Nghịch lý lao động dệt may, da giày
Các Website khác - 14/03/2006

Trong khi dệt may đang đỏ mắt tìm lao động, doanh nghiệp ngành giày phải tính đến phương án giảm nhân lực, vì đói đơn hàng, nhà sản xuất không đủ chi phí trả lương công nhân.

Mất nhiều thời gian tuyển dụng bằng nhiều đầu mối khác nhau nhưng đến nay các doanh nghiệp ngành may trên địa bàn TP HCM vẫn khó lấp được lỗ hổng lao động. Kiếm được người mới chưa quen hết đầu việc, người cũ lại ra đi khiến các nhà sản xuất đau đầu. Tổng giám đốc Công ty may Song Ngọc - Nguyễn Đức Hoan - cho hay, ngày nay rất hiếm doanh nghiệp may mặc nào có được lượng công nhân dư dả. Thiếu hụt người trong chuyền sản xuất là chuyện thường xảy ra. Suốt từ cuối năm ngoái đến nay lúc nào trước cửa Công ty Song Ngọc cũng treo bảng tuyển dụng công nhân.

Tương tự, Công ty dệt may xuất nhập khẩu Tân Phú Cường, quận 12 (TP HCM) cũng lao đao gần hai tháng trời sau Tết mới tuyển được một số công nhân từ các tỉnh phía Bắc vào làm việc. Tuy nhiên, để có được lao động, Tân Phú Cường phải tăng lương và thêm nhiều khoản trợ cấp khác. Hiện thu nhập bình quân của mỗi công nhân là 1 triệu đồng/tháng, trong năm ngoái chỉ được trên dưới 900.000 đồng. Ngoài ra, công ty còn đưa ra chỉ tiêu phấn đấu lao động nào làm việc đạt hiệu quả cao cuối năm sẽ được thưởng một tháng rưỡi lương tháng 13, thay vì chỉ một tháng như trước đây.

Dệt may thiếu công nhân nhưng không thể thu nhập lao động từ ngành giày chuyển qua. Ảnh: T.V.

Theo bà Tạ Thị Ngọc, Trưởng phòng tổ chức Tân Phú Cường, so với những ngày đầu năm mới, các chuyền may chỉ thưa thớt vài người thì nay có phần xôm tụ hơn. Công ty đã lên kế hoạch mở thêm 4 chuyền sản xuất, đáp ứng nhu cầu đối tác ngay từ đầu năm. Với 4 chuyền này phải có ít nhất gần 100 lao động sản xuất. Tuy nhiên, bà Ngọc cho biết, đến nay mới kiếm được phân nửa lao động nên các dây chuyền mới vẫn chưa thể triển khai. Vả lại, số công nhân mới tuyển vào chủ yếu chưa có tay nghề nên công ty phải mất thời gian đào tạo. Mức thu nhập của những công nhân học việc bình quân 15.000 đồng/ngày (được trợ cấp ăn trưa). "Hiện nhiều xí nghiệp đã di tản từ thành phố ra các tỉnh thành, nhằm tận dụng nguồn nhân lực. Vì thế, công nhân cũng không mấy thiết tha vào thành phố làm việc, do vật giá tăng cao. Trong khi, đơn giá gia công vẫn giữ mức cũ nên công ty rất khó nâng lương cho công nhân", bà than thở.

Ngược lại với tình hình khó khăn về lao động của dệt may, hiện nhiều doanh nghiệp ngành giày phải tính đến phương án giảm công nhân, vì thiếu đơn hàng trầm trọng. Nếu các nhà máy tiếp tục duy trì nguồn nhân lực sẽ không có doanh thu chi trả thu nhập cho công nhân. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất giày Liên Anh, cho biết, trước đây, để có được lao động công ty phải vất vả tìm kiếm và tuyển dụng. Thậm chí, do thiếu nhân lực, công ty đã xây dựng nhà xưởng gần các trại cai nghiện, nhằm tận dụng lao động để kịp hoàn thành những hợp đồng ký trước Tết.

Đến nay, khi một nhà máy của Liên Anh đặt tại Trung tâm cai nghiện Bố Lá sắp đi vào hoạt động thì công ty lại cạn đơn hàng. Sản xuất các sản phẩm bằng da xuất sang EU dần ngưng hẳn, vì đối tác không đồng ý mức thuế mới. Thay vào đó là những mặt hàng giả da và xuất sang thị trường mới Mỹ, Nhật Bản... Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian gây dựng mối quan hệ cũng như thương hiệu. Hiện công ty chỉ là những đơn hàng đã ký trước Tết để duy trì đời sống công nhân, tuy nhiên tình hình rất khó khăn.

Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng giày mũ da giải thích, doanh thu công ty ổn định thì thu nhập lao động mới đảm bảo. Trong khi, đơn hàng đang ngày một vơi dần chắc chắn khó tránh khỏi việc giảm thu nhập và nguồn nhân lực. Theo ông, năm ngoái lương công nhân của công ty bình quân 1 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn 800.000 đồng. Chừng ấy tiền lương không đủ để trang trải chi phí ăn, ở nhưng nhiều công nhân vẫn cố bám trụ công ty, vì rất khó chuyển sang ngành khác. "Tuy nhiên, nếu đến hết tháng 4, công ty vẫn chưa ký được hợp đồng chắc chắc phải tính đến phương án giảm công nhân", vị đại diện cho biết.

Phó chủ tịch Hiệp hội da giày TP HCM (SLA) Diệp Thành Kiệt cũng thừa nhận, nếu muốn chuyển đổi ngành hàng hoặc thị trường xuất khẩu ít nhất phải mất 2 mùa mới làm quen được. Chính những lý do này khiến các nhà sản xuất giày dép VN đang lâm vào tình cảnh khốn đốn. "Không đơn hàng, công nhân ngồi chơi thì lấy đâu chi phí trả thu nhập nên giải pháp trước mắt họ phải làm là tính đến phương án giảm bớt nhân công. Sau một thời gian, nếu tình hình ổn định chắc chắn doanh nghiệp sẽ gọi công nhân vào làm việc trở lại", ông nói. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, đối với ngành giày, lao động chủ yếu là nữ (chiếm hơn 80%) nên rất khó chuyển nghề. Vả lại, công nhân ngành giày không thể chuyển qua làm hàng dệt may. Như vậy, đến vụ mùa tới (bắt đầu từ tháng 7) chắc chắn sẽ có nhiều nữ công nhân ngành giày thất nghiệp.

Nguyễn Thùy