Thị trường bất động sản Thành Phố Hồ Chí Minh: Đóng băng do tâm lý Đặng Ngọc
 | Ngay thời gian cao điểm của ngày, nhưng Siêu thị địa ốc ACB chỉ có một khách hàng. | Hai năm liên tiếp 2004 - 2005, thị trường bất động sản thành phố liên tục tụt giảm. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2005, hầu hết các trung tâm giao dịch nhà đất lớn của thành phố đã không đạt được 50% mức giao dịch của năm 2004. Trong khi đó, giá nhà đất trên thị trường không những không giảm mà còn tiếp tục tăng. Thắp nơi ta thán Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến các trung tâm giao dịch nhà đất lớn của thành phố, đó là một không khí vắng vẻ đến đáng sợ. Ngày 18.8, tại sàn giao dịch số 30 Mạc Đĩnh Chi siêu thị địa ốc ACB đã 9 giờ sáng - giờ cao điểm trong ngày, nhưng chỉ lèo tèo vài ba khách hàng dạo quanh. Theo ghi nhận của phóng viên trong một giờ ở siêu thị ACB, lượng khách hàng đến siêu thị còn ít hơn số nhân viên của siêu thị. Không khí này khác hẳn với trước đây, lúc nào cũng tấp nập.
Theo ông Võ Đình Quốc - người phụ trách sàn giao dịch - từ đầu năm đến nay mới chỉ có 78 vụ giao dịch thành công. Nếu so với năm 2004, số lượng vụ giao dịch thành công giảm đến 58%. Còn theo ông Trần Quang Trình - Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần nhà đất Đô Thị Mới - một trong những Cty môi giới địa ốc tầm cỡ của thành phố thì tình hình kinh doanh của Cty cũng rất ảm đạm. Mặc dù không tiết lộ con số giao dịch, nhưng ông Trình cho biết số vụ giao dịch thành thông qua Cty chưa bằng một nửa của năm 2004. Cũng theo ông Trình, mặc dù thế mạnh của Cty từ trước đến nay là môi giới mua bán đất dự án, nhưng thời gian gần đây rất ế ẩm, buộc phải chuyển hướng kinh doanh sang môi giới mua bán căn hộ chung cư là chính và chuyển địa bàn hoạt động về các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, số liệu của sàn giao dịch của Cty TNHH Him Lam, số vụ giao dịch giảm đến 59%. Theo số liệu của Trung tâm Thông tin tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất, trong 6 tháng đầu năm 2005 chỉ có 4.518 hồ sơ giao dịch, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2004.
Nhận định về thị trường, ông Trình cho rằng, hiện tại các khu vực trước đây là điểm nhắm của các nhà đầu tư như An Phú - An Khánh (quận 2), Nam Sài Gòn đã không còn thu hút được sự quan tâm, bởi khả năng thanh khoản (chuyển từ đất thành tiền) không còn nhanh như trước.
 | Nhờ được quy hoạch tốt, Khu Nam Sài Gòn đã phát triển rất nhanh. | Không người mua, nhưng giá vẫn tăng Thị trường nhà đất thành phố đang tồn tại một nghịch lý, đó là mặc dù gần như không có người mua, nhưng giá nhà - đất của thành phố vẫn đang tiếp tục tăng, thậm chí là tăng mạnh trong thời gian qua. Trong khi đó, nguồn cung còn khá dồi dào. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhà đất, thoạt nhìn có vẻ như thị trường nhà đất đang lâm vào cảnh khủng hoảng thừa nguồn cung. Chẳng hạn, bình quân mỗi tuần có đến 120 căn nhà, thửa đất cần bán thông qua siêu thị nhà đất ACB. Nhưng số bán được không tỉ lệ thuận với số muốn bán, mỗi tuần chỉ một-hai căn nhà, thửa đất. Ông Quốc nhận định: "Với tình hình hiện nay, thì khó có thể đưa ra một dự báo khả quan về tương lai gần của thị trường nhà đất thành phố".
Theo ông Quốc, nguyên nhân chính làm cho cung và cầu chưa gặp nhau dẫn đến thị trường nhà đất đóng băng là do tâm lý. Về phía người bán, khi thấy Nghị định 181 cấm phân lô bán nền thì cho rằng trong tương lai nguồn cung cũng sẽ cạn và giá đất sẽ tăng, nên tăng giá rao bán. Ông Quốc phải than lên: "Trời ơi! Người bán thì cứ treo giá cao. Thực tế, người bán cũng không biết giá thực là bao nhiêu để hạ. Chỉ đến khi có vài ba khách trả giá, họ mới xác định được giá bán". Trong khi người mua (chủ yếu là các nhà đầu tư thứ cấp, mua đi bán lại) thì lo ngại không biết sắp tới sẽ có chính sách gì nên không dám bỏ vốn đầu tư vào đất. Ngoài ra, còn phải kể đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng cũng có tác động đến giá tại một số khu vực. Điều đó thấy rõ nhất qua nhịp đập thị trường nhà, đất khu vực quận 2 và 9. Giá đất khu vực này đã được đẩy lên từ 20 đến 40% trong vòng 1 năm qua. Nếu như trước đây, đất nền nhà trong các dự án ở phường Phú Hữu, Phước Long A, Phước Long B chỉ ở trong khoảng từ 2,9 đến 3,6 triệu đồng/m2. Chỉ một năm nay (trước và sau thời điểm khởi công cầu Thủ Thiêm) đã bị đẩy lên một cách vô lý, đạt ngưỡng 5 đến 5,2 triệu/m2. Chính yếu tố giá không thực này cũng khiến cho các nhà đầu tư thứ cấp không tham gia thị trường. Còn đối với những người có nhu cầu thực sự thì không đủ khả năng để với tới.
* Ông Võ Đình Quốc - siêu thị địa ốc ACB: Mới chỉ được ở phần cung
Để vận hành được, thị trường địa ốc cần phải có sự tham gia của 3 thành phần: Cung, trung gian và cầu. Nhìn chung, các giải pháp của thành phố mới chỉ đáp ứng được bức xúc của các nhà đầu tư xây dựng nhà, chứ chưa nói đến những giải pháp hỗ trợ cho khâu trung gian và người có nhu cầu. Mặt khác, các giải pháp phần nhiều mới chỉ đề ra các chiến lược chứ chưa có các biện pháp cụ thể. Theo tôi, nếu thành phố không có các giải pháp đột phá, thì trong vài năm tới, thị trường nhà đất thành phố khó có khả năng phục hồi.
* Ông Lê Hoàng Châu - Giám đốc Cty xây dựng điện - thành viên Hiệp hội Bất động sản thành phố: Cần cho chuyển nhượng dự án
Theo tôi, TTBĐS trong thời gian qua chựng lại không chỉ có nguyên nhân từ phía Nhà nước mà còn từ chính các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh nhà đất. Tôi thấy có những doanh nghiệp thực hiện một dự án chỉ có vài ngàn mét vuông và hầu hết các dự án có quy mô dưới 10ha. Với những doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, năng lực, thì không thể tạo ra các sản phẩm có sức hấp dẫn. Để biến đất ruộng thành nhà ở phải trải qua nhiều công đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, nhà ở... Vì vậy, Nhà nước nên cho chuyển nhượng dự án, bởi một doanh nghiệp không thể quán xuyến từ A đến Z. Đồng thời, cho phép thực hiện các dự án phân lô bán nền nhà, với điều kiện phải quy định thời gian xây dựng để chống tình trạng đầu cơ. Đối với hệ thống các Cty môi giới là cần thiết cho thị trường, nhưng cần phải tổ chức, sắp xếp lại. Ngọc Huân ghi |
Thúc đẩy thị trường bất động sản TPHCM phát triển: Phải bắt đầu từ thay đổi chính sách! Theo Sở Tài chính, thu ngân sách từ nguồn thuế nhà đất trong 6 tháng đầu năm giảm đáng kể do thị trường nhà đất đóng băng. Thực ra, vấn đề này đã được báo động từ lâu và UBND thành phố đã chỉ đạo cho Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Hiệp hội Bất động sản (Horea) tìm ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản (TTBĐS). Theo các đại biểu dự hội thảo về nội dung trên chiều ngày 19.8.2005, để thúc đẩy TTBĐS phải bắt đầu từ việc thay đổi chính sách.
Tại hội thảo, Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban chỉ đạo phát triển thị trường bất động sản TPHCM, Horea đã trình UBND thành phố một loạt các biện pháp để thúc đẩy TTBĐS phát triển. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, TTBĐS thành phố còn nhiều vấn đề tồn tại cần sớm giải quyết, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả thiệt hại to lớn. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp trước mắt nhằm làm cho thị trường lưu thông bình thường trở lại là hết sức cần thiết, tiếp đến là những biện pháp có tính chất chiến lược và lâu dài. Những giải pháp trước mắt và lâu dài này nhằm vào 5 mục tiêu: Thứ nhất, điều chỉnh một số chính sách để tạo điều kiện cho TTBĐS phát triển lành mạnh; thứ hai, xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ TTBĐS vận hành tốt; thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch tạo động lực để thị trường phát triển; thứ tư, cơ chế cung cấp thông tin liên quan đến TTBĐS và giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính và cuối cùng là điều chỉnh cơ chế chính sách hướng thị trường hoạt động chính quy và giảm rủi ro. Ngọc Huân |
|