CityPhone rời mạng, người bảo lãnh kêu than
Các Website khác - 25/10/2005

Không chỉ nhà cung cấp dịch vụ phải đối mặt với tình trạng hàng loạt thuê bao di động CityPhone rời bỏ mà hàng trăm cán bộ nhân viên ngành bưu điện - người trực tiếp đứng ra bảo lãnh cũng đang chịu cảnh dở khóc dở cười ôm số nợ lên đến hàng triệu đồng.

Điện thoại di động làm khó CityPhone. Ảnh. Anh Tuấn.
Điện thoại di động làm khó CityPhone. Ảnh: Anh Tuấn.

Vừa đến cơ quan, chị Hương, nhân viên Bộ Bưu chính Viễn thông toát mồ hôi khi nhận được giấy báo nợ từ Bưu điện Hà Nội với số tiền lên đến 2,5 triệu đồng. Cầm bản ghi nợ chị hốt hoảng chạy sang phòng bên cạnh định than thở với đồng nghiệp. Tại đây, chị thấy anh Quang, một đồng nghiệp khác cũng đang trong trạng thái khóc dở mếu dở với số tiền nợ lên tới gần 5 triệu đồng.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Bưu điện Hà Nội mở chiến dịch tặng máy CityPhone cho khách hàng với bản cam kết sẽ sử dụng dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, với các thuê bao CityPhone trả sau mới sẽ được tặng máy trị giá 800.000 đồng nếu cam kết sử dụng dịch vụ liên tục trong vòng 12 tháng. Nếu không muốn cam kết về thời gian sử dụng dịch vụ, thuê bao sẽ chỉ phải mua máy với giá 500.000 đồng. Nếu thuê bao đặt cọc 800.000 đồng, bằng giá trị tiền máy và cam kết sử dụng dịch vụ liên tục trong vòng 12 tháng, tiền đặt cọc sẽ được trừ dần vào hóa đơn cước hàng tháng... Riêng các trường hợp có người nhà là cán bộ, nhân viên trong ngành bưu điện đứng ra bảo lãnh, khách hàng sẽ chỉ phải cam kết thời gian sử dụng và được miễn phí hoàn toàn số tiền tương ứng với trị giá máy.

Chỉ cần xuất trình chứng minh thư, thẻ ngành là có thể trở thành người đứng ra bảo lãnh và đứng tên trong bản hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ của mạng di động CityPhone. Chính điều kiện tương đối dễ dàng này, không ít nhân viên bưu điện đã đứng ra bảo lãnh cho hàng chục thuê bao. Thậm chí có người còn đứng ra đăng ký hộ cho người thân, anh em bạn bè, hàng xóm với con số lên đến 100 thuê bao.

Chị Hà, một nhân viên trong ngành bưu điện kể, chị đứng ra bảo lãnh, làm chủ thuê bao trong hợp đồng của đứa em họ của chồng mình và cam kết sử dụng trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, mới được có hơn 3 tháng, cậu em "dở chứng" không muốn tiếp tục sử dụng với lý do giá cước đắt, chất lượng kém nên tự ý sang tên cho một người bạn. Người bạn được cơ quan hỗ trợ một máy di động khác nên không ngần ngại sang tên cho chủ mới sau hơn 1 tháng sử dụng. Cứ thế, chiếc điện thoại được chuyền tay qua 2 người khác cho đến khi chị Hà nhận được tin nó bị mất cắp với số tiền nợ cước lên đến 1,5 triệu đồng mà chị sẽ phải trả do đứng tên trên hợp đồng.

Mất gần 1 buổi sáng xếp hàng ở số 4 Đinh Lễ, Hà Nội, chị Hà nhận được câu trả lời từ phía nhân viên bưu điện thông báo do chưa hết thời gian cam kết nên chị chưa thể cắt hợp đồng. Thế là chị đành khóa máy cả hai chiều gọi đi và nhận cuộc gọi. Tuy nhiên, số tiền cước thuê bao phát sinh mỗi tháng 50.000 đồng cứ cộng dần lên đến giờ con số đã gần 3 triệu đồng. Mất thời gian, mua cái bực mình, giờ chị Hà chỉ biết kêu trời. Cậu em họ hiện đang chu du bên trời Tây còn chị chỉ biết ngậm ngùi ôm cái hợp đồng để chờ đến ngày ra cắt máy. "Nếu biết sự thể đến nước này tôi đã không đứng ra làm người bảo lãnh. Chỉ ước sao 8 hợp đồng khác mà tôi đang đứng tên sẽ không gặp vấn đề gì", chị Hà than thở.

Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Thanh Chung, Phó giám đốc Bưu điện Hà Nội, thừa nhận có tình trạng này. Theo ông, trong hợp đồng giữa nhà cung cấp (Bưu điện Hà Nội - bên B) và người sử dụng (bên A) thì để được tặng một chiếc CityPhone đã hòa mạng với trị giá 500.000 đồng, bên A buộc phải cam kết sẽ sử dụng liên tục dịch vụ trong vòng 12 tháng với cước phí được quy định sẵn. Nếu như chủ thuê bao không thanh toán cước phí, người đăng ký dịch vụ (tức là cán bộ, nhân viên thuộc ngành bưu điện đăng ký hộ) sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Theo thống kê của Bưu điện Hà Nội, trong tổng số 200.000 thuê bao trên toàn mạng, số lượng khách hàng thuộc diện bảo lãnh chiếm khoảng 30%. Trong số thuê bao rời mạng, thì số lượng thuê bao thuộc diện bảo lãnh cũng chiếm con số tương đương. Để giảm thiểu rủi ro cho cán bộ trong ngành, Bưu điện Hà Nội đã có chủ trương giảm dần số lượng máy mà một cán bộ có thể đứng ra bảo lãnh. Chẳng hạn, trong đợt một, bình quân mỗi cán bộ có thể đứng ra bảo lãnh tối đa 40 máy thì bây giờ con số được rút gọn xuống là 10 máy.

Sau 2 năm triển khai dịch vụ, CityPhone đã thực hiện 3 chương trình khuyến mãi tặng máy cho khách hàng. Mỗi lần như vậy, số lượng thuê bao tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên do bất cập về giá cước, sóng yếu nên CityPhone đang đối mặt với tình trạng, các thuê bao lũ lượt ra đi.

Theo giới chuyên môn, để CityPhone tiếp tục tồn tại và trở thành dịch vụ bình dân không còn cách nào khác là phải tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng bên cạnh giá cước cạnh tranh. Bởi thời gian qua, các mạng di động ồ ạt giảm giá cước tung ra nhiều chương trình hậu mãi hấp dẫn thì các chính sách về giá của CityPhone hầu như không đổi họa chăng chỉ là chương trình tặng máy hoặc miễn cước hòa mạng trong một thời điểm nhất định.

Trong khi mạng CityPhone đang có nguy cơ chết yểu thì Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) tiếp tục trình Bộ Bưu chính Viễn thông phương án cước cho mạng di động vô tuyến nội tỉnh đang được thử nghiệm ở Hải Dương. Trước đó, Tổng công ty điện lực VN (EVN) cũng ra mắt dịch vụ điện thoại cố định không dây, hứa hẹn sẽ cạnh tranh mạnh với dịch vụ CityPhone.

Hồng Anh