Khiếu kiện không có điểm dừng và ngày càng phát sinh phức tạp, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai là lý do Chính phủ đang xem xét đề xuất thành lập một cơ quan chuyên trách giải quyết. Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Lê Quang Bình trao đổi với VnExpress về vấn đề này.
- Kết thúc đợt tổng kiểm tra đất đai vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề xuất Chính phủ thành lập cơ quan tài phán chuyên xử lý khiếu kiện đất đai. Quốc hội đã nhận được đề nghị như vậy chưa, thưa ông?Ông Lê Quang Bình.
- Thường vụ Quốc hội có yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội bằng văn bản về kết quả đợt kiểm tra cũng như tình hình khiếu kiện về đất đai nhưng hiện tôi chưa nắm được.
Qua tổng hợp đơn thư rồi khảo sát thực tế tôi thấy trong khiếu kiện hành chính các vấn đề liên quan tới đất đai chiếm tới 60%, tập trung chủ yếu ở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, giải phóng mặt bằng, giá đền bù không hợp lý...
- Quan điểm của cá nhân ông ủng hộ hay phản đối?
- Tôi ủng hộ đề xuất này. Nếu làm được, chúng ta sẽ có cơ quan chuyên trách xử lý khiếu kiện, tạo cơ hội cho người khiếu kiện có cơ hội đối thoại trước cơ quan tài phán. Hiện nay, theo thủ tục tố tụng, người khiếu kiện có quyền mời luật sư nhưng thực tế những trường hợp như vậy rất hạn chế, nhất là những vụ việc lên đến cấp tỉnh, cấp trung ương thì ông chủ tịch tỉnh hoặc bộ trưởng thường căn cứ vào kết luận chứng cứ của thanh tra hoặc ở dưới đưa lên để ra quyết định giải quyết.
- Nếu cơ quan này được thành lập, ông dự đoán tình hình khiếu kiện về đất đai sẽ giảm bớt như thế nào?
- Vấn đề cơ quan tài phán sẽ cơ động hay có chân rết ở các nơi hiện chưa thể nói được vì chưa có đề án cụ thể. Hiện có một thực tế là cơ quan hành chính như Ủy ban nhân dân xã, huyện, hay tỉnh vừa bị kiện vừa đứng ra xử kiện. Giữ mãi cơ chế này dù cơ quan hành chính có làm khách quan đi nữa người dân vẫn thấy không khách quan vì thế khiếu kiện không có điểm dừng. Một vấn đề khác là cơ quan hành chính rất nhiều việc nên nhiều trường hợp chủ tịch uỷ ban hoàn toàn tin tưởng vào ý kiến của cấp dưới nên đưa ra quyết định không khách quan, chính xác. Cơ quan tài phán đất đai ra đời có thể mọi việc sẽ khác.
- Cơ quan tài phán là một khái niệm rất mới mẻ, vậy VN có nên học tập mô hình hay kinh nghiệm của các nước khác?
- Theo kinh nghiệm ở một số nước thì sẽ thành lập cơ quan tài phán trung ương và có các chi nhánh ở các vùng. Tuy nhiên ở ta Chính phủ cũng chưa đưa ra được đề án cụ thể cũng như chưa có kinh nghiệm. Hiện có ý kiến tán thành việc thành lập cơ quan tài phán đất đai, song cũng có ý kiến đề nghị thành lập hội đồng giải quyết khiếu nại tố cáo trực thuộc Chính phủ chứ không thành lập cơ quan tài phán.
Kết thúc đợt kiểm tra đất đai toàn quốc vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã đề nghị Chính phủ thành lập cơ quan tài phán chuyên giải quyết khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Cơ quan này sẽ hoạt động độc lập với hệ thống hành chính địa phương, trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ. Tỉnh, huyện ra quyết định sai thì cơ quan này có quyền huỷ và ra quyết định lại. Theo Thứ trưởng Đặng Hùng Võ, cơ quan này sẽ mang tính chất cơ động. Khi khiếu kiện về đất đai giảm bớt và không phát sinh các vụ việc mới phức tạp, các cán bộ có thể được thuyên chuyển sang tòa án hay một cơ quan nào đó của ngành tư pháp. |
Việt Phong thực hiện
▪ Huỷ bỏ một số khoản chi khỏi mục lục ngân sách nhà nước (25/10/2005)
▪ Tháng 11: Xuất khẩu thuỷ sản đạt mức kế hoạch cả năm (25/10/2005)
▪ MobiFone cần tôn trọng khách hàng (25/10/2005)
▪ Ba thách thức lớn với con tôm Việt Nam (25/10/2005)
▪ Tin "vịt" thắng thế! (25/10/2005)
▪ Thu hút FDI về đích sớm với 4,58 tỷ USD (25/10/2005)
▪ Doanh nghiệp vận tải đề nghị tăng giá cước (25/10/2005)
▪ Vận tải biển bỏ sân nhà, 'đá' sân khách (25/10/2005)
▪ Ngân hàng ngại đưa thêm nhiều mệnh giá tiền vào ATM (25/10/2005)
▪ CityPhone rời mạng, người bảo lãnh kêu than (25/10/2005)