Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản yêu cầu UBND 13 tỉnh, thành phố kiểm điểm việc đưa ra các quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa các công ty Nhà nước không phù hợp với quy định hiện hành.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh thành gồm Hà Nội, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hà Tây, Khánh Hòa và Quảng Ninh phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để xử lý theo luật định ngay trong tháng này.
Quyết định kiểm điểm này cho thấy, chuyện tỉnh thành lách luật khiến tiền của Nhà nước trôi sông lại tái diễn. Những người trong cuộc bị yêu cầu phải nghiêm túc nhìn nhận lại toàn bộ quá tình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trước đó.
Nghị định 64 về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ra đời chưa lâu song cơ quản lý nhận thấy vẫn còn nhiều bất cập nên đã thay bằng Nghị định 187 ban hành vào cuối năm 2004. Điều này được đánh giá là một bước ngoặt thực sự trong quá trình cổ phần hóa, theo đó việc cổ phần hóa được thực hiện công khai minh bạch hơn, giá bán cổ phần cũng gần với giá thị trường hơn. Song cũng vì nghị định mới tích cực hơn nên đã thúc đẩy các tỉnh thành sai phạm nhiều hơn.
Thời gian từ khi nghị định được ban hành cho đến khi có hiệu lực khoảng 1 tháng, nhiều doanh nghiệp đã "nhạy bén" tranh thủ xin phê duyệt phương án cổ phần hóa sớm để vẫn được áp dụng các quy định trong nghị định cũ. Sự nhạy bén này đã nhận được sự ủng hộ của các tỉnh thành dẫn tới tình trạng trong những tháng cuối của năm 2004, hàng loạt phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ở các địa phương đã được phê duyệt.
Thậm chí, bất chấp việc nghị định mới có hiệu lực, nhiều tỉnh thành vẫn ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa áp dụng theo nghị định cũ và làm ngơ nghị định mới. Kết quả là có khoảng trên dưới 20 doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa theo cách khép kín, thay vì phải bán ít nhất 20% cổ phần ra bên ngoài theo quy định mới.
Chẳng hạn tại Quảng Ninh có 5 doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa theo cách này. Còn ở Hà Nội, số doanh nghiệp lách được luật ít hơn, song lại có một doanh nghiệp với quy mô rất lớn đã lách trót lọt.
Theo yêu cầu của Phó thủ tướng, Thanh tra Bộ Tài chính đang vào cuộc để xác định mức độ vi phạm của từng tỉnh thành. Có 2 phương án giải quyết được đưa ra là: Tiến hành định giá lại các doanh nghiệp để thực hiện quá trình cổ phần hóa, hoặc giữ nguyên kết quả cổ phần hóa hiện tại nhưng sẽ điều tra làm rõ sai phạm của các tập thể cá nhân trong quá trình phê duyệt phương án cổ phần hóa để xử lý theo pháp luật.
Ông Hồ Xuân Hùng, Phó ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước cho rằng, chắc chắn trong câu chuyện này Nhà nước là bên thiệt nhiều nhất, dù mức độ thất thoát bao nhiêu còn chưa xác định được. Theo ông, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ thất thoát bao nhiêu mà còn là tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
▪ Cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư (06/12/2005)
▪ Không thiếu vé máy bay Mátxcơva - Hà Nội (06/12/2005)
▪ TPHCM tiếp tục giữ vị trí đầu tàu (06/12/2005)
▪ Đô thị TPHCM: Phát triển theo hướng đa trung tâm (06/12/2005)
▪ Để không bị trừ lùi (05/12/2005)
▪ Thị trường bảo hiểm nhân thọ: Đang cần thêm những nhân tố mới (05/12/2005)
▪ Hàng “dỏm” núp bóng... tồn kho (05/12/2005)
▪ Đại lý 'giấu' vé máy bay khuyến mại Tết (06/12/2005)
▪ Ngành thủy sản bỏ rơi thị trường nội địa (06/12/2005)
▪ Tăng giá xe, VAMA có thể bị phạt theo Luật Cạnh tranh (06/12/2005)