![]() |
Quốc và bức tranh Bài ca kết đoàn đoạt kỷ lục Việt Nam |
Gáo dừa hút hồn Câu chuyện bắt đầu vào những lần cậu học sinh Quý Quốc và chúng bạn cùng quê leo dừa. Khi đập trái dừa nạo cơm, Quốc đố bạn có thấy gì lạ không. Và Quốc "bật mí" cho bạn bè phát hiện của mình về sắc độ gáo dừa ở mỗi trái một khác nhau. Thế thì có ích gì? Câu chuyện tuổi thơ ở miền quê vẫn như in trong tâm trí Quốc sau này. Hai năm học tại trường ĐH Mỹ thuật Huế, mặc dù Quốc bỏ học ngang nhưng đã kịp gây ấn tượng với thầy cô và bạn bè với một loại tranh lạ: Tranh từ gáo dừa. Đến khi Võ Quý Quốc vào Đồng Nai để học CĐ Mỹ thuật trang trí thì chàng SV này vẫn bị hút hồn bởi tranh dừa (thay vì photoshop, đồ họa...). Ngày ra trường, lẽ ra phải làm công việc thiết kế để có khoản thu nhập ổn định hằng tháng, anh chàng lại tìm đến tranh gáo dừa và sống chết với nó. Trong khi bạn bè đang chăm chú vào những chương trình Mỹ thuật ứng dụng trên máy tính thì Võ Quý Quốc lại lăn lộn cùng "con" vespa xuống tận Củ Chi, Bến Tre... leo lên cây dừa nghiên cứu chất liệu làm tranh. Những bức tranh đầu tiên ra đời khi Quý Quốc còn ngồi trên ghế giảng đường. Nghe tiếng, một công ty chế biến thủ công từ cây dừa mời anh về làm. Nhưng sáng tạo nghệ thuật là không gò bó, một thời gian sau Quốc đã tự đứng ra lập một xưởng tranh nhỏ ở Bửu Long (Biên Hòa) và... làm giám đốc. Trước đây, Võ Quý Quốc đã từng xác lập kỷ lục Việt Nam về bức tranh dừa lớn nhất (tranh Việt Nam quê hương tôi). Hiện tại, anh đã phá kỷ lục của chính mình với bức Bài ca kết đoàn (kích cỡ 3,2 x 3,2 mét) diễn tả một dàn đồng ca 54 dân tộc mà người nhạc trưởng là Bác Hồ. Bức tranh đang được triển lãm và rao bán gây quỹ từ thiện với giá sàn 500 triệu đồng.
Quốc phải vay tiền, nợ nần liên miên do nỗi đam mê tranh dừa. Năm vừa rồi, anh bán hết hai chiếc vespa cổ để lấy vốn duy trì xưởng tranh. Chỉ còn lại một chiếc làm kỷ niệm. Anh đã biến chiếc vespa của mình thành một tác phẩm nghệ thuật tranh dừa, tạm trả ơn những tháng ngày mà chiếc xe này đồng hành với mình trên từng cây số tìm gáo dừa.
Sẽ là một thương hiệu tranh Việt
Gáo dừa tưởng chỉ là một lại phế phẩm tầm thường nhưng dưới bàn tay của Quốc, nó đầy sắc độ. Quốc cho biết: "Tùy dừa già hay non mà sắc độ gáo khác nhau. Để có gáo chất liệu với các sắc độ phong phú, mình phải đặt mua tận Bến Tre với giá gáo làm sạch 6.000 đồng/ký". Vẻ đẹp của tranh gáo dừa toát ra từ sự bình dị pha lẫn chút ngạc nhiên khi người ta biết rằng chất liệu làm ra nó là một thứ lẽ ra bị vứt đi, nay lại có hồn đến lạ.
Người làm tranh gáo dừa không chỉ cần con mắt thẩm mỹ, biết chọn sắc độ gáo dừa đưa vào tranh mà còn phải quen tay với cưa, búa như một người thợ mộc tỉ mỉ. Họ phải biết sáng tạo và tận dụng triệt để ngay cả mùn cưa, cuống dừa... Với tính chất thủ công này, mỗi bức tranh dừa là một tác phẩm riêng biệt, không tác phẩm nào giống nhau, tạo nên sự hấp dẫn. Riêng người sắp chơi tranh dừa sẽ bị cuốn hút bởi đặc trưng của loại tranh này là càng để lâu càng "ngấm màu" đậm đà. Do đó, bức tranh sẽ trở nên quý hơn.
Tranh dừa là một dòng tranh rất mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam. Hiện tại, ngoài những mối quen ở nước ngoài, Quý Quốc chưa bán tranh mình ở các phòng tranh trong nước. Anh giải thích: "Tranh dừa ai cũng cho là đẹp và lạ nhưng vẫn chưa có chỗ đứng. Là một trong số ít những người khai phá dòng tranh mới như mình có không ít trăn trở. Trăn trở lớn nhất là kéo tranh dừa ra khỏi mặt ao nhỏ và phẳng lặng của chính nó. Tuy nhiên, để ra mắt tranh dừa với công chúng cần rất cẩn trọng. Mình không muốn mọi người nhìn tranh dừa dưới con mắt thương mại hóa. Nó phải trở thành một dòng tranh đặc trưng của Việt Nam như tranh dân gian Đông Hồ, tranh sơn mài". Với mong muốn khi thế giới nhìn vào tranh dừa Việt họ nghĩ ngay đến Việt Nam, ngay từ những sáng tác đầu tay, Quý Quốc ý thức sáng tác các đề tài đậm chất dân tộc. "Có như thế, tranh dừa mới không đụng hàng được" - Quốc tâm sự.
Với việc phát triển cơ sở mình, sắp tới Quốc sẽ tiến hành đào tạo làm tranh dừa cho các em ở trung tâm trẻ mồ côi Biên Hòa. Quốc bảo: "Gáo dừa tưởng như bỏ đi mà lại có ích. Mình muốn mọi người hiểu rằng không có gì là bỏ đi nếu có ý tưởng và ý chí".
▪ “Duyên xong rồi thích” (15/07/2008)
▪ Hành trình vào đại học của “cậu bé hành khất” (14/07/2008)
▪ “Cậu bé gà” đứng lên từ thất bại (14/07/2008)
▪ Sáng tạo từ chuyện thường ngày (14/07/2008)
▪ Sinh viên làm công nhân (12/07/2008)
▪ Người đưa đề Toán ĐH lên mạng xin lỗi thí sinh (11/07/2008)
▪ Những người “cõng” con chữ lên thuyền (11/07/2008)
▪ “Quý xờ tộc” đi thi (10/07/2008)
▪ Chuyện mùa thi (09/07/2008)
▪ Ký kết triển khai hệ thống trường học iSCHOOL (09/07/2008)