Thơm thảo những bông Hoa Trạng Nguyên
Các Website khác - 02/08/2008

Họ có thể là các “chàng trai, cô gái vàng” mang vinh quang về cho Tổ quốc, họ cũng có thể là những học sinh xuất sắc luôn thắp lửa ước mơ ở một miền quê nghèo nào đó.

Có “Vàng” nhờ... dưa cà

Hoàng Như Ý và Lê Ngọc Anh tại sân bay Nội Bài. Ảnh: LVT

5 giờ sáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Chu Phạm Ngọc Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Xuân Đồng, các giáo viên Trường THPT chuyên Lam Sơn... đã đến Sân bay Nội Bài đón hai học sinh Lê Ngọc Anh và Hoàng Như Ý của Thanh Hóa vừa đoạt Huy chương Vàng trong Olympic Toán quốc tế tại Madrid (Tây Ban Nha).

Sau vài phút chụp hình, chúc tụng, thầy trò bước lên xe về Thanh Hóa, nơi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang chờ gặp và chúc mừng chiến thắng...

Bên triền sông Cầu Hạc (Thanh Hóa), ngôi nhà của gia đình Ý lợp ngói xập xệ, đối mặt với bờ tre, mùa nước lụt là ập vào tận nhà. Năm 1990, bà Dung “nhỡ kế hoạch”, mang thai người con thứ ba là Hoàng Như Ý bây giờ. Bà Dung nhận quyết định buộc thôi việc. Sau khi sinh Hoàng Như Ý, cả nhà rơi vào thất nghiệp, bà Dung ra chợ Đình Hương bán dưa, cà.

Bố của Ý - ông Hoàng Văn Mãi mất việc khi còn trung niên, vay tiền mua con thuyền khai thác cát dọc sông Cầu Hạc kiếm thêm. Cát bán rẻ hơn đất, còn tiền công trả cho người phụ giúp quá đắt, ông bán thuyền, tìm việc khác  kiếm tiền nuôi các con. Nuôi Ý từ nhỏ đến lúc đạt Huy chương Vàng, cả gia đình Ý lúc nào cũng khó khăn. Nhưng càng khó khăn họ càng dành cho Ý nhiều điều kiện về vật chất và tinh thần hơn để học tập.

Những hôm nước sông Hạc ngập vào nhà, ông Mãi kiệu Ý lên vai đưa đến trường. Lên bậc THCS, mẹ Dung đưa Ý đến trường bằng xe đạp. Có lúc bà Dung hỏi thăm dò Ý: “Con có thấy xấu hổ với bạn khi mẹ đưa con đến trường bằng xe đạp, còn các bạn được đi xe máy?”.

Ý trả lời: “Con chỉ không học được mới thấy xấu hổ!”. Những lúc như thế, bà Dung lại  quyết tâm “nuôi” lợn nhựa bằng tiền bán dưa, cà. Ngày thì 5 nghìn, ngày 10 nghìn đồng, bà Dung đều bỏ vào lợn. Dưa cà chẳng bao giờ có giá cao, nhưng con lợn nhựa dành riêng cho Ý thì ngày một “béo”. 

Đạt được thành tích như hôm nay, Ý  phải vượt qua nhiều khó khăn. Bên góc trái nhà lụp xụp là đống sách chất đầy trên kèo nhà. Bí quyết của Ý hẳn là sự chăm chỉ “nghiền” giá sách to tướng kèm đống sách cũ này.

Lên lớp 5, Ý đoạt giải nhất kỳ thi Toán toàn tỉnh. Khi học lớp 9, Ý lại tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hai môn Toán, Lý, và đoạt giải Nhì môn Toán. Cũng năm học này, Ý còn đoạt giải Nhì kỳ thi Toán trên máy tính.

Năm 2008, tham dự kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn quốc, Ý đã đạt giải Ba. Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế, Ý là người đạt điểm số cao nhất trong đoàn Việt Nam và là người giải được phần bài tập khó trong kỳ thi Toán quốc tế mà từ trước đến nay chưa thí sinh Việt nào giải được.

Dẫu thế, câu chuyện hóm hỉnh của Ý kể về cuộc thi ở Madrid đã khiến không ít người ngạc nhiên: “Trong 4 giờ làm bài thi, em phải ngủ giữa giờ mất 20 phút, và mất tập trung trong gần 1 giờ”.  Theo lời bố dặn, Ý đang tích cực học ngoại ngữ để có thể du học tốt tại  Mỹ  hoặc Pháp.

Chất vàng của chàng trai “khủng”

Sau khi đoạt giải vàng kỳ thi quốc tế, ngày 7/9/2008, Lê Ngọc Anh và Hoàng Như Ý sẽ nhận giải  Hoa Trạng Nguyên tại Hà Nội. Ngày 23/7/2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã quyết định cấp hai suất học bổng du học nước ngoài cho Như Ý và Ngọc Anh.
Ấn tượng ở “chàng trai vàng” Lê Ngọc Anh đối với nhiều người là dáng người rất “khủng long”. Giấy khen học giỏi, giấy chứng nhận học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, và quốc gia... của Ngọc Anh đều được gia đình giữ lại. Trong tập giấy ấy, có những giấy chứng nhận đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi môn Văn, Tiếng Việt cấp huyện. Khi nói chuyện, ai cũng dễ “bắt” được những kiến thức văn học, cũng như hiểu biết xã hội của Ngọc Anh. Em thuộc nhiều bài thơ hay.

Khi hỏi Ngọc Anh: Môn Văn “đóng góp” như thế nào vào thành tích vàng trong kỳ thi Toán quốc tế, Ngọc Anh vui vẻ: “Văn chương tạo cho em lòng tin và có cách ứng xử tốt với nhiều vấn đề trong cuộc sống”.

Sự hiểu biết về văn học, kiến thức xã hội khá phong phú của Ngọc Anh cũng giúp đoàn học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế có nhiều cuộc giao lưu vui vẻ với bạn bè thế giới. Bí quyết để đạt giải kỳ thi Văn cấp huyện của Ngọc Anh cũng là bí quyết học Toán: Cứ học nhiều, học có chọn lọc thì thành tài.

Ngọc Anh sau khi học hết lớp 9 tại Vân Du, huyện Thạch Thành thì chuyển lên TP Thanh Hóa học tại Trường THPT chuyên Lam Sơn. Tại đây, Ngọc Anh được bà nội chăm bẵm, vừa  trở thành học sinh giỏi quốc tế vừa thành... bé bự! Trong căn nhà nhỏ ở phường Ba Đình, hai bà cháu nương tựa vào nhau. Ngọc Anh coi bà là động lực học tập đồng thời là niềm tin của mình trong quá trình phấn đấu.

Đây cũng là lý do khiến em luôn ăn hết veo bữa cơm đạm bạc do bà nấu. Thời điểm Ngọc Anh đoạt giải Ba kỳ thi môn Toán toàn quốc cũng là lúc em đạt trọng lượng cao nhất 93kg. “Bé bự” trong đội tuyển đi thi Olympic Toán quốc tế chỉ chịu sụt giảm 10kg sau 4 tháng ôn luyện và dự thi ở Madrid. 

Ngọc Anh luôn có cách thức làm việc độc lập. Em đặc biệt ấn tượng với phương pháp dạy học khá lạ (chỉ giao bài tập, gợi ý, đặt kế hoạch là chính) của thầy Trịnh Văn Hoa - giáo viên trường Lam Sơn. Cách dạy đó tạo cho học sinh sự sáng tạo và cố gắng để vươn lên trong học tập.

Bài 2: Những đóa hoa nở trong gian khó

Quyền Thành - Hoàng Lam