Bạc Liêu: Đất bỏ hoang, dân khốn đốn
Các Website khác - 10/04/2006
Bạc Liêu: Đất bỏ hoang, dân khốn đốn

Không ai có thể ngờ rằng, vùng đât này từng được mệnh danh là mỏ tôm. Bây giờ, cỏ mọc um tùm, ngọn cao đụng đến bụng trâu, chen chân không lọt. Từ vùng đất trồng lúa, nông dân ồ ạt chuyển sang nuôi tôm, rồi lại thất bát liên tiếp, khổ nỗi muốn trở lại trồng lúa thì đã bị nhiễm mặn nặng nề...

Bà Trần Thị Mí đứng giữa cánh đồng
trên 3ha đầy cỏ mọc của mình đã 4
năm qua.

Nuốt nước mắt nhìn... cỏ mọc
Nhiều năm qua, chính cái vòng lẩn quẩn ấy đã đưa đến kết quả điều tra vào cuối năm 2005, trên địa bàn thị xã Bạc Liêu có trên 235ha đất bị bỏ hoang lâu năm, liên quan trực tiếp đến đời sống của 334 hộ gia đình. Trong số này, có trên 90% là đất trồng lúa bị nhiễm mặn không được tiếp tục đưa vào sản xuất.

Bà Trần Thị Mí, ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông đứng đầu danh sách về diện tích đất trồng lúa bỏ hoang ở địa phương này do bị nhiễm mặn. Bà Mí có tổng cộng trên 3,5ha chuyên trồng lúa. Khi chưa chuyển đổi sản xuất từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), mỗi năm gia đình bà thu về hàng ngàn giạ lúa.

Trước mắt chúng tôi, 20 công ruộng của bà Mí như một cánh đồng bao la cỏ, cỏ mọc đến bụng trâu và không thể chen chân được. 6,5 công đất còn lại, cũng bởi tự phát đào ao nuôi tôm mà sau đó bước vào tình trạng bế tắc do nằm trong vùng cấm nuôi trồng thuỷ sản, không thuỷ lợi dẫn nước mặn để nuôi tôm; không có nước ngọt để nuôi các loại thuỷ sản khác.

Mang tiếng có đất rộng mêng mông mà gia đình sống trong cảnh đói nghèo. Bà Mí cho biết: "Con tôm sú là thủ phạm làm cho đất của tôi không sản xuất được. Mang tiếng là nông dân, có đất mà không sản xuất được gì, mỗi năm nhìn cỏ mọc cao hơn nhiều khi tôi muốn bỏ xứ đi cho rồi".

Thật ra diện tích đất của bà nằm ngoài vùng quy hoạch NTTS, không cho phép chuyển đổi nhưng lại không có bờ bao ngăn mặn. Nước mặn cứ tràn vào thẩm thấu qua những bờ bao tôm, trong khi đó nước cho nuôi tôm thì không. Bà cũng đã bạo ngạn nuôi tôm đại, nhưng mấy năm rồi chẳng thấy mặt mũi con tôm sú 30 con/kg thế nào, mà "sổ đỏ" của bà gởi tạm ngân hàng lấy 50 triệu chắc chẳng có ngày lấy ra vì không biết lấy tiền đâu trả cho ngân hàng.

Không riêng gì bà Mí, gia đình ông Sơn Thanh, cùng ấp cũng không ngoại lệ. Ông Thanh có 5 công đất "trồng cỏ" ngay từ năm 2001. Kể cả 3 công đất rẫy của ông cũng nằm trong quỹ đạo của vị mặn nước biển khiến hoa màu phải tàn rụi dần làm cho đời sống gia đình ngày càng thêm nghèo khó. Từ chỗ một gia đình có của ăn của để, nay hai đứa con của ông bỏ học nửa chừng, đi làm thuê, làm mướn mỗi tháng chưa tới 500 ngàn đồng.

Chúng tôi có thể kể ra hàng chục hộ có hoàn cảnh tương tự, đó là hộ ông Trần Còn, Thạch Lâm, Sơn Thị Sà Mọl, Thạch Thị Mít, Sơn Thị Cúi... Không cho nuôi tôm, lại không có đặp ngăn mặn giữ ngọt đã làm cho cánh đồng lúa trở thành cánh đồng cỏ, nông dân nhìn cỏ mà nuốt nước mắt cho thân phận của mình. Người dân phản ứng dữ dội, cho đến cuối năm 2004, cánh đồng này mới có được con đập ngăn mặn thì đồng lúa đã trở thành... đồng cỏ.

Diện tích đất hoang sẽ không dừng lại

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT thị xã Bạc Liêu. Ông cho biết: Qua số liêu điều tra cho thấy diện tích bỏ hoang trên địa bàn thị xã là 235ha, trong đó có nhiều diện tích bỏ hoang nhiều năm qua, nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, và tình hình xâm nhập mặn không được ngăn chặn và nuôi tôm kém hiệu quả... thì diện tích bỏ hoang trên địa bàn thị xã sẽ gia tăng gấp nhiều lần, dự kiến trong năm 2006 có khoảng 1.000ha đất bị bỏ hoang.

Đó là trên địa bàn thị xã, nơi có sự "tranh chấp" mặn ngọt làm cho đất bị bỏ hoang. Nhưng tại vùng được quy hoạch NTTS số diện tích bỏ hoang cũng gia tăng. Đáng chú ý là diện tích mô hình CN-BCN năm nay có nguy cơ bỏ hoang rất lớn.

Ông Đoàn Ngọc Sai, Bí thư Huyện uỷ huyện Hoà Bình cho biết: "Huyện có 4.200ha nuôi tôm theo mô hình CN-BCN, nhưng đến nay chỉ có hơn 200ha người dân cải tạo ao đầm, nguy cơ gần 4.000ha tôm CN-BCN sẽ không sản xuất vào năm nay".

Cũng cùng vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Tửu, Bí thư Huyện uỷ huyện Đông Hải cho biết huyện quy hoạch đến trên 5.000ha nuôi tôm CN-BCN nhưng đến nay đã bắt đầu vụ mùa mà chẳng thấy không khí gì cho một ngày mùa. Nguy cơ bỏ đất hoang trong vùng được quy hoạch nuôi CN-BCN của tỉnh trong năm 2006 này sẽ lên đến trên 5.000ha.

Có nhiều lý do đưa đến đất bỏ hoang, nhưng chuyện con tôm liên tục thất bại, mô hình CN-BCN không đem lại hiệu quả là một thực tế. Nhưng có một thực tế nữa là sự tất trách của chính quyền địa phương trong việc báo cáo, đánh giá sự thật từ đó dẫn đến thiếu quy hoạch và quy hoạch không đồng bộ đã làm diện tích bỏ hoang ngày càng nhiều hơn.

Sự việc đến mức như vậy, nhưng một số địa phương xem như chuyện bình thường. Ông Trần Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông, cho rằng: "Ở xã không có trường hợp nào để đất bỏ hoang mà chỉ có đất chưa đưa vào sản xuất".

Bởi đặt tên cho sự cố này như vậy nên chẳng ai chịu trách nhiệm mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh Cao Anh Lộc đã nhiều lần chỉ đạo, địa phương nào để đất bỏ hoang, chủ tịch UBND địa phương ấy phải chịu trách nhiệm. Với cái đà này, diện tích đất bỏ hoang tại Bạc Liêu sẽ không ngừng tăng nếu không có giải pháp cụ thể và kịp thời. Và một thực tế là tỷ lệ nợ xấu ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng chớ không dừng lại ở con số 14,8% như hiện nay.

Diễm Hà