Xung quanh một số vụ tranh chấp con dấu của doanh nghiệp: Sao lại hình sự hoá?
Luật gia Cao Bá Khoát Con dấu của DN hoàn toàn khác với con dấu của cơ quan nhà nước. Việc thu hồi con dấu của DN đồng nghĩa với việc đóng cửa, tước quyền kinh doanh, gây ra thiệt hại khôn lường cho DN. Việc thu hồi con dấu của DN chỉ xảy ra khi DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD). Việc thu hồi GCN ĐKKD phải tuân thủ đúng các quy định của khoản 3, Điều 121 Luật Doanh nghiệp và quy định cụ thể tại khoản 7, điều 4 Nghị định 109/2004/NĐ-CP ngày 2.4.2004 của Chính phủ về ĐKKD. Việc thu dấu của người này giao cho người khác trong DN thực chất là quyền phân chia quản lý tài sản, phân cấp quản lý của công ty. Việc công nhận đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hợp pháp là quyền của toà án, UBND không có quyền năng này.
Việc tranh chấp con dấu trong DN được phán xử tại toà án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tương tự như tranh chấp một loại tài sản. Do vậy, không thể đồng nhất việc chiếm đoạt con dấu của cơ quan nhà nước với chiếm đoạt con dấu của DN.
Vụ việc ở Công ty cổ phần du lịch khách sạn Bạch Đằng - Hải Phòng cũng xảy ra ĐHĐCĐ bầu HĐQT mới, Toà án Nhân dân Hải Phòng công nhận ĐHĐCĐ là hợp pháp nhưng HĐQT cũ không giao con dấu cho HĐQT mới. Để xử lý vấn đề này, HĐQT mới lại phải thực hiện việc khởi kiện HĐQT cũ ra toà, để yêu cầu bàn giao con dấu. Toà sơ thẩm đã tuyên nhưng HĐQT cũ vẫn kháng cáo, mọi chuyện đang chờ phán quyết của Toà án phúc thẩm. Thiết nghĩ, cách hành xử bằng con đường tư pháp là đúng pháp luật.
Vừa qua, ở Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng tương tự, nhưng cách xử lý lại theo một trình tự và thủ tục khác hẳn. Sự kiện Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội cũng có sự tồn tại 2 HĐQT cũ và mới, nhưng UBND thành phố Hà Nội ra văn bản công nhận tính hợp pháp của HĐQT mới. Để HĐQT mới có con dấu hoạt động, UBND thành phố Hà Nội lại ra quyết định thu hồi con dấu của HĐQT cũ. Khi HĐQT cũ không nộp con dấu, thì UBND đưa lực lượng công an vào khám xét và khởi tố vụ án hình sự, với tội danh chiếm đoạt con dấu theo Điều 268 Bộ luật Hình sự. Có lẽ ở đây cơ quan công an đã có 2 sự nhầm lẫn: 1- Không phân biệt rõ giữa con dấu của DN với con dấu của cơ quan nhà nước quy định tại Điều 268 Bộ luật Hình sự; 2- Khái niệm chiếm đoạt: HĐQT cũ là người đang giữ con dấu, không hề chiếm đoạt, nếu có lỗi thì chỉ là không bàn giao con dấu theo yêu cầu của UBND thành phố.
Để thực hiện việc bàn giao con dấu phải đi đúng những bước đi như HĐQT mới của Công ty cổ phần du lịch khách sạn Bạch Đằng, Hải Phòng. Những bước đi của HĐQT mới của Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội cũng như cách hành xử của UBND thành phố Hà Nội và cơ quan Công an Hà Nội đang đặt ra cho công luận câu hỏi: Tại sao ở Hà Nội không dùng con đường tư pháp mà dùng con đường "hành chính hoá" và tiếp đến là "hình sự hoá" những tranh chấp về tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án dân sự? |