DN có quyền tự xây dựng thang, bảng lương? - Ông Lê Chính (Hà Nội) hỏi:Công ty chúng tôi là công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, để khuyến khích tuyển dụng nhân công có trình độ chuyên môn cao, chúng tôi muốn có thang bảng lương riêng thì phải làm theo nguyên tắc nào? - Trả lời: Căn cứ Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31.12.2002 của Chính phủ và Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30.05.2003 của Bộ LĐTBXH: Doanh nghiệp (DN) hoạt động theo Luật DN có quyền và nghĩa vụ trả lương cho người lao động theo thoả thuận. Muốn vậy, DN có thể tự xây dựng thang lương, bảng lương theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân; chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ làm cơ sở ký kết hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể; xác định quỹ lương, trả lương và giải quyết các chế độ khác cho người lao động. 1. Nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương. a) Thang lương, bảng lương được xây dựng cho lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo công việc và ngành nghề được đào tạo; b) Bội số của thang lương, bảng lương là hệ số mức lương cao nhất của người lao động có trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao nhất so với người có trình độ thấp nhất; c) Số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc đòi hỏi. Khoảng cách của bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, các tài năng, tích luỹ kinh nghiệm; d) Mức lương bậc 1 của thang lương, bảng lương phải cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định (từ 1.10.2005, mức lương tối thiểu là 350.000 đồng một tháng). Mức lương của nghề hoặc công việc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm phải cao hơn mức lương của nghề hoặc công việc có điều kiện lao động bình thường. 2. Khi xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, DN phải tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời và công bố công khai trong DN trước khi áp dụng. 3. DN phải đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng một tháng kể từ ngày thang lương, bảng lương được công bố áp dụng. Hồ sơ bao gồm công văn đề nghị, kèm theo hệ thống thang lương, bảng lương DN đã xây dựng. 4. Thang lương, bảng lương của DN làm cơ sở để: Thoả thuận tiền lương trong ký kết hợp đồng lao động; xác định đơn giá tiền lương, thực hiện chế độ nâng bậc lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể; đóng và hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; trả lương ngừng việc và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động; giải quyết các quyền lợi khác theo thoả thuận của hai bên và theo quy định của pháp luật lao động. DN cần lưu ý thủ tục đăng ký với cơ quan lao động địa phương (cấp tỉnh) là bắt buộc và phải được cơ quan lao động địa phương chấp nhận đăng ký, thì việc áp dụng thang, bảng lương mới được coi là phù hợp pháp luật. LS Phạm Đình Thắng |
▪ Huỷ bỏ một số khoản chi khỏi mục lục ngân sách nhà nước (25/10/2005)
▪ Tháng 11: Xuất khẩu thuỷ sản đạt mức kế hoạch cả năm (25/10/2005)
▪ MobiFone cần tôn trọng khách hàng (25/10/2005)
▪ Ba thách thức lớn với con tôm Việt Nam (25/10/2005)
▪ Phú Yên: Giảm giá 10 - 20% đất bán cho cán bộ công nhân viên (26/10/2005)
▪ Tổ chức Diễn đàn năng suất chất lượng lần thứ 10 (26/10/2005)
▪ Tin "vịt" thắng thế! (25/10/2005)
▪ Visa tự động sẽ xoá được đầu cơ quota (26/10/2005)
▪ Thu hút FDI về đích sớm với 4,58 tỷ USD (25/10/2005)
▪ Doanh nghiệp vận tải đề nghị tăng giá cước (25/10/2005)