Hà Nội loay hoay xử lý quỹ nhà dự án
Các Website khác - 09/11/2005

Trước phản ứng của nhiều doanh nghiệp về việc trích phần trăm quỹ nhà dự án để lại cho thành phố bán theo diện hỗ trợ, UBND TP Hà Nội vừa quyết định thay đổi chính sách này. Tuy nhiên các công ty kinh doanh nhà cho rằng bản chất vấn đề không hề được xử lý.

Nhà bán cho đối tượng chính sách bị mua đi bán lại. Ảnh: A.T.

Trước đây, các chủ dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn Hà Nội sau khi nhận giao đất đều phải cắt lại 20% diện tích cho thành phố, sau khi xây dựng xong tuỳ từng dự án có thể bị cắt 30% hoặc 50% quỹ nhà để thành phố bán cho đối tượng chính sách.

Theo quy định mới, diện tích quỹ đất 20% được phân loại theo 2 hướng. Với đất để xây dựng nhà chung cư cao tầng, thành phố tiếp tục đầu tư bằng ngân sách, hoặc đặt hàng xây dựng phục vụ cho nhu cầu phúc lợi xã hội. Với diện tích đất quy hoạch để xây dựng nhà thấp tầng (nhà liên kế, nhà vườn, nhà biệt thự), sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, bổ sung cho ngân sách.

Căn hộ thuộc quỹ nhà 30% tại dự án chung cư cao tầng độc lập, Sở Tài nguyên môi trường sẽ tổng hợp, đề xuất phương án bán cho các hộ gia đình có khó khăn về nhà ở trước ngày 31/12, sau ngày đó sẽ dùng làm quỹ nhà tái định cư.

Với quỹ nhà 50%, thành phố sẽ mua một số căn hộ chung cư cao tầng bổ sung vào quỹ nhà ở tái định cư hoặc để Sở Tài nguyên Môi trường tổ chức bán cho công chức.

Nhận xét về quy định này, ông Nguyễn Chí Sỹ, Giám đốc Công ty Xây dựng số 2 cho rằng, thực chất không có gì mới. Nếu như trước đây, chủ đầu tư cứ tiến hành dự án rồi nộp 20% quỹ đất, 30% hoặc 50% quỹ nhà cho thành phố, thì nay điểm mới duy nhất là doanh nghiệp sẽ xây dựng nhà trên diện tích bị trích lại theo đơn đặt hàng của thành phố. Doanh nghiệp vẫn không thể bán toàn bộ dự án với giá kinh doanh cho đồng nhất sau đó nộp phần chênh lệch cho ngân sách.

Toàn thành phố hiện đã có 47 dự án bàn giao quỹ nhà, đất dưới hình thức này với tổng số 17.800 căn hộ. Trên thực tế, phần trích lại của các dự án như Định Công, Linh Đàm thường không đến tay các đối tượng chính sách bởi bản thân họ không đủ tiền để mua nhà. Thậm chí, những hộ gia đình có tiêu chuẩn mua nhà đều bán lại, có những căn hiện qua tay đến 3-4 chủ, tạo ra đầu cơ. Tình trạng này được chính các chủ dự án như Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà đô thị thừa nhận. Cũng chính từ đây xuất hiện tình trạng chạy chọt nhà dự án, dẫn đến việc sách nhiễu, cửa quyền của những người phân phối nhà chính sách.

Trước đây TP HCM cũng có quy định chủ dự án phải trích 10% quỹ đất và 20% quỹ nhà cho thành phố. Sau khi doanh nghiệp phản ánh đây là một trong những nguyên nhân khiến giá nhà đất bị đội lên đồng thời khó thực hiện việc phân phối công bằng, TP HCM đã huỷ bỏ.

Đề cập đến vấn đề này, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng VN Phạm Sỹ Liêm cho rằng, các thành phố nên điều tiết phúc lợi xã hội thông qua việc đa dạng hóa quỹ nhà. Đối tượng chính sách có thể dùng tiền trợ cấp để mua nhà theo ý muốn, chứ không phải chạy tiền để mua nhà dự án, rồi lại bán nhà dự án để mua nhà cấp thấp hơn như hiện nay nhằm hưởng tiền chênh lệch.

Một kinh nghiệm ông Liêm rất tâm đắc là Indonesia quy định tỷ lệ nhà có phẩm cấp khác nhau, chẳng hạn nhà trung bình chiếm 30%, nhà sang trọng khoảng 20%, dựa vào tỷ lệ này để lập dự án. Nhà nước không bắt buộc ai bán cho ai, mà thuận mua vừa bán, vì thế không nảy sinh tình trạng chạy chính sách để được chứng nhận là người thu nhập thấp đủ tiêu chuẩn mua nhà.

Phong Lan

Ý kiến của bạn