Giá điện phải minh bạch
Các Website khác - 14/03/2006
DÂN BÀN GIÁ ĐIỆN

Từ 15.3, Bộ Công nghiệp sẽ tổ chức lấy ý kiến về dự thảo phương án điều chỉnh giá điện 2006-2010, thông qua Uỷ ban TƯMTTQVN, Tổng LĐLĐVN, Hội Nông dân VN, Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, các khách hàng tiêu dùng điện lớn và ý kiến rộng rãi của người tiêu dùng. Có 4 phương án được bộ đưa ra lấy ý kiến (Lao Động đã phản ánh trong các số báo trước). Bắt đầu từ số báo này, Lao Động sẽ mở chuyên mục "Dân bàn giá điện" nhằm lấy ý kiến rộng rãi của dư luận xung quanh nội dung này.

Bài 1: Giá thành phải minh bạch

Qua tham khảo ý kiến, đa số người dân đều cho rằng họ sẵn sàng chấp nhận tăng giá điện, nhưng trước khi tăng, họ phải biết được sản phẩm của mình có được định giá hợp lý không, nói cách khác giá thành mặt hàng điện phải là "giá sạch", được minh bạch và công khai.

Vẫn có thể tiết giảm giá thành
qua việc giảm tổn thất điện qua
đường truyền tải.

Hoàn toàn có thể giảm giá thành
Ông Nguyễn Văn Biên - Trưởng ban Kế hoạch - Giá thành (Tập đoàn Than và Khoáng sản VN -TKN) cho biết: Đặt câu hỏi giá thành điện cũng như giá bán điện hiện có hợp lý hay không phải căn cứ trên cơ sở vốn đầu tư và nhu cầu hoàn vốn của ngành điện.

Song các nhà máy nhiệt điện của TKN vẫn đang bán điện cho EVN dựa trên các cơ sở nhà nước quy định nhằm đảm bảo cân đối chi phí. Cụ thể EVN đang mua điện cho TKN với giá 4,3 cent/kWh, tương đương 700 đồng/kWh. Cộng với các chi phí truyền tải, cung ứng hay các chi phí bản thân khác, giá bán điện của EVN sau khi mua của TKN chắc chắn sẽ cao hơn mức này.

Riêng về giá thành điện, ông Biên cam chắc rằng ngành điện hoàn toàn có thể tiết giảm mức giá này thông qua tiết giảm chi phí đầu vào. Khả năng giảm lớn nhất tập trung vào việc giảm tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất nhiệt điện. Suất tiêu hao nhiên liệu tại nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ cũ hiện lên tới 0,5 - 0,6kg và hoàn toàn có thể khắc phục bằng các công nghệ mới có mức tiêu hao thấp hơn, 0,4-0,5kg.

Khả năng tiết giảm thứ hai có thể thực hiện được thông qua việc giảm lượng điện tổn hao trên lưới truyền tải. Tôi được biết đến cuối năm 2005, tổn thất điện năng của EVN vẫn ở mức cao, khoảng 12%.

Phải thừa nhận rằng, mức tổn thất cao hay thấp là yếu tố tác động rõ rệt đến giá thành sản xuất điện. Song nếu EVN muốn giảm tỉ lệ này xuống nữa, chắc chắn một loạt yếu tố phải được giải quyết như nâng cao chất lượng lưới truyền tải, sử dụng công nghệ mới, tự động trong quá trình đóng ngắt...

Giá điện đang ở ngưỡng nào?
TS Nguyễn Văn Khải - Giám đốc Trung tâm đèn tiết kiệm điện năng và dung dịch hoạt hoá điện hoá cho rằng, ngành điện đưa ra lý do để tăng giá là do phải mua điện với giá cao (mua điện Trung Quốc, mua các dự án điện BOT...) khiến giá thành điện tăng cao, trong khi giá bán điện bình quân thấp nên phải bù lỗ.

Tuy nhiên, các mức giá mà ngành điện đưa ra chỉ dựa trên giá của ngành điện làm chuẩn, chưa có sự so sánh với giá điện các nước khác. Chẳng hạn như nếu mua điện Trung Quốc thì giá thành điện TQ là bao nhiêu, giá bán điện cho VN bao nhiêu, từ đó cơ sở so sánh liệu ta mua điện TQ có đắt không, tương tự giá mua điện của các nhà máy điện BOT trong nước cũng vậy.

Ở một góc độ khác, ông Lê Hải Thanh (Buôn Ma Thuột) yêu cầu: Chúng tôi đề nghị ngành điện cần minh bạch hoá giá điện. Phải cho người dân biết cụ thể: Giá thành sản xuất điện hiện nay là bao nhiêu cho mỗi kWh, lượng tiêu hao, thất thoát qua lưới là bao nhiêu, cao hay thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực, nếu cao thì do khâu nào, cách khắc phục của ngành điện để giảm tiêu hao, hạ giá thành...

Nhóm PV Kinh tế

Lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2006-2010 do Tổ công tác liên ngành xây dựng gồm 3 bước: Đầu năm 2006, điều chỉnh giá bình quân lên mức 852 đ/kWh; đầu năm 2008 điều chỉnh giá bình quân lên mức 890đ/Wh. Từ năm 2010, điều chỉnh trên cơ sở giá phát điện xác định trên thị trường phát điện cạnh tranh và biến động của các yếu tố đầu vào khác liên quan.