Các mạng di động bó tay trước nạn xù cước
Các Website khác - 12/10/2005

Chỉ chiếm chưa đầy 1% doanh thu, song số nợ khó đòi của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động đã lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để truy tìm tung tích những "chuyên gia xù cước" là việc không mấy dễ dàng.

l;kl;'kl'
Khách hàng bức xúc về chuyện nghẽn mạch.

Đối phó với tình trạng thuê bao rời mạng, việc đầu tiên các nhà cung cấp dịch vụ nghĩ đến là giảm giá cước. Chưa cảm thấy hiệu quả, các doanh nghiệp còn thực hiện chính sách miễn cước hòa mạng hoặc nhân đôi tài khoản đối với các thuê bao trả trước. Chiến lược hạ giá đã phát huy hiệu quả rõ ràng, số lượng thuê bao tăng lên nhanh chóng. Song vấn đề phát sinh lại nằm ở khâu quản lý cước và thu hồi nợ. Khi một chiếc sim điện thoại trở thành vật cho không thì chuyện mỗi người có trong tay vài số điện thoại không còn là chuyện gì mới lạ, và quản lý cước cũng trở nên khó khăn hơn.

Theo thống kê của Công ty Dịch vụ Viễn thông (GPC) - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone - số tiền cước được xếp vào nợ khó đòi lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong tổng số 200 tỷ đồng doanh thu mỗi tháng có khoảng 1-2% số tiền được xếp vào diện nợ khó đòi. Còn MobiFone, do công ty thực hiện việc thu hồi cước trực tiếp nên con số nợ khó đòi thấp hơn một chút, chỉ chiếm chưa đầy 0,5% doanh thu của tháng.

Viettel, mạng di động được coi là có tốc độ phát triển nhanh nhất, cũng lại là doanh nghiệp có số nợ khó đòi cao nhất. Con số này thường chiếm 10-20% tổng doanh thu mỗi tháng (bình quân mỗi tháng, doanh thu của Viettel đạt khoảng 150 tỷ đồng). Số nợ khó đòi này đang có xu hướng tăng cao hơn kể từ khi nhà cung cấp này thực hiện chương trình khuyến mãi miễn cước hòa mạng cho thuê bao trả sau.

Ông Phó Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Viettel Mobile thừa nhận, tính 2 tháng 8 và 9, trong tổng số 350 tỷ đồng tiền cước, công ty chỉ đòi được khoảng 80%. Có khoảng 6% thuê bao thuộc diện báo động đỏ với số tiền nợ trên 3 triệu đồng.

Theo quy định của các nhà cung cấp dịch vụ, đối với thuê bao trả sau, cứ hết ngày 30 của tháng, nhà cung cấp khóa chiều gọi đi, đồng thời thông báo cho khách hàng về số tiền cước sẽ phải thanh toán. Nếu quá hẹn mà khách hàng không thanh toán cước, nhân viên sẽ gọi điện nhắc nhở, đồng thời khóa tiếp chiều nhận cuộc gọi. Nếu sau 3 tháng gửi thông báo mà khách hàng vẫn không đến nộp thì thuê bao sẽ được xếp vào diện nợ khó đòi, nhà cung cấp sẽ tiến hành truy thu tại nơi thuê bao đăng ký tạm trú.

Theo ông Phạm Ngọc Tú, Phó phòng Kinh doanh GPC, quy định bắt buộc đối với các khách hàng sử dụng thuê bao trả sau phải là chính chủ hợp đồng và xuất trình giấy chứng minh thư do Công an nơi chủ thuê bao đăng ký hộ khẩu thường trú cấp. Đồng thời, tùy theo từng trường hợp, khách hàng sẽ phải có một số giấy tờ khác kèm theo như giấy phép lái xe, bằng đại học... "Dù các thủ tục chặt chẽ như vậy, song không phải lúc nào các nhà cung cấp cũng kiểm soát được hết khách hàng của mình", ông Tú thừa nhận.

Ông Tú cho biết, có trường hợp thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ và gọi đi quốc tế thoải mái, đến tháng họ khóa máy, thay số khác hoặc biến mất khỏi nơi cư trú với số tiền lên tới hàng chục triệu. Khi đã dùng đủ hình thức đòi nợ không được, nhà cung cấp buộc phải phối hợp với các cơ quan công an can thiệp. Đã có khách hàng đã bị nhà cung cấp đưa ra tòa.

Ngoài MobiFone, các doanh nghiệp khác thường thuê một doanh nghiệp đứng ra chuyên làm nhiệm vụ thu cước. Chẳng hạn, VinaPhone có các bưu cục, bưu điện tỉnh, còn Viettel giao công việc này cho một đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty lo. Theo các doanh nghiệp, việc phân cấp rõ ràng này sẽ khiến sẽ giúp hoạt động thu hồi nợ chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, không ít trường hợp nợ cước vẫn được nhà cung cấp cho phép hòa mạng số sim mới, do các bộ phận kết hợp không ăn ý.

Hiện nay, việc thu hồi số tiền này thường gặp rất nhiều khó khăn và việc người trực tiếp xử lý nợ cước bị hăm dọa, xua đuổi không còn là chuyện lạ. Chị Hà, nhân viên thu cước của Bưu điện Hà Nội cho biết, một lần chị đến khu lao động Thanh Nhàn để thu cước, lòng vòng cả buổi mới tìm được đến xóm của chủ thuê bao. Khi biết chị là nhân viên Bưu điện tới xử lý nợ, một số hộ dân nhất quyết không chỉ nhà, số khác nhắm vào chị với những lời lẽ rất bất nhã. Thậm chí có người còn đưa ra những lời hăm dọa.

Chị Yến, nhân viên trong Tổ xử lý nợ kể một câu chuyện mà đã gần 2 năm chị vẫn còn nguyên cái cảm giác sợ. Chị kể, có lần chị đến nhà một khách hàng ở quận Hoàn Kiếm để thu số tiền cước gần 4 triệu đồng. Trình bày một hồi với chị chủ nhà còn khá trẻ, chị ngỏ ý muốn gặp chủ thuê bao. Người phụ nữ, không nói lẳng lặng dẫn chị lên gác và chỉ vào bàn thờ: "Nhà em đó, anh ấy mới qua đời vì tai nạn". Sợ quá, chị quên cả việc đòi nợ rồi đi nhanh ra khỏi nhà. Theo chị, đây chỉ là một trường hợp rất nhỏ trong hàng trăm tình huống mà các nhân viên thu nợ cước gặp phải.

Theo ông Hùng, với những trường hợp khách hàng do đi công tác đột xuất không kịp thanh toán cước, công ty sẽ gia hạn thêm. Tuy nhiên, với những đối tượng cố tình xù cước, nhà cung cấp buộc phải sử dụng biện pháp mạnh là nhờ cơ quan công an can thiệp. Nếu đối tượng là cơ quan hay đơn vị với số tiền nợ đọng quá lớn kéo dài, trong trường hợp bất khả kháng, nhà cung cấp có thể kiện ra tòa.

Hồng Anh

Ý kiến của bạn: