Thu học phí theo nhóm ngành
Các Website khác - 29/12/2008

 

Khi nào đề án học phí mới được triển khai, mức học phí mới như thế nào... là những vấn đề mà cả xã hội đang rất quan tâm. Ông Nguyễn Văn Ngữ (ảnh), vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Bộ GD-ĐT đã xây dựng và trình đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, trong đó có nội dung về chế độ học phí mới. Tinh thần chung là chi phí cho giáo dục phổ thông chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo, học phí phổ thông nằm trong khả năng chi trả của người dân. Học phí ở khối đào tạo sẽ tiến tới đảm bảo chi phí đào tạo, trước hết là chi thường xuyên.


Ảnh: H.Thuật

* Nếu nói học phí phải đảm bảo cho chi thường xuyên thì theo đề án, học phí của sinh viên sẽ ở vào mức nào?

- Chúng tôi không tính học phí bình quân cho tất cả sinh viên mà căn cứ trên chi phí đào tạo của từng nhóm ngành để tính toán mức học phí phù hợp. Dĩ nhiên, việc phân chia nhóm ngành không thể hoàn toàn giống với số lượng ngành nghề ngoài xã hội vì nếu làm vậy sẽ có rất nhiều ngành nghề khác nhau. Theo đề án, học phí sẽ được thu theo bảy nhóm ngành như: kinh tế, khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, y dược, nghệ thuật…

* Trong đó, nhóm ngành nào có mức học phí thấp nhất và nhóm ngành nào sẽ thu học phí cao nhất?

- Tính toán cho thấy nhóm ngành kinh tế, khoa học xã hội - nhân văn có chi phí đào tạo tương đối thấp hơn so với các nhóm ngành khác. Bởi vì các ngành này không đòi hỏi nhiều trang thiết bị thí nghiệm, thực hành. Đồng thời quy mô lớp của nhóm ngành này cũng thường lớn nên học phí sẽ thấp hơn. Nhóm ngành có mức học phí cao sẽ là y dược, nghệ thuật...

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM trong một giờ thực hành. Theo đề án học phí mới, mức học phí của nhóm ngành này sẽ cao -Ảnh: Như Hùng

* Đối với mỗi nhóm ngành, mức học phí có quy định “cứng” hay vẫn cho phép dao động trong một khoảng nhất định?

- Chế độ học phí mới gắn liền với các cơ chế tự chủ tài chính, thu nhập của người lao động, sự công khai về chi phí, chất lượng… Vì vậy, cơ chế học phí mới mang tính chất mở chứ không đóng khung cố định theo kiểu các trường áp dụng đến khi kịch trần thì điều chỉnh. Cơ chế học phí mới này cho phép các trường liên tục tạo ra mức thu phù hợp với tình hình và chất lượng mà trường tạo ra, tạo điều kiện để các trường định ra mức học phí riêng cho mình để cạnh tranh nhưng không được vượt ra khỏi mức quy định của Nhà nước. Mặt khác, nếu không thay đổi, đầu tư điều kiện đào tạo, các trường cũng không thể thay đổi mức học phí.

* Xã hội vẫn băn khoăn ngay thời gian đầu thay đổi học phí, chất lượng đào tạo làm sao có thể tương xứng với số tiền mà người dân chi trả? Tại sao không nâng cấp điều kiện giảng dạy trước rồi mới đòi hỏi sự đóng góp của xã hội?

Ba công khai, bốn kiểm tra

Đây là một trong những yêu cầu quan trọng trong kế hoạch thực hiện ngân sách của ngành giáo dục trong năm 2009. Trong đó, ba công khai gồm: công khai chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai về thu, chi tài chính.

Bốn kiểm tra gồm: kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục - đào tạo; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường; kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường; kiểm tra thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

- Việc đòi hỏi phải đo lường chất lượng đào tạo sinh viên ngay lập tức, các trường chưa thể có câu trả lời ngay được bởi việc đào tạo phải có quá trình. Ít nhất một sinh viên phải mất bốn năm mới có thể tốt nghiệp. Thậm chí sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn chưa thể đánh giá được khả năng thật sự của họ mà phải mất thêm một vài năm làm việc thực tế.

* Nhưng dựa vào đâu để phụ huynh, sinh viên có thể xác định được những giá trị thụ hưởng của mình tương xứng với mức học phí mà họ phải chi trả hay không?

- Để tạo điều kiện cho các trường thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo, ngay trong tháng này Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chính sách 'ba công khai, bốn kiểm tra” quy định các trường phải công khai tất cả các điều kiện, chi tiết liên quan đến học phí.

Ví dụ như một trường đưa ra mức học phí 300.000 đồng/tháng, trường đó phải công khai với sinh viên rằng sẽ có xe đưa đón, có một buổi đi thực tế, học trong phòng máy lạnh, học với giáo sư nào. Nếu khi vào học, sinh viên không được thụ hưởng những điều cam kết đã công bố coi như trường đó vi phạm. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử lý. Những tiêu chí này phải công khai trước cho sinh viên, phụ huynh biết.

Trong trường hợp muốn tiếp tục tăng thêm học phí, trường đó cũng phải công khai rõ khoản tăng đó phục vụ cái gì. Tránh tình trạng một số trường nói suông trường mình có chất lượng cao nhưng không có gì để chứng minh những điều đó. Vì không thể đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên ngay lập tức nên trước mắt phải căn cứ trên điều kiện giảng dạy, học tập để đánh giá.

* Đề án có sự thay đổi rất lớn về học phí tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập, liệu có tác động hoặc ảnh hưởng đến học phí tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập không?

- Đề án chỉ quy định học phí áp dụng tại các cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Các trường ngoài công lập vẫn tiếp tục hoạt động và thu học phí theo Luật giáo dục, nghĩa là các trường tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi. 

 

* Trong trường hợp được cấp trên thông qua, theo ông, đề án học phí có thể thực hiện ngay trong học kỳ 2 của năm học 2008-2009 (đầu năm 2009) hay chờ đến đầu năm học 2009-2010?

- Đề án học phí mới đã được chúng tôi xây dựng một cách thận trọng dựa trên kết quả khảo sát kỹ lượng ở nhiều vùng, nhiều khu vực trên nhiều đối tượng khác nhau và có một lộ trình thực hiện cụ thể. Mặc dù đang chờ ý kiến nhưng về mặt quy trình tất cả các khâu, các vấn đề về công bằng, an sinh xã hội đều đã được tính toán đầy đủ.

Trong đó, chính sách cho vay cũng đã được triển khai hơn một năm và hiện đang thực hiện có hiệu quả. Thực tế nếu tăng học phí phần đóng góp cho đào tạo của người dân tăng lên, nhưng bên cạnh đó phần hỗ trợ của Nhà nước thông qua cho vay cũng tăng đáng kể. Đề án học phí mới bảo đảm không để bất kỳ trường hợp sinh viên nào phải bỏ học vì vấn đề học phí.

Căn cứ trên tính cấp thiết của đề án và thực tế từ các trường, nếu được cấp trên thông qua tôi cho rằng đề án này được áp dụng càng sớm càng tốt.

Theo Tuoi Tre Online