Giải pháp chống thiếu điện mới chỉ trên giấy
Các Website khác - 15/09/2005

Kết luận cuộc họp chống thiếu điện chiều 14/9, Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải lo lắng: "Các giải pháp cấp bách hiện chỉ là vẽ trên giấy. Thực tế khác xa dự đoán. Chúng ta lên kế hoạch thời gian đàm phán 1 dự án là 1 năm, chưa có công trình nào được như vậy".

Áp dụng cơ chế đặc biệt, dự án vẫn chậm tiến độ.

Lo lắng của ông Hải xuất phát từ thực tế rất nhiều dự án điện dù đã được hưởng cơ chế đầu tư đặc biệt, tiến độ thực hiện không đạt kế hoạch đã đề ra. Đơn cử như nhiệt điện Hải Phòng dự kiến khởi công từ tháng 6, nay vẫn còn thương thảo ký hợp đồng vay vốn nước ngoài, trong khi khu tái định cư, rà phá bom mìn, khu sửa chữa và vận hành nhà máy vẫn chưa thi công xong. Một loạt dự án như nhiệt điện Cao Ngạn, Ô Môn, Uông Bí mở rộng phát chậm so với yêu cầu khiến công suất dự phòng lưới điện toàn quốc không bảo đảm.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong mấy năm gần đây gấp hơn 2 lần tốc độ tăng GDP (dự kiến 16-17% trong giai đoạn 2006- 2010), cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực khi đang ở cùng trình độ phát triển như VN. Một số ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều điện năng như luyện thép, lắp ráp từ các nước trong khu vực đang có xu thế dịch chuyển sang VN. "Chưa giai đoạn nào đầu tư vào ngành điện lại lớn như hiện nay, cả năm 2004 tổng đầu tư đạt 2 tỷ USD. Với khả năng tài chính của EVN như hiện nay đầu tư lớn là rất khó khăn", Bộ trưởng Hải nhận xét.

Để đối phó với tình hình này, Bộ Công nghiệp yêu cầu Tổng công ty điện lực VN (EVN) bố trí phương thức sửa chữa nhà máy điện, lưới điện hợp lý để đảm bảo nâng cao độ khả dụng của các tổ máy để có thể khai thác cao trong mùa khô. Đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc có thể vận hành với số giờ cực đại đạt 6.500 giờ mỗi năm, các tua bin khí ở miền Nam vận hành ở mức xấp xỉ 6.800 giờ. Các hồ chứa thuỷ điện phát hạn chế vào các tháng cuối năm để tích nước và khai thác cao vào các tháng cuối mùa khô, đặc biệt là hồ Hoà Bình. Bên cạnh đó, ngành điện triển khai dự án đầu tư các đường dây 110, 220 kV và đàm phán với phía Trung Quốc nhằm tăng điện năng nhập khẩu lên 1,1 tỷ kWh năm 2006.

Bộ Công nghiệp dự kiến đề nghị Thủ tướng với các dự án đã có trong quy hoạch hiệu chỉnh và các dự án đã được chính phủ cho phép triển khai, các Tổng công ty hoặc các chủ đầu tư được toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, hồ sơ mời thầu và kết quả xét thầu. Cơ quan nhà nước chỉ thẩm tra thiết kế sơ bộ khi lập báo cáo đầu tư).

Đối với các dự án nguồn điện cấp bách cho các năm 2006- 2010, cho phép các chủ đầu tư được chỉ định tư vấn trong nước, hoặc nước ngoài làm tư vấn chính và mời tư vấn quốc tế lập hồ sơ dự án, cho phép chủ đầu tư bỏ qua giai đoạn lập báo cáo đầu tư để lập ngay dự án đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt. Hằng tháng, Bộ Công nghiệp sẽ kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư nguồn và lưới điện, kể cả các dự án điện độc lập để đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành như đã đăng ký trong kế hoạch.

Tuy nhiên, dù thực hiện biện pháp nào chăng nữa, ông Đặng Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực VN - cho rằng thiếu điện vẫn xảy ra, chỉ có điều nếu cơ chế điều hành tốt thì sẽ thiếu ít mà thôi.

Cân đối hệ thống điện quốc gia năm 2006 (chưa áp dụng giải pháp cấp bách), đơn vị triệu kWh:

Phương án nhu cầu điện tăng15%16%17%
Nhu cầu điện toàn quốc61.749 62.40962.971
Điện sản xuất toàn quốc 60.06660.27760.456
Nhập khẩu điện1.0971.0971.097
Thiếu hụt: 5861.0361.418

Phong Lan

Theo dòng sự kiện:
Cả nước có thể phải đổi bóng điện (14/09)
Điện sinh hoạt chắc chắn tăng giá (12/09)
Năm sau có thể điều chỉnh giá điện (06/09)
Mất điện, cuộc sống người dân Hà Nội đảo lộn (21/05)
Thái Lan rục rịch tăng giá điện (21/05)
Xem tiếp»