Trong khi các đối tác EU đang đổ dồn qua Indonesia, Thái Lan, giới sản xuất giày mũ da VN bắt đâu lâm vào cảnh khó khăn vì cạn kiệt đơn hàng. Đa số đều sản xuất cầm chừng với những đơn hàng đã ký trước Tết.
![]() |
Công nhân ngành giày trước nguy cơ bị mất việc làm. (Báo Khánh Hòa) |
Giám đốc Công ty Wec Sài Gòn - Diệp Thành Kiệt cho biết những tháng trước, đơn hàng tuy ít nhưng vẫn còn nhiều đối tác quan tâm, vì mức thuế chưa bị điều chỉnh. Còn nay, sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố mức thuế mới, việc tìm kiếm đơn hàng của các nhà sản xuất càng khó khăn hơn.
Ở các đơn vị chuyên sản xuất mặt hàng giày mũ da, tình cảnh còn bi đát hơn. Các hợp đồng trị có trị giá lớn đã chạy sang Thái Lan hoặc Indonesia, do mức thuế xuất khẩu của 2 quốc giá này hiện chỉ bằng không. Đồng thời, họ lại sẵn nguồn nguyên phụ liệu, không phụ thuộc vào nhập khẩu như VN. Hiện chỉ có một số khách hàng quen mới ký vài hợp đồng với nhà sản xuất VN. Tuy nhiên, đối tác yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết giao hàng trước tháng 7, trước khi EC áp dụng mức thuế mới.
Theo ông Kiệt, trước đây có nhiều đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang VN, vì cho rằng, thuế bán phá giá đối với giày mũ da Trung Quốc sẽ cao hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại của VN. Tuy nhiên, sau khi EC công bố mức thuế bán phá giá của Trung Quốc chỉ ngang ngửa VN (19,4%), nhiều đối tác đã quay lại đặt hàng, do nguyên liệu rẻ và tiết kiệm được chi phí, thời gian giao hàng.
Trước tình hình khó khăn này, các doanh nghiệp VN chuyển hướng sản xuất, tập trung làm những mặt hàng ngoài danh sách bị áp thuế bán phá giá, đồng thời tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, để làm được điều đó doanh nghiệp phải tốn kém chi phí và thời gian đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất. Những dây chuyền cũ không thể làm những mặt hàng mới, nếu chuyển sang công nghệ mới thì trong thời gian ngắn không xoay sở kịp mà lại vướng mắc về vấn đề kinh phí. Cũng vì khó đáp ứng ngay khi đối tác có nhu cầu nên đơn hàng đã chuyển sang Thái Lan, Indonesia.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu giày da sang EU cũng cho biết, hiện dây chuyền sản xuất sản phẩm bằng da phải ngưng hoạt động, vì không ký được hợp đồng. Công ty đã chuyển sang làm hàng giả da, đồng thời khai thác thêm thị trường nội địa. Tuy nhiên, muốn quay trở lại thị trường nội địa, công ty lại vướng về vốn sản xuất. Vì lâu nay, doanh nghiệp đã quen xuất khẩu, lấy tiền trước làm hàng sau hoặc giao hàng lấy tiền. Còn làm hàng nội địa, vốn bỏ ra tiền tỷ nhưng thu về rất lẻ tẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến công nghệ ngành da giày (VSP), vì không có đơn hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp quay về thị trường nội địa như một giải pháp nhất thời vào lúc này là không nên, bởi lâu nay doanh nghiệp đã bỏ quên thị trường nội địa, nay trở lại sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh. Mặt khác, ngành giày VN chỉ quen gia công, thiếu sáng tạo về mẫu mã, nếu quay lại thị trường nội địa chưa hẳn đã thắng được hàng nhập Trung Quốc giá rẻ và mẫu mã bắt mắt. "Nếu xây dựng được thương hiệu và kênh phân phối chắc chắn sản phẩm của doanh nghiệp sẽ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, việc làm này đòi mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư xây dựng tên tuổi", ông giải thích.
Hiệp hội da giày TP HCM (SLA) cho biết, hiện doanh nghiệp giày có xu hướng chuyển sang làm mặt hàng giả da quá nhiều, trong đó, nổi bật nhất là sản phẩm dép, đã gây áp lực cho những đơn vị chuyên làm dép. Đây là những mặt hàng đơn giản, dễ làm nên lâu nay doanh nghiệp chỉ đầu tư những thiết bị sản xuất rất thô sơ. Đến nay, khi doanh nghiệp sản xuất giày quay sang làm dép sẽ thu hút hết đơn hàng, do công nghệ hiện đại hơn. SLA cũng khuyến cáo các nhà sản xuất giày không nên tập trung vào một mặt hàng mà phải tìm kiếm thị trường mới để phân tán rủi ro. Đồng thời, khi đơn hàng giảm nhà sản xuất vẫn phải đảm bảo mức thu nhập phù hợp cho công nhân, với mức giảm tối đa không quá 30%. Tuy nhiên, SLA cũng thừa nhận, trước tình thế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp khó tránh khỏi việc giảm nhân công và tiền lương. |
Nguyễn Thùy - Hà Vy
▪ 'Khó tránh rủi ro khi thanh toán qua thẻ' (10/03/2006)
▪ Doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến vấn đề ôtô cũ (10/03/2006)
▪ Malaysia muốn tìm cơ hội mới tại Việt Nam (10/03/2006)
▪ Mỹ sẽ mở rộng hơn trong việc đầu tư vào VN (10/03/2006)
▪ Gạo xuất khẩu: Đang bị ép giá, tại sao? (10/03/2006)
▪ Thoả thuận giá mua hạt điều trong tháng 3 (09/03/2006)
▪ Sắp có một thị trường thuốc chung của ASEAN (09/03/2006)
▪ Lâm Đồng: Xây dựng đường bằng tiền đóng góp của nhân dân Hà Nội (09/03/2006)
▪ TP.Hồ Chí Minh: Bán đấu giá cổ phần 6 chi nhánh cấp nước (09/03/2006)
▪ APEC 2006: Cơ hội xúc tiến thương mại, du lịch... (09/03/2006)