Sống nhờ vào rác
Một xóm nhỏ nằm cạnh Hồ Đá thuộc ấp Tân Lập, xã Đông Hoà, huyện Dĩ An, Bình Dương, với khoảng 35 hộ dân sinh sống, với hơn 40 đứa trẻ đang ở tuổi đến trường. Nhưng có điều, các em chưa bao giờ biết tới cổng trường.
Từ sáng tinh mơ, những đứa trẻ đã gọi nhau cùng đi nhặt rác. Khuôn mặt chưa kịp rửa chạy vội cầm chiếc bao trên tay. Cu Thi, 10 tuổi (con chú Thành) mái tóc vàng hoe, nước da sạm đen vì cháy nắng hỏi đám bạn: “Hôm nay đi xa một chút nhé? Hôm qua tao được có ít chưa bán, phải gom ngày nay nữa mới cân một thể”.
Những đứa trẻ ở đây luôn coi nhặt rác là một công việc quan trọng, không thể nghỉ, dù ngày nắng hay mưa. Cu Thương, 8 tuổi (con cô Nga) mặc chiếc quần ngắn qua đầu gối bước vội vã trên vai vác bao rác nhỏ, chân bước đều và đưa mắt nhìn hai bên đường tìm đống rác. Thương kể về kinh nghiệm nhặt rác của mình: “Em nhặt rác đã lâu rồi nên rất quen những khu vực nào có nhiều vỏ chai nhựa, nắp bia. Muốn nhặt được nhiều phải sớm từ khi họ chưa ngủ dậy, chứ muộn là người ta nhặt hết”.
Người lớn, thường đi làm từ sáng tới tận tối mới về, nên việc nấu cơm, trông nhà coi em đều do các em tự làm. Khi thấy các đàn anh của mình đi nhặt rác, nhiều em chỉ khoảng 5 hoặc 6 tuổi cũng đi theo để học nghề. Cu Tí (5 tuổi) cũng được anh trai mình là Tèo (11 tuổi) cho đi theo để dạy cách nhặt rác. Tèo vui vẻ nói: “Ban ngày bố mẹ đi làm hết rồi, không có người coi em nên cho nó đi theo chỉ nhặt luôn cho quen”.
Thường ngày, những “cựu nhặt rác” đi rất xa, lùng sục khắp nơi như vào từng xóm trọ, tới những khu vực có bãi rác ở làng ĐH Thủ Đức, khu Suối Tiên, cầu vượt Linh Xuân, sang bãi rác trước cổng Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Tới chiều tối, “đoàn quân” nhặt rác lại còng lưng vác trên vai những chiếc bao rác lớn hơn người.
Mang về tới nhà còn có các công đoạn sàng lọc phân loại các loại rác để đem đi bán. Cu Phi, 12 tuổi (con cô Danh Út) cho biết: “Chiều tối về, chúng em đổ rác nhặt được ra rồi chia ra từng loại như: nhựa, sắt, lon nước nhôm, để riêng ra sau đó mới bán vì mỗi loại có giá tiền khác nhau”.
Cổng trường xa lắm!
Những người dân sống ở khu Hồ Đá đều từ miền Tây lên TPHCM kiếm sống. Họ làm đủ nghề như đập đá, phụ hồ, công việc không ổn định lo ăn từng bữa. Khi còn bé, những dứa trẻ đã phải kiếm sống bằng nghề nhặt rác để phụ giúp cha mẹ. Các em luôn được coi như một lao đông chính trong gia đình của mình. Cu Thương khoe: “Bọn em đi nhặt về tích cóp 3 hoặc 4 ngày chở ra chỗ mua phế liệu ở gần Suối Tiên để bán, được khoảng 50.000 đồng, về đưa cho mẹ mua gạo”.
Trước kia, họ đi làm công, sống tự do nên không đăng kí hộ khẩu. Điều đó đồng nghĩa với việc những em nhỏ sinh ra ở khu Hồ Đá đều không có giấy khai sinh, nên không biết tên họ của mình. Chị Phạm Thị Trinh, mẹ cu Tèo, Tí cho hay: “Những gia đình trong xóm Hồ Đá này đều không có hộ khẩu ở đây. Nhiều lúc muốn làm giấy khai sinh cho mấy đứa trẻ phải về tận Vĩnh Long. Cũng có một lần về để làm giấy khai sinh nhưng thấy lâu, cuộc sống lại khó khăn không có điều kiện về nên đành thôi”.
Khi đươc hỏi về vấn đề làm giấy khai sinh cho các em, ông Đinh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đông Hoà cho biết: “Ngày trước, khu vực đó là Hầm Đá, những người từ miền Tây tới để làm thuê. Họ dựng lều để ở không quan tâm tới việc đăng kí hộ khẩu. Khi không còn khai thác đá nữa, những họ vẫn sống ở đó, sinh con rồi thành xóm nhỏ.
Chuyện làm giấy khai sinh xã không thể giải quyết, phải về nơi thường trú. Từ khi thực hiện đề án giải toả, 41 hộ dân trong làng Đại học Quốc gia không còn thuộc sự quản lý của xã Đông Hoà nên chúng tôi không có trách nhiệm nữa”.
Học sinh trên cả nước đang tưng bừng đón chào một năm học mới. Nhưng hơn 40 đứa trẻ ở khu Hồ Đá trong làng Đại Học Thủ Đức lại chưa bao giờ biết đến ngày khai trường.