Ngày 14/9, Ngân hàng Thế giới (WB) và Cty Tài chính quốc tế đã chính thức công bố trên toàn thế giới Báo cáo hoạt động kinh doanh 2006. Theo đó, năm 2005 VN đứng thứ 3 trong số 10 quốc gia trên thế giới có nhiều cải cách nhất về môi trường kinh doanh.
VN được xếp trong 10 nước có tốc độ cải cách nhanh nhất thế giới. |
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, VN được đưa vào Báo cáo Hoạt động Kinh doanh, một loạt báo cáo được WB và Công ty Tài chính Quốc tế thực hiện hằng năm tại hơn 150 quốc gia. Báo cáo đánh giá độ dễ dàng trong hoạt động kinh doanh tại một quốc gia dựa trên 6 tiêu chí chính: Đăng ký kinh doanh, thuê và sa thải lao động, đăng ký tài sản, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, cưỡng chế tuân thủ hợp đồng và phá sản doanh nghiệp... Chủ đề của báo cáo năm nay là: "Mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh và việc tạo ra công ăn việc làm".
Năm nay VN được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ cải cách nhanh nhất, một thứ hạng nhảy vọt so với năm trước (trong Báo cáo Hoạt động Kinh doanh 2005, VN không được xếp vào nhóm 25 nước có tốc độ cải cách nhanh nhất mà chỉ được xếp vào nhóm 50 nước). Theo ông Trần Thanh Sơn, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại VN, sự tiến bộ này của VN là nhờ những cải cách về luật pháp trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký tài sản, bảo vệ các nhà đầu tư, cưỡng chế tuân thủ hợp đồng, và phá sản doanh nghiệp.
Trong danh sách 12 quốc gia có nhiều cải cách nhất về môi trường kinh doanh, VN chỉ đứng sau Serbia, Montenegro và Georgia. Tiếp sau VN là Slovakia, Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Rumani, Latvia, Pakistan, Rwanda và Hà Lan...
Mở doanh nghiệp ở VN được đánh giá là có bước tiến mạnh nhất, chỉ còn 11 bước, 50 ngày và chi phí bằng 50,6% thu nhập bình quân đầu người. Giải quyết các vấn đề giấy phép là vị trí được xếp cao nhất của VN, đứng thứ 18. Đây không được xếp vào lĩnh vực cải cách mạnh nhất, nhưng được đánh giá là đã vượt qua mức trung bình của khu vực. Lĩnh vực có vị trí thấp nhất (xếp thứ 143) là bảo vệ các nhà đầu tư. Đây được xem là một trong những trở ngại lớn nhất của VN trong việc cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy sự đánh giá của Báo cáo hoạt động kinh doanh năm nay với VN là khả quan, song theo ông Sơn báo cáo chỉ đánh giá mức độ cải cách trong mỗi lĩnh vực chứ không phải hiện trạng của lĩnh vực đó. Ví dụ như thủ tục để phá sản một doanh nghiệp ở VN cần trung bình tới 5 năm, đứng vào hàng thứ 133/155 nhưng do năm 2004 VN đã đưa ra Luật phá sản mới với nhiều điểm tiến bộ so với luật phá sản 1993 nên vẫn được xếp vào nhóm hàng đầu về cải cách trong lĩnh vực này.
Thêm vào đó, ông Sơn cho biết, khoảng cách giữa VN và các quốc gia dẫn đầu trong nhóm ASEAN vẫn còn rất xa. Trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia được xếp vào nhóm 30 quốc gia tạo điều kiện dễ dàng nhất cho hoạt động kinh doanh thì VN vẫn còn nằm trong nhóm 60 quốc gia khó khăn nhất cho các hoạt động này.
Theo báo cáo này, 6 nền kinh tế Đông Á có tên trong danh sách 30 nền kinh tế đứng đầu trên thế giới về độ dễ dàng thuận tiện trong kinh doanh. Danh sách theo thứ tự là New Zealand, Singapore, Mỹ, Canada, Na Uy, Australia, Hong Kong, Đan Mạch, Anh, Nhật Bản, Ireland, Iceland, Phần Lan, Thụy Sỹ, Lithuania, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, Đức, Thái Lan, Malaysia, Puerto Rico, Mauritius, Hà Lan, Chile, Latvia, Hàn Quốc, Nam Phi, Israel và Tây Ban Nha. Những nơi khác tại Đông Á như Đài Loan (Trung Quốc) cũng có chỉ số cao, đứng thứ 35. Lào (147), Đông Timor (142) và Campuchia (133) có chỉ số thấp nhất trong khu vực. Một vài thị trường đang phát triển cũng có chỉ số thấp. Philippines đứng thứ 113 và Indonesia 115. Trung Quốc đứng thứ 91 với một vài chỉ số rất tốt song còn tồn tại nhiều khó khăn trong môi trường pháp lý đối với thị trường tín dụng và giấy phép kinh doanh. Tất cả các nước hàng đầu đều có những quy định để quản lý hoạt động kinh doanh nhưng họ thực hiện theo những phương thức tốn ít chi phí và thuận tiện hơn cho doanh nghiệp. Toàn bộ các nước Bắc Âu đều nằm trong danh sách 30 quốc gia hàng đầu nhưng không có nghĩa là họ ban hành rất ít quy định. Thay vào đó, họ đưa ra những quy định đơn giản cho phép doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và tập trung các quy định chính sách vào những lĩnh vực cần thiết như bảo vệ quyền sở hữu tài sản và cung cấp dịch vụ xã hội. |
Hà Vy
▪ Giá điện có thể vượt ngưỡng 1.000 đồng/kWh (14/09/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 14.9 (14/09/2005)
▪ Ăn xổi! (14/09/2005)
▪ Người trồng càphê: Chưa kịp mừng đã lo (14/09/2005)
▪ TP.Hồ Chí Minh: Triển khai chiến lược cải cách thuế (14/09/2005)
▪ Lệnh Thủ tướng, 1 năm chưa làm xong (14/09/2005)
▪ Nhiều loại bánh vi trung thu phạm chờ bị xử lý (14/09/2005)
▪ Tháo "điểm nghẽn", nhưng vẫn lo nghẽn mạch (14/09/2005)
▪ Đề nghị 12 mặt hàng hưởng tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (14/09/2005)
▪ Điện thoại di động bán ra trong năm nay ước đạt 2,7 - 3 triệu chiếc (14/09/2005)