Miền Tây: Làm sao cho giá vàng đứng lại?
Các Website khác - 10/04/2006
Miền Tây: Làm sao cho giá vàng đứng lại?

Cuộc tìm kiếm anh Tư răng vàng coi như thất bại. Trước mặt tôi là một ông già móm mém. Bộ răng giả để trong cái lồng bàn, không còn miếng vàng nào...

Anh cười nói: "Vàng được giá, Tư tháo ra bán rồi! Thời buổi này ai xài răng vàng chứ?". "Nếu anh Tư để vàng tới bữa nay là bộn bạc rồi" - người hàng xóm nói. Anh Tư cười khà khà, nhưng có vẻ luyến tiếc, nói: "Có một chỉ mà được gì! Nhưng Tư thấy nhiều vàng hơn cũng hổng vui. Có người ở bên Lợi Dũ B (phường An Bình, TP Cần Thơ), lãnh tiền giải tỏa để làm khu tái định cư Mỹ Khánh, mới bán 50 cây vàng gởi tiền vô ngân hàng; vàng "phựt" lên giá một cái, gia đình xào xáo không ai hòa giải được".

Giá vàng tăng nhưng lại là sự ngổn ngang đối với dân miệt đồng. Năm ngoái, mía có giá, anh Sáu Thanh (Phan Văn Thanh) ở xã Hiệp Hưng (Phụng Hiệp - Hậu Giang) mượn 5 chỉ vàng, bán được hơn 4 triệu đồng đầu tư hết vô 6 công mía. Tới nay, rẫy mía coi mát mắt mà ruột gan rối bời. Ông Út Dũng, ở Đông Hiệp (Cờ Đỏ - TP Cần Thơ) cũng là người gánh thêm nợ.

Ông than thở: "Có 8 công ruộng, làm hoài không hiệu quả nên vợ chồng tính đi tính lại, cuối cùng quyết định cầm cố 8 công đất với giá 1 chỉ vàng/công. Theo giao kèo, khi nào chủ đất trả lại số vàng thì mới nhận lại đất. Có vàng trong tay, rồi thì... phải thanh toán các khoản nợ trước đó, đi đám tiệc, lo cho con cái học hành... đếm đi đếm lại số vàng hao nhót gần phân nửa. Giá vàng tăng thì con đường chuộc lại đất càng dài thêm. Không chuộc ngay lúc này mà giá vàng cứ tiếp tục tăng thì nguy cơ mất là cái chắc.

Thật ra, ngay cả những người kinh doanh vàng bạc cũng không thể đoán trước giá cả mặt hàng mình đang kinh doanh sẽ như thế nào trong chiều nay chứ đừng nói tới ngày mai. Chị Nga, chủ tiệm vàng Tuyết Nga, gần bến phà Xóm Chài (TP Cần Thơ) cho biết: "Ngày nào mấy đứa nhỏ nhà tôi cũng lên mạng Internet coi giá vàng. Nhưng coi thì coi chứ chẳng dám làm gì. Bây giờ đi giáp Cần Thơ, những tiệm lớn cũng không dám lấy vàng ký về như lúc trước. Cái khó của tụi tui là giá vàng tăng thì nhu cầu tiền mặt cũng tăng. Điều đó cũng không đáng ngại, cái chính là cứ dao động hoài thì nhịp độ mua bán giảm đi nhiều. Người cần bán không dám bán; người muốn mua không dám mua. Nhiều người vô tiệm vàng, coi hàng đếm tiền xong lại... thôi, không mua hoặc không bán nữa. Nhiều người ở thành phố, có vài món trang sức, mang hoài mà không có mẫu mới thấy giá lên cũng muốn bán, nhưng bán bây giờ thì chỉ có nước giữ tiền chứ đâu thể mua lại được".

Dân nông thôn, trước đây cứ sau mùa thu hoạch là họ mua vàng để khỏi bị "mẻ" hoặc để xoay xở mùa màng, lo cưới hỏi... Hiện nay, nhà nào phải mua vàng lo sính lễ thì bấm bụng mà mua. Nhưng phần đông lại là người ít tiền. Người nhiều tiền thì họ có của ăn của để. Giá vàng kiểu này khiến tâm lý bất an. Riêng khoản cầm đồ thì khi giá vàng lên cao, các tiệm cầm đồ ngại cầm vàng vì hễ cầm vàng thì phải thử lại. Công thử, tới lui mất thời gian và giảm lời nên từ chối là hơn hết.

Hiện nay, dân sành sỏi trong nghề như chị Nga cũng khó đoán được tình hình sẽ như thế nào. Chị nói: "Hôm trước có một bà, thân nhân nước ngoài gởi tiền về tích cóp được mấy chục miếng (vàng), thấy giá lên, bả bán ra giữ tiền và hy vọng giá sẽ xuống để mua vào. Nhưng tới khi giá leo lên tới 1,1 triệu đồng một chỉ thì thua rồi. Những lần trước, bả cũng làm như vậy, "trúng lắm", nhưng lần này thì thua...".

Gia Khiêm