Gạo xuất khẩu: Đang bị ép giá, tại sao?
Các Website khác - 10/03/2006
Gạo xuất khẩu: Đang bị ép giá, tại sao?

Ngày 3.3 tại Tokyo, VN đã trúng thầu cung cấp 28.078 tấn gạo tẻ hạt dài sang thị trường Nhật với giá 47.972JPY/tấn (tương đương 436,2USD/tấn). Đây là mức giá lý tưởng đối với gạo XK của VN, bởi lúc này các thương nhân nước ngoài đang ép các DN XK gạo VN chỉ bán được với giá 242-245USD/tấn đối với gạo 5% tấm mà nhiều DN vẫn phải "nhắm mắt đưa chân"!

Xuất khẩu gạo tại cảng Hải Phòng.
Yếu bởi "nội lực"

Theo giải thích của Bộ Thương mại (BTM), sở dĩ VN bán được gạo cho Nhật giá cao như vậy bởi đây là loại gạo chất lượng cao. Thương vụ VN tại Nhật cũng mới chỉ báo về cho biết có một DN ở ĐBSCL đã trúng thầu với mức giá như thế. Còn tại sao bán được với giá cao thì phải chờ thông tin cụ thể. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN - ông Trương Thanh Phong - cũng cho biết: "Mới chỉ thấy thông tin báo chí, đang cho anh em kiểm tra".

Về nguyên nhân các DN XK gạo đang phải bán gạo chất lượng cao (5% tấm) với giá 242-245USD/tấn (tương đương loại gạo 25% tấm), ông Nguyễn Đăng Chi - Phó Vụ trưởng Vụ XNK Bộ Thương mại, chuyên gia về XK gạo - cho biết: Hiện tượng một số DN ký hợp đồng bán gạo với giá thấp là có thật. Một mặt là bởi vụ đông xuân đang thu hoạch rộ, nguồn cung cấp gạo dồi dào. Mặt khác, các thương nhân nước ngoài thừa biết những DN VN không có hệ thống kho dự trữ lúa chờ tăng giá. Và họ hiểu rất rõ các DN kinh doanh gạo XK của ta không có nguồn tài chính mua gạo dự trữ, nên đồng loạt ép giá mua xuống thấp.

Để có 10.000 tấn gạo XK, DN cần khoảng 40 tỉ đồng tiền vốn, muốn quay vòng kinh doanh gạo XK, DN cần hàng trăm tỉ đồng. Nhưng ít DN nào có nhiều vốn như vậy, mà hầu hết phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, muốn vay được tiền của ngân hàng, DN phải có hợp đồng XK gạo, có L/C... nên trang trải các chi phí sản xuất gạo XK, DN phải chấp nhận ký hợp đồng bán gạo với giá thấp để quay vòng được vốn.

BTM đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng cho DN XK gạo tăng lượng tiền vay để nâng khả năng thu mua lúa dự trữ, cho phép DN được thế chấp bằng gạo trong kho; điều tiết các hợp đồng chính phủ về gạo XK phù hợp với những hợp đồng thương mại... Nếu các DN mua dự trữ được khoảng 500.000 tấn gạo, thương nhân nước ngoài không thể ép giá DN VN như hiện nay. Đây là biện pháp tích cực nhằm giữ giá lúa không hạ xuống thấp hơn 2.350 - 2.450đ/kg, bảo đảm cho bà con nông dân sản xuất lúa không bị thiệt bởi nghịch lý "trúng vụ, rớt giá". Tuy nhiên, kiến nghị trên vẫn chưa có hồi âm.

Gạo nội có yếu thế?
Trước dư luận cho rằng, gạo VN đang thua trên sân nhà bởi trong nhiều siêu thị và các trung tâm thương mại lớn đang bày bán nhiều loại gạo NK từ Thái Lan, Campuchia..., theo các chuyên gia BTM, điều này không có gì đáng ngại, bởi VN XK được gạo vào thị trường các nước thì họ cũng có quyền đưa gạo vào bán tại thị trường VN. Tuy nhiên, mức gạo ngoại tiêu thụ tại VN vô cùng nhỏ nhoi.

Ông Nguyễn Đăng Chi khẳng định: "Nhiều lắm cũng không quá 5.000 tấn gạo ngoại tiêu thụ ở thị trường VN. Số lượng này chưa bằng tỉ lệ cộng trừ cho phép của mỗi hợp đồng gạo XK mà VN đang bán ra thế giới".

Cũng theo ông Chi, gạo 5% tấm bán ở Thái Lan giá phải tương đương hơn 20.000đ/kg. Nếu NK loại gạo này về, cộng thuế và các chi phí, giá phải cao hơn nhiều. Loại gạo Thái Lan đang bán ở các siêu thị giá chỉ khoảng 10.000đ/kg thì chắc chắn không phải gạo NK, cùng lắm chỉ là gạo trồng bằng giống lúa của Thái Lan!

Về tình hình thị trường gạo năm 2006, theo dự báo của BTM, nguồn cung năm nay giảm mạnh do tác động của thiên tai thời gian vừa qua, trong khi nhu cầu gạo của thế giới vẫn tăng. Được biết Ấn Độ chỉ XK 3 triệu tấn gạo, giảm hơn 2 triệu tấn so với năm 2005; sản lượng gạo VN XK trong năm 2006 cũng giảm 200.000 tấn so với năm trước.

Các nước như Thái Lan, Trung Quốc... cũng không tăng sản lượng gạo XK. Mặt khác, chỉ Thái Lan và VN có gạo 5% tấm cung cấp cho thị trường, do đó việc ồ ạt ký hợp đồng XK gạo loại 5% tấm với giá thấp hiện nay sẽ gây thiệt thòi cho DN cũng như bà con nông dân, bởi chắc chắn gạo XK sẽ tăng giá.

Để hạt gạo của VN trở nên có giá trên thương trường quốc tế, các DN XK gạo đang cần sự can thiệp điều hành XK gạo của Nhà nước, sự hỗ trợ của các ngân hàng nhằm tháo gỡ vốn vay mua lúa dự trữ để bảo vệ được thế mạnh của hạt gạo VN trước sức ép của thương trường. Đồng thời, cũng cần có sự đồng lòng của các DN XK gạo để bảo vệ được giá gạo VN trên thương trường quốc tế ở mức hợp lý, để cả DN và bà con nông dân cùng có lợi.

Công Thắng