Doanh nghiệp cổ phần chưa được 'chơi' bình đẳng
Các Website khác - 29/09/2005

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo và phát triển doanh nghiệp, vấn đề lâu nay doanh nghiệp vẫn lo ngại, nay đang ngày càng bộc lộ rõ ở khâu hậu cổ phần hóa, là "sân chơi" thiếu bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước với khối cổ phần cũng như các thành phần kinh tế khác.

Doanh nghiệp cổ phần rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Sau khi chuyển sang doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, hoặc những chính sách liên quan đến đất đai, thuế vụ... Tất cả những quy định đó trở nên chặt chẽ, ngặt nghèo hơn so với khi còn là doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ sau khi nộp thuế thu nhập mới được tính cổ tức, nhưng nếu doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thì lãi vay lại được hạch toán vào phí, sau đó mới tính thuế thu nhập. Đây là quy định rất bất bình đẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp.

Vấn đề cổ phần Nhà nước nắm giữ cũng là một trở ngại. Cho tới nay, trong 2.500 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, Nhà nước vẫn nắm giữ bình quân 46,5%, và đóng vai trò cổ đông lớn nhất. Nhà nước chiếm 20,9% cổ phần chi phối trong doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần. Chỉ khoảng 30% doanh nghiệp trong số đó, Nhà nước không giữ phần trăm nào. Trong khi đó, doanh nghiệp nào Nhà nước nắm cổ phần càng ít thì quản trị kinh doanh càng tốt, minh bạch về tài chính cao. Đối với doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối thì quản lý của Nhà nước "lỏng" hẳn so với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Quyền cổ đông không bằng công ty cổ phần mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối.

Ở những doanh nghiệp thuộc bộ, tỉnh, sau khi cổ phần hóa, hầu hết đều có người của sở tài chính hoặc sở chủ quản, vụ kế toán, kế hoạch xuống để "canh vốn", nhưng những công chức này lại cần hệ số an toàn hơn là độ mạo hiểm, mà trong kinh doanh cần độ mạo hiểm.

Cam kết của Bộ Tài chính và cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính, về xử lý công nợ của doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiện chưa giải quyết được triệt để. Thường thì, số công nợ không giải quyết được để tồn đọng hết năm này qua năm khác, ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp. Thậm chí có những đơn vị 4 năm nay sang cổ phần rồi mà chưa bàn giao được tài sản giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần, vì những cam kết tài chính không được thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, để xử lý những vướng mắc nêu trên, cần sớm ra đời Luật Doanh nghiệp thống nhất, qua đó giảm thiểu bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần sửa đổi chính sách hoàn thuế, xóa bỏ ưu đãi bất hợp lý đối với doanh nghiệp Nhà nước, thu hẹp lĩnh vực độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước, tách biệt quyền quản lý hành chính với quản lý kinh tế bằng việc sớm đưa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn đi vào hoạt động, tạo điều kiện cho đầu tư vốn và tài sản Nhà nước vào doanh nghiệp.

Ông Hùng cho biết Chính phủ dự định trong năm nay và năm 2006 sẽ cổ phần hóa từ 7 đến 10 tổng công ty, số còn lại sẽ chuyển sang tập đoàn từ 5-7 tổng công ty và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. 80 tổng công ty khác và khoảng 30-40 công ty có quy mô lớn cũng sẽ chuyển sang mô hình mẹ - con. Như vậy, sẽ có trên 100 tổng công ty, công ty được Chính phủ chuyển sang hoạt động theo mô hình này. Tất cả các tổng công ty mẹ - con sau này sẽ chuyển sang đa sở hữu công ty mẹ.

(Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam)