Đi xe đò giá đắt
Các Website khác - 08/11/2005
Ngày đầu trung chuyển xe máy qua hầm Hải Vân:
Đi xe đò giá đắt

Bắt đầu từ ngày 7.11, Cty quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco) tổ chức thực hiện việc đưa đón hành khách là người đi xe gắn máy, đi bộ và du khách tham quan trung chuyển qua hầm đường bộ Hải Vân. Kế hoạch này đã được dự tính từ lâu, song đến ngày thực hiện vẫn lộ nhiều bất cập, gây phiền hà cho hành khách...

Ôtô tải chuyển xe máy chưa được
chuyên dụng.
Thiết kế hầm đường bộ Hải Vân không có phương án trung chuyển hành khách đi xe máy, cũng như tổ chức cho du khách tham quan tại công trình đường bộ này. Tuy nhiên, thực tế khai thác cho thấy, nhu cầu lưu thông xe gắn máy qua hầm đường bộ Hải Vân ngày càng nhiều.

Người dân không chỉ ngại phải vượt qua hơn 20km đường đèo quanh co, hiểm trở, tốn xăng, hao mòn xe và nguy hiểm, mà nay còn sợ mất "an toàn" khi qua đoạn đèo vắng. Nhất là tình trạng cướp giật, trấn lột, "xin đểu" xảy ra liên tục sau ngày thông xe qua hầm.

Chính vì vậy mà Hamadeco, Khu quản lý đường bộ V đã có đề án trung chuyển xe máy qua hầm, trình Cục Đường bộ - Bộ GTVT. Phương án này đã được thông qua. Và giá lệ phí trung chuyển qua hầm cũng đã được Bộ Tài chính duyệt cho phép.

Ngày 7.11, việc thực hiện trung chuyển hành khách qua hầm được triển khai, chưa thu vé; tuy nhiên "cơ sở hạ tầng" phục vụ dịch vụ này không như lời quảng bá trước đó. Cho đến nay, Hamadeco vẫn chưa hoàn tất việc xây dựng nhà chờ cho khách.
Mỗi chuyến trung chuyển phải chờ hơn 1 giờ đồng hồ, hành khách đứng ngồi nhếch nhác vì ghế ngồi không đủ.

Chưa hết, chiếc ôtô tải dùng chở xe gắn máy và xe đạp mà Cty này gọi là "chuyên dụng" chỉ là ôtô tải nhẹ. Chiếc ôtô chở khách 16 chỗ ngồi thì nhồi nhét gần 20 người chạy qua hầm Hải Vân, không khác gì những chuyến xe đò bình thường. Có khác chăng chỉ là giá cả. Một người đi xe máy mua vé bằng phí của một "ôtô con" qua hầm.

Vì sao việc kinh doanh dịch vụ trung chuyển này không được đưa ra đấu giá, kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia để lựa chọn dịch vụ được tốt, rẻ hơn cho hành khách?

Trả lời câu hỏi này, ông Đào Ngọc Hùng - Phó Tổng GĐ Khu quản lý đường bộ V cho biết: "Nhiều doanh nghiệp cũng muốn tham gia hoạt động này, song doanh nghiệp nhà nước có khả năng thì phải ưu tiên. Hamadeco là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, khai thác hầm vừa có trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên nghiệp về duy tu, bảo dưỡng, vận hành..., nên chắc chắn khi khai thác sẽ đảm bảo các vấn đề về an toàn cho cả việc vận hành hành khách và an toàn cho đường hầm. Điều này, các doanh nghiệp khác sẽ khó khăn hơn khi thực hiện. Còn giá cả thì đơn vị này đã cân đối kỹ và đã được Bộ Tài chính duyệt, cho phép".

Được biết hiện nay, mỗi ngày có khoảng 120-150 lượt hành khách qua hầm đường bộ Hải Vân bằng phương tiện trung chuyển này.

Theo kế hoạch, việc trung chuyển này sẽ thực hiện bằng 2 đôi xe khách, loại 16 chỗ ngồi và xe tải chuyên dụng để chở riêng xe máy, xe đạp. Hành khách mua vé tại trạm thu phí 2 đầu đường hầm, lên xe qua hầm với giá: Xe gắn máy 12.000 đồng/chiếc, xe đạp 5.000 đồng/chiếc; vé 3.000 đồng cho mỗi người/lượt qua hầm.

Ngoài ra, Cty Hamadeco còn có dịch vụ bán kèm vé dừng để tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại hai đầu cửa hầm với giá 5.000 đồng/người, thời gian chờ không quá 35 phút. Tại nhà chờ, hành khách sẽ được xem phim tư liệu, giới thiệu về lịch sử xây dựng đường hầm...

Thanh Hải