Bất lực trước đồ chơi ngoại nhập
Các Website khác - 16/09/2005

Trên khắp các tuyến phố Hà Nội, TP HCM tràn ngập đồ chơi trung thu với đủ màu sắc sặc sỡ bắt mắt. Tuy nhiên, chỉ có hàng hóa nhập khẩu, giá bán mềm là được nhiều khách hàng chọn mua. Các nhà sản xuất đồ chơi trong nước lại ngậm ngùi chịu cảnh lép vế ngay tại sân nhà.

Đồ chơi Trung Thu chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Tại các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên địa bàn TP HCM và Hà Nội, sản phẩm của Trung Quốc luôn chiếm vị trí đầu bảng. Nhờ giá cả phải chăng và mẫu mã đa dạng phong phú với màu sắc sặc sỡ, các loại đồ chơi này thu hút rất đông đảo các thượng đế "nhí".

Được bày bán và chọn mua nhiều nhất là các loại đèn trung thu bằng nhựa. Đèn có nhiều mẫu mã như hình chú lùn Hugo, gà trống, gấu, siêu nhân... chạy bằng pin với các loại nhạc chuông khác nhau. Giá cả nhìn chung cũng không thay đổi so với năm ngoái, khoảng 15.000-40.000 đồng/chiếc. Chẳng hạn, đèn mẫu hình mặt trời, con ong, cá chép, 4 loại nhạc, giá 10.000-25.000 đồng/chiếc Mẫu quả cầu, ngôi sao (làm bằng nhựa, giấy) giá dao động 15.000-30.000 đồng/chiếc. Chiếc lớn nhất giá trên dưới 50.000 đồng.

Trong khi đó, những món đồ chơi nội quen thuộc như đèn ông sao, trống vải, đèn kéo quân... rất thưa thớt người mua do mẫu mã đơn điệu và cũng không có chuông nhạc như đồ chơi của Trung Quốc. Dù giá những món đồ chơi của VN rất rẻ, đèn ông sao chỉ từ 2.000 đến 5.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ, trống vải giá khoảng 6.000-8.000 đồng/chiếc, khách hàng cũng không mấy mặn mà. Những loại đồ chơi trung thu truyền thống này phần lớn là do nghệ nhân của Hà Nội hoặc các hộ kinh doanh tự làm ra để bán. Giống như mọi năm, trên thị trường dường như không thấy bóng dáng đồ chơi do các công ty VN sản xuất để phục vụ cho ngày hội trăng rằm.

Phó Giám đốc Xưởng sản xuất lắp ráp đồ chơi, đồ dùng học tập Hà Nội, ông Hà Văn Trung cho biết, hiện nay đồ chơi nội chiếm chưa tới 30% thị phần thị trường đồ chơi trong nước. Phần bánh lớn nhất đang thuộc về người khổng lồ Trung Quốc với ưu thế lớn là đồ chơi giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Miếng bánh nhỏ hơn thuộc về Nhật Bản với những đồ chơi hiện đại dành cho những gia đình khá giả với giá mỗi món có thể lên tới 1 triệu đồng.

Hầu hết các công ty trong nước không coi trung thu hay ngày Tết thiếu nhi 1/6 là dịp để kinh doanh, hoặc nếu có sản phẩm để tung ra thị trường thì cũng chỉ là "để cho có". Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Phó giám đốc Công ty TNHH đồ chơi trẻ em Phúc Hưng Xanh, TP HCM cho biết: "Trung thu năm nay, công ty cũng có sản xuất các loại đồ chơi cho các em nhỏ. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ mang tính đặc trưng để giúp các em liên tưởng đến trung thu chứ không sản xuất những mặt hàng chuyên mùa, vì khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc”, bà Nga tâm sự.

30% thị phần mà các công ty sản xuất đồ chơi trong nước có được chủ yếu là mảng đồ chơi trí tuệ, đồ chơi mang tính giáo dục cho các em nhỏ. Đối tượng khách hàng chính là các trường tiểu học, mẫu giáo trong cả nước. Một số công ty lý giải, đồ chơi VN không phải chỉ để thoả mãn ý thích nhất thời của trẻ em mà muốn thông qua những bộ ghép hình, tranh ghép, giúp các em tăng cường trí thông minh và khả năng tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên, ông Trung thừa nhận, các công ty nội địa hiện chỉ còn một mảng thị trường nhỏ này để kinh doanh. Còn 70% thị phần đành ngậm ngùi nhường lại cho người láng giềng "khổng lồ" Trung Quốc.

Ngay cả Công ty TNHH Phúc Hưng Xanh, TP HCM - một trong những đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em có mặt đầu tiên trên thị trường nội địa cũng chỉ có thể tập trung sản xuất những đồ chơi trí tuệ phục vụ cho các em học sinh tại các trường tiểu học, mẫu giáo.

Một doanh nghiệp đồ chơi ở Hà Nội cho rằng, không phải các công ty trong nước không nhận ra sự lép vế của mình. Muốn cạnh tranh với Trung Quốc thì phải cải tiến mẫu mã, song như vậy thì vốn phải lớn và cần nhiều thời gian. Các công ty trong nước lại chủ yếu là công ty Nhà nước với số vốn hạn hẹp. Trong khi đó, Trung Quốc đã có thâm niên trong lĩnh vực đồ chơi, lại có thế mạnh về mẫu mã và vẫn không ngừng tiến lên. Như vậy theo doanh nghiệp này, nếu có mạnh dạn đầu tư thì hàng nội sẽ vẫn ở trong tình trạng cạnh tranh không nổi và luôn phải "đuổi theo Trung Quốc". Do đó, cách làm hiện nay mà các công ty VN lựa chọn là dồn sức để sản xuất và thiết kế ra những mẫu hàng có thể phát triển trí tuệ của các em và mang tính nhân văn.

Hà Vy - Nguyễn Thùy