Công nghiệp ôtô Việt Nam: Vẫn là sản xuất giản đơn
Các Website khác - 16/09/2005
Công nghiệp ôtô Việt Nam: Vẫn là sản xuất giản đơn

* Tìm hiểu thị trường, Toyota vẫn là thương hiệu được ưa chuộng nhất.

Đào tạo học viên tại Toyota VN
(Phúc Yên, Vĩnh Phúc).
Ông Fujio Cho - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Toyota - một DN ôtô có mặt ở VN từ 10 năm nay - nói một câu khá bao quát: "Ngành công nghiệp ôtô VN còn non trẻ, thị trường nhỏ hẹp, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nền công nghiệp ôtô trong khu vực...".

Chuyện dài nội địa hoá
Với xuất phát điểm là những nhà máy, xưởng cơ khí được nâng cao năng lực sản xuất, các DN ôtô VN hầu hết được tổ chức theo hướng gò, hàn, sơn, lắp ráp. Theo Bộ Công nghiệp, công nghiệp ôtô VN mới có trên 60 DN sản xuất linh kiện. Trong khi đó, theo tính toán của các nhà quản lý, để thoát ra khỏi tình trạng lắp ráp giản đơn, mỗi DN ôtô phải cần tối thiểu 20 nhà cung cấp với nhiều loại linh kiện khác nhau.

Trên thực tế, linh kiện sử dụng trong nước chủ yếu là các chi tiết có giá trị thấp như săm, lốp, ắcquy, ghế ngồi, dây điện. Còn lại đều nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Việc nội địa hoá ôtô, vì thế, cũng là vấn đề khá bức xúc. ọy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội từng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo có chế tài mạnh mẽ buộc các liên doanh ôtô nội địa hoá chi tiết, phụ tùng theo mức độ và lộ trình đã cam kết.

Tuy nhiên, không mấy DN thực hiện được. Thống kê cho thấy, tỉ lệ nội địa hoá cao nhất là trên 30%, thấp nhất là 2%. Đến nay mới chỉ Toyota VN đạt tỉ lệ 20% - 37%.

Ông Makato Sasagawa - TGĐ Cty Toyota VN cho biết thêm, Toyota sẽ đầu tư vào KCN Nomura Hải Phòng hai dự án có tổng số vốn 38,2 triệu USD (trong đó vốn pháp định 26,1 triệu USD) để xây dựng hai nhà máy sản xuất các loại túi khí an toàn lắp đặt trong xe ôtô. Hai dự án này sẽ đi vào hoạt động tháng 10.2005, toàn bộ sản phẩm được cung cấp cho nhà máy của Toyota VN và xuất khẩu.

Công bằng cho các doanh nghiệp
Tại cuộc hội thảo diễn ra mới đây về triển khai quy hoạch sản xuất, lắp ráp ôtô đến năm 2010 (đã được Thủ tướng phê duyệt), đa số ý kiến nhất trí sẽ có cuộc hậu kiểm một loạt DN (do Bộ Công nghiệp chủ trì).

Lý do của việc đề nghị hậu kiểm là nhằm đối phó với tình trạng một số DN sản xuất lắp ráp ôtô chưa đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng vẫn được các địa phương xác nhận cấp phép đầu tư.

Ông Đỗ Hữu Đức - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - đề nghị: "Phải làm sớm việc hậu kiểm để lấy lại sự công bằng cho các DN sản xuất, lắp ráp xe ôtô".

Ông Phan Hồng Hải - Trưởng phòng Đối ngoại Toyota VN - cho biết, sau 10 năm có mặt tại VN, Toyota VN đã bán được hơn 50.000 xe, đạt thị phần xấp xỉ 30%, đóng góp cho ngân sách gần 300 triệu USD. Ngoài ra, công ty còn đóng góp nhiều cho các hoạt động xã hội với số tiền trên 3,2 triệu USD. Toyota cũng là doanh nghiệp ôtô đầu tiên được Nhà nước VN tặng Huân chương Lao Động hạng Ba vì những thành tích của mình. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, công ty đã thành lập Quỹ Toyota với số tiền 4 triệu USD, mục đích chính là giáo dục an toàn giao thông và đào tạo nhân lực cho VN.

Vĩnh Lộc