Đấu thầu đất vàng 'sinh chuyện' vì chưa có tiền lệ
Các Website khác - 18/04/2008


Chiều 17/4, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM Thái Văn Rê khẳng định, quá trình đấu thầu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, quận 1, không có sai sót. Nhà đầu tư bất bình, kiện cáo do mù mờ về quy luật mới mẻ này.

> Sẽ có cao ốc 25 tầng ở khu đất vàng Văn Thánh 

Một khu đất vàng gần chợ Bến Thành, quận 1, ngay trung tâm TP HCM. Ảnh: Đức Quang.

Theo các nhà đầu tư, kết quả đấu thầu đã không thuyết phục họ vì cuộc đua chưa thỏa các tiêu chí: công khai, minh bạch và công bằng.

Trong 4 đơn vị tham dự, liên danh Thái Sơn trúng thầu khu "tam giác vàng". Liên danh này gồm: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thái Sơn - Công ty cổ phần đầu tư Chí Thành - Công ty cổ phần đầu tư tài chính Ánh Dương, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty cổ phần BIDV Land, Công ty cổ phần xây dựng và kỹ thuật Hanwha và Công ty TNHH Hanwha Galleria.

Khuất tất bị săm soi chính là chi tiết liên danh Thái Sơn ban đầu chỉ đưa ra giá dự thầu gần 5.000 tỷ đồng, sau đó lại tăng thêm gần 1.700 tỷ đồng. Cụ thể, phần hỗ trợ ngân sách thành phố ban đầu chỉ có 200 tỷ đồng, nhưng về sau lại điều chỉnh lên thành 1.900 tỷ đồng.

Trong khi đó, 3 đơn vị tham gia dự thầu còn lại là liên danh Khánh Gia, Lê Đại Nam và Ree - Hocico - Savimex đều có giá trị dự thầu cao hơn Thái Sơn, nhưng mức hỗ trợ ngân sách thấp hơn rõ rệt đã bị loại.

Theo 3 liên danh bị trượt thầu, chính nguồn hỗ trợ ngân sách thành phố tăng lên đột ngột đã khiến Thái Sơn đánh bại họ. Thế nhưng đó lại là hành vi phạm quy. Bởi lẽ, chào giá có điều kiện (thêm 1.700 tỷ đồng cho ngân sách thành phố) đáng lý phải bị loại ngay từ đầu, đằng này lại được lọt vào vòng trong là điều kỳ lạ.

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM Thái Văn Rê đang giải trình tại cuộc họp chiều 17/4. Ảnh: Vũ Lê.  

Hai vấn đề chính được đề nghị làm rõ thêm là: năng lực và cam kết tín dụng của liên danh trúng thầu còn hàm chứa nhiều bất ổn. Trong đó, yếu tố được xới nhiều nhất là khả năng tài chính của liên danh này. 

Theo đó, thâm niên hoạt động và năng lực của liên danh Thái Sơn còn mỏng, hầu hết các doanh nghiệp trong liên danh này đều có thời gian hoạt động ngắn (không có kiểm toán tài chính trong vòng 2 năm).

Ngoài ra, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), một đơn vị trực thuộc liên danh này có cam kết tín dụng lên đến 4.200 tỷ đồng trong thời hạn 6 năm nhưng khả năng cho vay của nhà băng này chỉ đạt khoảng 2.250 tỷ đồng (con số về khả năng cho vay do Giám đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam tại TP HCM Hồ Hữu Hạnh xác nhận).

Vì những khuất tất trên, không ít doanh nghiệp tỏ ý bất bình và đòi đâm đơn kiện. Thậm chí, vấn đề càng trở nên nóng bỏng hơn khi các đại biểu HĐND TP HCM đã nhiều lần yêu cầu phải làm rõ cho dân hiểu.

Đại diện Hội đồng đấu thầu khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, quận 1, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư thành phố, ông Thái Văn Rê giải thích: "Luật đấu thầu chọn nhà đầu tư chỉ chọn giá sàn khác hoàn toàn với đấu thầu thông thường chỉ căn cứ vào giá trần".

Chỉ vào thùng hồ sơ còn niêm phong, ông Rê nhấn mạnh, mọi thông tin về liên danh Thái Sơn đều được quy định bảo mật theo đúng luật đấu thầu. Đó cũng là lý do vì sao thời gian qua Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM chưa thể công bố trong đại chúng.

Theo ông Rê, kể cả con số từ 200 thành 1.900 tỷ đồng nộp cho ngân sách thành phố cũng không phạm quy vì đây chưa phải là tiêu chí quyết định trúng thầu. 

Khi được chất vấn về đề thâm niên và năng lực của liên danh Thái Sơn, ông Rê phân tích, theo đúng luật đấu thầu quốc tế và kể cả quy định của Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam, chỉ cần một doanh nghiệp đứng đầu liên danh có hồ sơ kiểm toán 2 năm hoạt động là đủ, các công ty còn lại không cần xuất trình.

Ông còn giải thích thêm, năng lực của liên danh là tổng năng lực của các doanh nghiệp gộp lại. Mỗi đơn vị tùy vào từng thế mạnh riêng của mình, sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về một khả năng hoàn toàn khác nhau như: tài chính, xây dựng, thiết kế, bất động sản, lập dự án... 

Riêng về tiềm lực tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư cho hay, cam kết tín dụng chỉ là một hình thức hỗ trợ, góp phần làm tăng tính an toàn cho dự án, hoàn toàn không giống hợp đồng tín dụng có chức năng cho vay.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư thành phố thừa nhận, TP HCM chưa có tiền lệ về đấu thầu, ngay cả luật đấu thầu cũng còn nhiều thiếu sót, phải dịch lại và học hỏi từ kinh nghiệm của quốc tế mới có thể đảm đương nổi.

Song một trong những điều gây nhiều tranh cãi và chính ông Rê cũng công nhận còn nhiều kẽ hở, là Hội đồng đấu thầu chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ photo của các liên danh dự thầu mà không thể thẩm định hay xác minh tính chính xác về mặt pháp lý của các bên tham gia.

"Hội đồng đấu thầu không thể chịu trách nhiệm thay cho các đơn vị dự thầu. Bản thân các doanh nghiệp đấu thầu phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cố tình cung cấp thông tin sai lệch để trục lợi".

Theo Sở Kế hoạch đầu tư TP HCM, các khu đất chuẩn bị tổ chức đấu thầu trong thời gian tới: Khu bán đảo Bình Qưới Thanh Đa; Ô phố Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Huỳnh Thúc Kháng, quận 1; Khu tứ giác Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp, quận 1; Khu Tây Tăng Long, phường Long Trường, quận 9.

Danh sách 20 khu đất vàng tại TP HCM:

1. Khu Sở Giáo dục đào tạo  
2. Khu Eden
3. Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học
4.Khu chợ Bến Thành
5. Khu tứ giác Bến Thành
6. Khu Bệnh viện Sài Gòn
7. Khu đối diện khách sạn Park Hyatt, góc Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng - Đông Du
8. Khu đối diện khách sạn Park Hyatt, góc Lê Thánh Tôn - Thi Sách - Cao Bá Quát - Hai Bà Trưng
9. Khu đất nhà máy bia Sài Gòn
10. Khu Sở Văn hóa thông tin
11. Khu chợ Dân Sinh
12. Khu tứ giác Mả Lạng (Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyện Trãi - Cống Quỳnh
13. Khu 87 Cô Giang
14. Khu góc Nguyễn Du - Chu Mạnh Trinh
15. Khu 25 Bis Nguyễn Thị Minh Khai
16. Khu câu lạc bộ TDTT 257 Trần Hưng Đạo
17. Khu nhà máy đóng tàu Ba Son
18. Khu tứ giác Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp
19. Khu 6 ô phố kế chợ Bến Thành
20. Khu tứ giác Pasteur - Tôn Thất Đạm - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Thiệp

Vũ Lê