|
Kết thúc học kỳ đầu tiên kể từ khi chương trình 157 (gọi tắt của quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên) được áp dụng, nhiều bất cập trong chính sách cho sinh viên vay vốn đã bộc lộ.
Khá nhiều trường than phiền về cách làm việc một chiều của các chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội. Mối liên hệ giữa nhà trường - địa phương và ngân hàng hiện nay rất lỏng lẻo.
Mặc dù cuối tháng 2/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị các ngân hàng Chính sách xã hội địa phương phải thông báo cho nhà trường, cơ sở đào tạo về kết quả cho vay từng học sinh, sinh viên và ngược lại nhà trường, cơ sở đào tạo thông báo cho ngân hàng Chính sách xã hội những trường hợp học sinh sinh viên đã được vay vốn nhưng chưa đóng học phí kịp thời. Tuy nhiên, các trường hầu như không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ phía ngân hàng. Ông Nguyễn Anh Đức – trưởng phòng công tác chính trị - sinh viên trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Đến nay nhà trường không thể biết được chính xác có bao nhiêu sinh viên được các ngân hàng xét cho vay dù số đơn phát ra đã lên đến chục ngàn. Mới đây, bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu các trường tổ chức thống kê rà soát số lượng sinh viên vay vốn, nhưng việc này không thể thực hiện được vì không lấy đâu ra thông tin”.
Ghi nhận tại một số trường đại học cho thấy, số lượng sinh viên xin xác nhận vay vốn rất đông, nhưng số lượng được vay lại quá ít. Chẳng hạn, tại trường đại học Bách khoa TP.HCM, số lượng đơn xác nhận xin vay vốn trong học kỳ 1 vừa qua là hơn 4.000 hồ sơ, nhưng số lượng ghi nhận được căn cứ vào số lượng sinh viên tiếp tục xin xác nhận lần 2 (vay cho học kỳ 2) chỉ có khoảng 150 hồ sơ. Tại trường Nông lâm TP.HCM, số đơn xác nhận trên 6.000, nhưng cũng chỉ có khoảng 40% trong số đó quay lại trường xác nhận xin vay đợt 2. Một số sinh viên quê thuộc các tỉnh phía Bắc cho biết chưa được xét vay đợt 2 vì ngân hàng nêu lý do thiếu tiền mặt, hoặc chưa nhận được nguồn vốn bổ sung theo kế hoạch.
Cách thức cho vay cũng không thống nhất, mỗi nơi mỗi kiểu gây không ít khó khăn cho trường và sinh viên. Bà Vân Phương - chuyên viên phòng công tác chính trị sinh viên của đại học Bách khoa TP.HCM nói: “Có ngân hàng cho vay theo học kỳ (4 triệu đồng/sinh viên), có ngân hàng cho vay theo năm học (8 triệu đồng/sinh viên), lại có nơi cho sinh viên đến nhận trực tiếp tiền vay, có nơi chuyển khoản cho nhà trường nhưng lại chuyển vượt mức học phí quy định (thay vì chỉ chuyển khoản đủ tiền học phí cho nhà trường thì ngân hàng lại chuyển luôn cả số vay trang trải chi phí sinh hoạt)...
Bên cạnh đó, thời điểm cho vay cũng không thống nhất, có nơi dễ dãi nên sinh viên có nhu cầu là lên xin xác nhận rải suốt học kỳ. Có ngân hàng triển khai việc cho vay diễn ra chỉ trong vòng một tuần lễ, nên khá nhiều sinh viên không được xét do quá thời hạn quy định.
Trong tình hình khó khăn như vừa nêu, một số trường đại học đã tuỳ cơ mở ra nhiều hướng hỗ trợ sinh viên. Trường Sư phạm kỹ thuật TP.HCM kéo dài thời hạn thu học phí học kỳ 2 cho đến khi sinh viên thi học kỳ, sinh viên nào quá khó khăn có thể được nợ đến năm học sau. Ông Trần Tấn Phúc – giám đốc trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, những sinh viên đang gặp khó khăn mà chưa vay được vốn có thể xin gia hạn học phí, hoặc mượn tiền từ quỹ Hỗ trợ sinh viên của trường.
Tập trung 35.000 tỉ đồng lập quỹ quay vòng Hôm qua, ngày 1/4/2008, bộ Tài chính đã chỉ đạo Kho bạc nhà nước chuyển 1.500 tỉ đồng cho ngân hàng Chính sách xã hội Việt Trước đó, ngày 31/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tập trung huy động nguồn vốn từ 30.000 - 35.000 tỉ đồng lập quỹ quay vòng cho chu kỳ 5 năm nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp tục vay vốn học tập theo chương trình 157. Theo tính toán của chính phủ, tỷ lệ học sinh, sinh viên được vay theo chương trình này đạt khoảng 30% số lượng học sinh, sinh viên theo học hàng năm.
(Theo Sài gòn tiếp thị)
▪ 5 lưu ý đặc biệt khi tham dự tuyển sinh TCCN (27/03/2008)
▪ Ở phía Bắc muốn vào TP.HCM học, thi thế nào? (26/03/2008)
▪ Thi vào trường đào tạo chất lượng cao? (21/03/2008)
▪ Khởi động Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cần Thơ (20/03/2008)
▪ Chọn đúng ngành nghề bằng “thi” trắc nghiệm (19/03/2008)
▪ 5 nhóm đối tượng được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng 2008 (18/03/2008)
▪ Bắt đầu ngày hội tư vấn tuyển sinh 2008 tại Hà Nội (16/03/2008)
▪ Tuyển sinh ĐH, CĐ: Thêm rất nhiều chỉ tiêu ngành kỹ thuật (14/03/2008)
▪ Vận động học sinh trở lại trường bằng… phim (11/03/2008)
▪ Hôm nay 10/3: Bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT Đại học, Cao đẳng (10/03/2008)