo ngoài giờ, vì vậy chất lượng cũng được nâng lên...cô Viên nói.

Bên cạnh nỗi lo HS đến lớp không đều, GV vùng cao còn canh cánh với mùa "nước nổi". Nước lên, đường dẫn vào các trường vùng cao đều không lưu thông. Do vậy, thầy-trò vào trường phải qua đò. Chị Mai Thị Hà, dân lái đò tâm sự "Đến mùa mưa, hàng ngày chị phải hoạt động từ 5 giờ sáng chở HS qua sông. Trong vòng 1 tiếng rưỡi chị trèo khoảng 10 chuyến đủ đưa 200 HS vào lớp đúng giờ". Những HS qua đò đều không mất vé. Công lái đò chị được xã trả mỗi tháng được 1,2 tạ thóc. Chị nói "mặc dù có phao nhưng mưa to vẫn sợ".

Rời Quỳ Châu mà lòng nặng trĩu. Để rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng đồng bằng và vùng khó khăn sẽ là chuyện không tưởng?  

  • Kiều Oanh 

    GĐ Sở GD -ĐT Nghệ An Lê Văn Ngọ "Khoảng cách giữa vùng thuận lợi và khó khăn là sự khác nhau về những điều kiện tự nhiên và xã hội. Điều kiện xã hội vùng xa trung tâm, không có những đầu tư để phát triển kinh tế thì điều kiện sống và học hành của các cháu vùng cao khác với vùng đồng bằng.

    Trong phát triển giáo dục ở Nghệ An, đối với vùng khó luôn có những chính sách ưu tiên tối đa. Cụ thể, ở các vùng cao không có hệ thống trường lớp ngoài công lập. Những GV lên đó đều là những GV được đầu tư vào biên chế. Lương của GV vùng cao hoàn toàn nhận từ ngân sách Nhà nước.

    Tuy nhiên, GV vẫn từ một "lò" đào tạo nhưng lên vùng cao họ không phát huy được hết những khả năng, tiềm lực của người GV có để thể hiện trong giảng dạy hàng ngày vì: trường lớp thiếu cơ sở vật chất; điều kiện sống thiếu thốn, không có những tiếp thu cập nhật những kiến thức mới về khoa học trong ngành...