Trẻ em bỏ học, lỗi vẫn là tại người lớn!
Các Website khác - 06/09/2008

TP - Một trong những vấn đề còn nhức nhối là hiện tượng học sinh bỏ học, mặc dù, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, con số này giảm. Đây vẫn là nỗi lo lắng đối với nhiều nhà quản lý giáo dục (GD), đặc biệt khi thời điểm  hoàn thành phổ cập GD THCS đang đến gần.

Niềm vui ngày khai trường - Ảnh: H.V

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào đã chia sẻ với phóng viên Tiền phong:

Để học sinh ít bỏ học chúng ta phải có một hệ thống biện pháp chứ không phải một hai biện pháp riêng rẽ nào đó, trong đó có những biện pháp ngành giáo dục  (GD) hoàn toàn chủ động được tức là tổ chức dạy tốt, học tốt.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, tôi đã được nghe Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kêu gọi học sinh cả nước phải làm sao có được  mục đích và động cơ  học tập đúng đắn. 

Để có được  mục đích và động cơ  học tập đúng đắn, đương nhiên phải có việc dạy tốt và các thày cô giáo phải có mục đích, động cơ dạy tốt; để giáo viên dạy tốt là việc có liên quan đến quản lý  ngành tốt từ Bộ đến các cơ sở GD thì  mới huy động được nội lực của đội ngũ giáo viên làm sao để họ chủ động và tích cực.

Khoảng 2 năm nay ngành giáo dục có phong trào: mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo. Để có được điều này, theo tôi, ngành GD phải có sự cải tiến về quản lý thế nào để tương xứng với xu thế cải cách hành chính mạnh mẽ của xã hội và để giúp giáo viên có thể chủ động - bây giờ đi các nơi  tôi thấy giáo viên bị động rất nhiều

Năm nay, trên mặt trận GD, tôi thấy có một tín hiệu đáng mừng rút ra từ bài học của cách làm giáo dục từ thập niên 90  giúp VN có thể hoàn thành phổ cập GDTH và xóa mù chữ là đa dạng hóa GD huy động được toàn xã hội tham gia vào GD.

Năm nay dường như ngành GD đang bắt đầu khởi động chủ chương này. Đầu tiên phải kể đến kế hoạch năm học: Bộ GD&ĐT đã giao cho các địa phương được chủ động khai giảng sớm tùy theo điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện thời tiết khí hậu của từng vùng miền.

Một khởi động nữa đáng mừng  là bắt đầu có sự đi sâu đi sát, có áp dụng đổi mới về dạy học từ lớp 1, đặc biệt ở những vùng khó khăn như Tây Nam Bộ,  Tây Nguyên, Tây Bắc, có áp dụng phương pháp đã được kiểm nghiệm như thành tựu của GD từ một số công nghệ dạy học của GS Hồ Ngọc Đại. 

Được biết, một số trường đã đưa vào thử nghiệm và tôi tin là họ sẽ thành công vì đó là một phương pháp đã  được kiểm nghiệm  nhiều năm và có hiệu quả.

Tuy nhiên. tôi muốn nhấn mạnh là ngành GD cần phải có những giải pháp cơ bản chứ không phải chuyện một sớm một chiều, hoặc chỉ nói mà ít làm. Lời nói phải đi đôi với thực hành, làm phải cụ thể, đa dạng hóa, chứ không phải như mấy năm vừa qua.

Điểm nổi bật nhất là cả nước chỉ có một bộ SGK  duy nhất để sư phạm hóa chương trình. Trong khi  người ta chỉ nên quản lý chương trình mục tiêu thì ta lại quản lý SGK, tức là quản lý phương pháp thể hiện, triển khai quá trình sư phạm trên lớp... là chưa thích hợp.

Để học sinh không chán học, có mục đích động cơ học tập thì các em phải học có kết quả, học đến đâu được đến đấy, học gì được nấy chứ  nếu học bằng ấy năm để rồi cuối cùng ra về tay không thì người học không thể học tích cực, đương nhiên dẫn đến chán học, bỏ học.

Điều này là lỗi ở tại người lớn. Dạy thế nào, thi thế nào thì học sinh học thế, quản lý thế nào thì người ta dạy thế…, là hậu quả tất yếu. Vì vậy đa dạng hóa trong giáo dục là một chủ trương đúng kết hợp với đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến thi cử, học tập theo hướng thực dụng để học sinh có thể vào đời lập nghiệp thì lập tức học sinh sẽ có hứng thú học hành.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc dạy và học là một chủ trương rất đúng đắn nhưng tôi e rằng việc này cũng không thể nào cào bằng hay dàn trải. Tôi nghĩ nên ứng dụng CNTT cho những nơi có điều kiện và tiến hành từng bước một.

Phải từ những  đỉnh cao, những nơi có điều kiện tốt rồi dần dần mới phát triển rộng ra chứ “rụp” một cái cả nước cùng... CNTT thì (cười) thì hỏng to!  Cả vùng sâu vùng xa khó khăn mà mải mê với CNTT thì khổ lắm chứ. Cái chính  vẫn  cứ phải là dạy tốt, học tốt mà muốn vậy phải tùy từng vùng, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, giáo viên cụ thể, học sinh cụ thể.

Nếu cứ làm theo kiểu phong trào thì phải trả giá bằng sự kém hiệu quả. GD, theo tôi, mang tính đặc thù của nó. Không thể có chuyện:  chỉ ra một lệnh,  ngày hôm sau cả nước đồng loạt ra quân mà cần phải có những bước đi cụ thể;  nơi nào có điều kiện thì thực hiện và  nên thực hiện; nơi nào không  có điều kiện phải có bước quá độ, phải có bước chuẩn bị, không thể ... “phong trào”.

Phong trào chỉ  mang tính nhất thời, không cơ bản trong khi GD đòi hỏi phải bài bản. Nếu không, chúng ta sẽ phải trả giá đắt: hậu quả là không những không được phong trào mà còn ảnh hưởng đến việc dạy và học.

  H.T