Lần đầu tiên thành phố thể hiện định hướng phát triển và nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng cách giới thiệu trực tiếp 132 dự án cho nhà đầu tư ở Investment Mart diễn ra ngày 8/11. Gần 250 nhà đầu tư đã tiếp xúc với các chủ dự án.
![]() |
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận và hợp đồng thu xếp vốn giữa chủ dự án và nhà đầu tư nước ngoài tại Investment Mart. |
Nhiều dự án hạ tầng, công nghệ cao, bất động sản và dịch vụ thu hút được doanh nghiệp FDI. Trong đó, nổi bật nhất là các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm. Ngay ngày đầu của Investment Mart, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển không gian ngầm (IUS) - chủ đầu tư dự án BOT "xây dựng, khai thác tầng ngầm công viên Lê Văn Tám, quận 1 làm bãi đậu xe và dịch vụ công cộng", với tổng vốn đầu tư ước tính 650-700 tỷ đồng - đã ký 6 hợp đồng, biên bản thỏa thuận với các đối tác về việc thu xếp vốn đầu tư và vốn vay cho dự án. Tổng số tiền lên đến trên 24 triệu USD.
Ông Waki Ikuharu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Nhật Bản (Jbah) cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TP HCM ngày càng tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, trong thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, giao thông công cộng, nhằm giải quyết nạn kẹt xe trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo ông Waki, để thành công hơn nữa trong việc thu hút vốn FDI, VN cần xóa bỏ hẳn sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kế hoạch tổng thể, hoàn thiện các khung pháp luật.
"VN nói chung và TP HCM nói riêng luôn có một con đường phát triển rất rõ ràng. Nhờ đó, nhà đầu tư có thể đoán được kế hoạch trong tương lai. Tuy vấn đề giao thông của thành phố hiện đang làm nhiều nhà đầu tư e ngại, nhưng chắc nó sẽ được cải thiện trong thời gian tới đây, khi thành phố thu hút được nguồn vốn lớn", Phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại VN (Amcham) Walter Blocker nhận xét.
Theo giám đốc điều hành tái chính Vinacapital Group, Louis Nguyễn, VN đang trong tiến đến giai đoạn cuối của quá trình cổ phần hóa, bán các công ty Nhà nước lớn và tốt nhất. Dự kiến trong năm nay có 850 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, trong đó có các ngành độc quyền như dịch vụ bưu chính viễn thông, tài chính, điện và dầu khí. "Điều này cho thấy môi trường đầu tư VN nói chung và thành phố nói riêng sẽ ngày càng thông thoáng và hấp dẫn hơn", Louis nhấn mạnh.
Ông Lương Văn Lý, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự đô thị hóa nhanh chóng đòi hỏi tăng cường đầu tư cho các công trình hạ tầng cơ sở, nhất là hạ tầng giao thông, kể cả giao thông động và tĩnh. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở thành phố lại hết sức hạn chế nên các dự án khai thác phần ngầm dưới công viên để làm bãi đậu xe là điều bức bách nhất hiện nay. Vì thế, mỗi năm thành phố sẽ hỗ trợ từ ngân sách là 3% trên tổng số tiền vay (tối đa 70% tổng vốn đầu tư của dự án) trong vòng 10 năm. Ngoài ra còn có các chính sách ưu đãi khác theo Luật ưu đãi đầu tư trong nước như: thuế thu nhập doanh nghiệp 0% cho 4 năm đầu có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thuế thu nhập doanh nghiệp cho thu nhập chịu thuế trong 9 năm kế tiếp.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải cam kết, thành phố sẽ luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong việc tháo gỡ khó khăn về cấp phép, đền bù, giải tỏa... thông qua 3 tổ liên ngành vừa mới được hình thành. Các tổ liên ngành đã thiết lập đường dây nóng để nhà đầu tư có thể tiếp xúc với chính quyền thành phố bất kỳ lúc nào.
Nguyễn Thùy
▪ 7 ngân hàng Việt Nam tham gia phát hành thẻ Visa Debit (09/11/2005)
▪ Khai trương văn phòng Tập đoàn RHI Refractories (09/11/2005)
▪ TP.Hồ Chí Minh: Lại phát hiện thêm 11 DN "mất tích" (09/11/2005)
▪ TPHCM: Trình làng 140 dự án kêu gọi đầu tư (09/11/2005)
▪ Cả nước chung tay cùng thuỷ điện Sơn La (09/11/2005)
▪ Tăng thuế xăng dầu (09/11/2005)
▪ Ôtô tăng giá - "đòn gió" của nhà sản xuất (09/11/2005)
▪ Rà soát lại quy chế kinh doanh thép (09/11/2005)
▪ Các mạng di động khó quản lý thuê bao trả trước (09/11/2005)
▪ Tấn công thị trường thu nhập cao (08/11/2005)