Tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng. |
Phương án thay 2 triệu bóng tròn bằng đèn compact đã được Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực VN Đào Văn Hưng đề xuất trong cuộc họp với Văn phòng Chính phủ mới đây. Ông Hưng cho hay tuy chưa có kết luận chính thức, nhưng đã có một số ý kiến ủng hộ.
- Cơ sở nào để EVN đưa ra giải pháp thay bóng điện - việc mà nhiều người cho là rất tốn kém?
- Trong thời điểm hiện nay, phải tính từng giải pháp để tiết kiệm điện. Bóng đèn sợi đốt chỉ phát quang 5% hiệu suất còn phát nhiệt là chính, trong khi trên thế giới người ta sử dụng đèn công suất 1/5, 1/10 nhưng phát quang ra ánh sáng như nhau. Trong trường hợp sử dụng điều hòa, thắp bóng đèn tròn còn tốn thêm điện làm mát phần đèn toả nhiệt.
Theo thống kê, mỗi năm VN sử dụng khoảng 50 triệu bóng đèn, EVN chỉ đưa ra phương án thay 20 triệu vì còn tính đến thời gian chuyển hóa tập quán, thói quen của người dân. Tuy nhiên, nếu chuyển sang dùng đèn compact, hiệu quả rất cao, nếu chi ra 36 triệu USD thay bóng đèn, số tiền tiết kiệm đầu tư sản xuất điện năng phục vụ giờ cao điểm tương đương 600 triệu USD.
- Một số nước như Thái Lan áp dụng chương trình này đã thất bại, các ông có rút kinh nghiệm của họ khi đưa ra phương án này?
- Ở Indonesia, Philippines người ta dùng 100% đèn tuýp gầy, compact, một năm sử dụng tới vài trăm triệu bóng. Chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ kinh nghiệm từ các nước đang sử dụng, ngoài ra khi giá điện cao người dân sẽ lựa chọn loại đèn tiết kiệm.
- Tại sao EVN lại đề nghị sử dụng sản phẩm nhập khẩu khi trong nước đã sản xuất được loại đèn này?
- Hiện VN có 3 công ty sản xuất bóng compact là Điện Quang, Rạng Đông, Phillip, nhưng họ lắp ráp là chính, cũng có nơi làm ra chấn lưu điện tử rồi mua mạch về ráp. Chúng tôi đề nghị nếu sản phẩm làm trong nước chất lượng được, giá cạnh tranh thì sẽ dùng luôn. Tuy nhiên, theo một dự án đấu thầu 300.000 bóng compact của EVN, giá nhập rẻ hơn mua trong nước.
- Trước đây EVN đã thực hiện dự án tặng bóng miễn phí cho người dân, vậy hiệu quả ra sao?
- Chúng tôi đang thực hiện giai đoạn 1, tặng 300.000 bóng trong tổng số 1 triệu bóng, thí điểm tại các vùng nông thôn. Dự án tính toán chi phí mua bóng hằng năm với chi phí trả tiền điện để người ta so sánh lựa chọn. Thống kê cho thấy, khi bóng hỏng người ta cũng mua lại.
Nếu thực hiện ở quy mô lớn hơn, Nhà nước sẽ đứng ra tài trợ nhưng không phải đưa tiền cho người dân, mà tính giá sản xuất bao nhiêu, giá bán bao nhiêu rồi có hỗ trợ thích hợp cho nhà sản xuất.
- Nếu người dân không dùng thì họ có bị phạt không?
- Đưa ra chế tài xử phạt không khó nhưng cơ bản là lòng dân có ủng hộ hay không. EVN chỉ đề nghị sau thời điểm thay bóng, các nhà máy ngừng sản xuất bóng sợi đốt, không cho nhập khẩu bóng tròn và chuyển lao động tại các doanh nghiệp này sang sản xuất đèn compact, tuýp gầy.
- Trong buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ mới đây, các ông nhận phản hồi thế nào về phương án này?
- Chính phủ chưa cho ý kiến, nhưng trong thông báo kết quả buổi làm việc có đề cập ủng hộ tiết kiệm điện bằng việc thay bóng đèn, hạn chế dùng đèn sợi đốt. Theo tôi, đây thực sự là cuộc cách mạng về tư tưởng và kinh tế.
Vụ trưởng Năng lượng Dầu khí Bộ Công nghiệp Tạ Văn Hường: - Có ý kiến lo ngại nếu thực hiện thay bóng rồi lại giống vụ điện kế điện tử? - Bây giờ EVN đã có kinh nghiệm, không thể xảy ra tình huống như vậy nữa. Nếu một chương trình nào đó thất bại, vì thế mà sợ thì sẽ không làm được gì. |
Phong Lan thực hiện
Theo dòng sự kiện: |
▪ Hà Nội sắp khai trương trung tâm mua sắm cao cấp đầu tiên (15/09/2005)
▪ Quy hoạch và quản lý quy hoạch: Vẫn chưa thể tìm thấy lối ra (15/09/2005)
▪ Vụ côngtơ điện tử: Đã có kết quả kiểm định ban đầu (15/09/2005)
▪ Khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ ô tô đầu tiên (15/09/2005)
▪ Giếng giả, tiền thật (15/09/2005)
▪ Đăng ký chất lượng di động không gồm việc tính cước (15/09/2005)
▪ Giải pháp chống thiếu điện mới chỉ trên giấy (15/09/2005)
▪ Giá điện có thể vượt ngưỡng 1.000 đồng/kWh (14/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 14.9 (14/09/2005)
▪ Ăn xổi! (14/09/2005)