Bảo toàn hay bảo mạng?
Các Website khác - 12/09/2005

Bảo toàn hay bảo mạng?
Tô Thành

Nguyên tắc để ngành ngân hàng (NH) cho vay là lợi nhuận và mức rủi ro có thể chấp nhận được.
Các NH thương mại vẫn phải đối mặt với các rủi ro, đó là: Nợ xấu, tỉ giá hối đoái, chu kỳ tăng lãi suất, áp lực vốn.

Tính theo chuẩn mực kế toán VN, từ năm 2001 đến cuối 2004 ta đã đưa tỉ lệ nợ xấu từ 14-15% xuống còn 2,8%, nhưng nếu tính theo chuẩn mực trung bình khá của quốc tế, thì tỉ lệ nợ xấu của ta vẫn ở mức 14-15%.

Dẫu vậy, xu hướng giảm tỉ lệ nợ xấu ở VN là đáng khích lệ. Mặt khác, trong vòng 4-5 năm qua, lạm phát tăng khoảng 25% trong khi tỉ giá hối đoái chỉ tăng 2,5% có thể dẫn đến thâm hụt thương mại ngày càng lớn, hàm chứa một cú sốc về tỉ giá, đây là rủi ro tiềm ẩn.

Chung sống với rủi ro là tất yếu, thế nên ngành NH đã và sẽ có những biện pháp quản trị rủi ro; để hạn chế nó, mà một trong những nguyên tắc là tuân thủ quy luật của nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, hiện nay chính sách cho vay của các NH thương mại vẫn chưa triệt để theo nguyên tắc này, từ sau vụ Epco - Minh Phụng, các NH thương mại nhà nước (NHTMNN) đua nhau tiếp thị các tổng Cty nhà nước, dù cho thực lực tài chính của các TCty này yếu kém, thực trạng cho vay với mức dư nợ 35-40%, vào nhóm báo động đỏ về chất lượng tín dụng, các TCty xây dựng, giao thông nợ tới 11 ngàn tỉ đồng VN, riêng tỉnh Hà Giang nợ 1.800 tỉ.

Hiện tại các dự án lớn cũng đang ngốn hết tiền, các NHTMNN đã xuất 33 ngàn tỉ, 16 công trình trọng điểm nhà nước với 99 ngàn tỉ đồng, tạo ra sức ép về vốn khiến các DN vừa và nhỏ làm ăn bài bản và hiệu quả khó tiếp cận nguồn vốn NHTMNN.

Sắp tới, rất có thể, các NHTMNN lại đua nhau tiếp thị các tập đoàn kinh tế, mà sự ra đời đơn thuần theo các quyết định hành chính.

Họ làm như vậy để làm gì?

Xin thưa: Là để bảo vệ "cái mạng" của họ, còn việc bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước được đặt xuống hàng thứ yếu!