Đồng bằng sông Cửu Long gặp hạn hán hạ tầng. Nông dân vùng này đang hy vọng cơn mưa đầu tư kích cầu của Chính phủ sẽ trút xuống
Mới đây, phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết gói kích cầu đầu tư và tiêu thụ của Chính phủ có một phần sẽ dùng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn.
Nông dân vùng này có quyền hy vọng cơn mưa đầu tư này sẽ trút xuống cho vùng đất đang “hạn hán” cơ sở hạ tầng.
Thiếu quá nhiều thứ
![]() |
Máy gặt đập chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu do giá quá cao, nông dân không mua nổi. Trong ảnh: máy tuốt lúa do nông dân tự đầu tư. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Về thuỷ lợi hoá, các hệ thống thuỷ nông cấp 1 do Trung ương đầu tư theo phân cấp chưa biết bao giờ thực hiện xong. Còn các kênh cấp 2, 3 do tỉnh đầu tư bị bồi lấp dần và trạm bơm do tỉnh đầu tư cũng “chết dần”. Nông dân bây giờ vừa đầu tư cho kênh nội đồng vừa đóng góp nạo vét kênh cấp 3, vừa đầu tư mua máy bơm hoặc thuê để tự bơm tưới.
Về điện khí hoá, hiện có đến 97 – 98% nông dân có điện dùng cho sinh hoạt, bơm tưới và làm nghề thủ công. Nhưng giá điện ngày càng tăng, nhiều nơi đã phải hy sinh phần tiêu dùng nhỏ nhoi của họ cho các khu công nghiệp.
Về sinh học hoá, khi các trại giống và trạm bảo vệ thực vật “đóng cửa” theo sau thời kỳ bao cấp, thì việc nhân và phổ biến giống đại trà, theo dõi bệnh của giống được “trao lại” cho nông dân. Mạnh ai nấy tự tìm mua giống về trồng khiến thị trường và giá cả bấp bênh. Đến nay, cũng chưa có một nghiên cứu ứng dụng nào về hiệu quả mang tính kinh tế thị trường của các loại giống lúa đang được canh tác, làm chỉ dẫn cho nông dân.
Về hoá học hoá, sau khi các công ty và trạm vật tư nông nghiệp của Nhà nước được “tư nhân hoá’, nông dân sử dụng phân bón, thuốc sâu, thuốc diệt cỏ... theo “cơ chế” thị trường, trong đó có phân giả, thuốc giả, có đầu cơ, có ép giá.
Về cơ giới hoá, sau khi các trạm cơ khí nông nghiệp đóng cửa, các loại máy cày, máy xới, máy bơm... được phát mãi, nông dân đã phải tự trang bị cho việc sản xuất của họ. Riêng máy sấy, hiện cả vùng chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của vụ hè thu – thu đông do hiệu quả khai thác kém (một năm chỉ dùng trong 2 – 3 tháng); máy gặt đập cũng chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu của mỗi vụ mùa do giá quá cao, nông dân chưa với tới. Việc này chưa thấy Nhà nước có tiếng nói hỗ trợ cho nông dân, cũng như chưa thấy nhà đầu tư nào bỏ vốn kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.
Đến nay cơ giới hoá nông nghiệp chưa hề đề cập đến các silo lúa gạo, vừa tồn trữ, sấy bảo quản, chuẩn bị cho xay xát hiệu quả cao, vừa giúp điều tiết giá cả thị trường.
Nhiều việc cấp bách
Hơn nữa, xuất khẩu gạo hiện nay còn chú trọng về số lượng mà ít đề cập đến giá trị. Xuất khẩu nhiều mà giá trị thấp thì có ích lợi gì cho đất nước và nông dân. Hãy nghĩ đến một chiến lược có hiệu quả hơn cho sản xuất và xuất khẩu lúa gạo; cần có một chương trình mục tiêu lúa gạo cấp quốc gia.
Các ngân hàng, doanh số cho vay tăng, dư nợ tăng, đối tượng khách hàng tăng và đa dạng... Chỉ tiếc một điều là tín dụng cho thương mại còn ít, chưa tương xứng với số lượng nông dân sản xuất ra, khiến nhiều lúc nhiều nơi thị trường lúa gạo bị ách tắc hoặc lũng đoạn về giá cả.
Xoá bao cấp trong nhiều lĩnh vực là đúng, nhưng cần nhanh chóng phục hồi các yếu tố phụ trợ cho sản xuất dưới dạng công hoặc tư, phù hợp với cam kết trong WTO.
Nhìn lại cục diện sản xuất kinh doanh lúa gạo như trên, có lẽ với chủ trương và số lượng tiền lớn mà Chính phủ tung ra hỗ trợ nông nghiệp và nông thôn, kích cầu đầu tư và thương mại lúa gạo sẽ sớm được thực hiện.
Vấn đề đặt ra là đặt vào đâu cho đúng nơi, đúng yêu cầu. Có lẽ trên hết là Chính phủ nhanh chóng đầu tư dứt điểm hệ thống thuỷ lợi cấp 1, hỗ trợ cho nạo vét kênh cấp 2, 3; khuyến khích các doanh nghiệp tư bằng cách cho vay lãi suất thấp và miễn giảm thuế hoặc trực tiếp đầu tư cơ giới cho các vùng trọng điểm lúa gạo, đặc biệt là hệ thống silo và máy gặt đập liên hợp; tăng cường chức năng và lợi ích của các viện, công ty giống; có chủ trương mở rộng tín dụng cho thương mại lúa gạo; “làm sống lại” các “chành vựa” lúa gạo trong nền kinh tế thị trường; và nên chăng, khuyến khích tư nhân (hội Doanh nhân trẻ) trong nước và nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các chợ đầu mối và sàn giao dịch lúa gạo, hình thành các công ty nông-công-thương-tín tại các vùng trọng điểm lúa gạo. Hiệp hội nông dân và hiệp hội lương thực cần nhanh chóng xác định một “tỷ suất” giữa giá lúa gạo và giá phân bón, thuốc sâu... tương đối phù hợp với lợi ích của nhà nông và các doanh nghiệp, khi mua cũng như khi bán và xuất khẩu.
Sơn Nguyễn
▪ Khuyến mãi vẫn... chợ chiều (18/12/2008)
▪ Vàng tăng mạnh lên 1,75 triệu đồng/chỉ (18/12/2008)
▪ Thị trường nhu yếu phẩm: Mức giá “dễ thở” nhất trong năm (18/12/2008)
▪ Hà Nội nâng phí trước bạ ôtô lên 12% (18/12/2008)
▪ Thị trường địa ốc phơi bày nhiều khuyết tật (18/12/2008)
▪ Kịch bản xấu khi giá dầu xuống 30 đôla một thùng (18/12/2008)
▪ Giá dầu xuống thấp nhất bốn năm qua, dưới 40 USD/thùng (18/12/2008)
▪ Ảnh hưởng quyết định của FED với Việt Nam (18/12/2008)
▪ Hà Nội “kiệm chi” Noel vì khó khăn kinh tế (18/12/2008)
▪ Xuất khẩu thang máy Việt Nam sang Trung Đông (17/12/2008)