Không xuất khẩu thêm gạo dù chỉ 1 kg
Các Website khác - 20/10/2005

Trước thông tin tạm ngưng xuất khẩu gạo của năm, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nâng thêm chỉ tiêu với lý do lượng gạo tồn kho vẫn còn. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định, sẽ không xuất thêm gạo dù chỉ 1 kg.

gfjhgkjhl
Công ty Tấn Hưng (Bình Chánh) sản xuất gạo xuất khẩu. Ảnh: SGGP.

- Xin Thứ trưởng cho biết lý do tạm ngừng xuất khẩu gạo?

- Sau khi rà soát lại toàn bộ, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu 4,7 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu đã đạt tới giới hạn an toàn, nếu tiếp tục xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt nguồn dự phòng gối đầu cho năm sau. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu dừng ngay việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo mới để tập trung đàm phán cho các hợp đồng xuất khẩu năm 2006.

- Nhưng hiện nay, gạo đang được giá, xuất khẩu sẽ có lợi hơn?

- Đúng là hiện nay giá gạo lên cao, xuất khẩu sẽ có giá trị lớn hơn. Điều này không có nghĩa là giá gạo sẽ xuống trong thời gian tới. Theo dự báo của chúng tôi, do năm nay thiên tai nhiều, nên năm 2006 giá gạo vẫn có thể tăng nữa.

- Hiện nay, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp còn nhiều họ vẫn còn muốn xuất khẩu?

- Hai Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tổng công ty Lương thực Miền Nam không thể còn đến 900.000 tấn gạo như họ báo cáo được. Những năm trước cũng vậy, thông thường các doanh nghiệp vẫn báo cáo số liệu theo hướng có lợi cho kinh doanh.

- Giả sử, đúng là hai tổng công ty trên còn 900.000 tấn thì có cho xuất khẩu thêm không, thưa Thứ trưởng?

- Đặt giả thiết là còn 900.000 tấn gạo nữa, thì chuyển sang năm 2006 vẫn chưa muộn. Hơn nữa, nếu bây giờ cho xuất khẩu thêm sẽ không bảo đảm an ninh lương thực, đến khi trong nước thiếu sẽ xảy ra khủng hoảng giá thì còn khó khăn hơn nhiều lần. Mặt khác, theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2005, tại miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên thiếu đến 1,1 triệu tấn gạo. Lượng gạo thiếu hụt này phải được cân đối bằng việc chuyển từ ĐBSCL đến. Do đó nếu ở khu vực ĐBSCL còn dư chút ít lúa vừa thu hoạch ở vụ hè thu, lúa vụ 3 thì phải điều chuyển ra miền Bắc chứ không thể gọi là thừa được.

- Nhiều doanh nghiệp vẫn kiến nghị, nếu không cho xuất thêm gạo thường thì cho xuất thêm gạo tám thơm và gạo nếp, Thứ trưởng thấy thế nào?

- Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo tám thơm và gạo nếp chỉ còn khoảng 50.000-70.000 tấn, chỉ đủ cho tiêu dùng trong nước, nên không thể xuất khẩu thêm hai loại gạo này được.

- Theo ước tính trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay sản lượng vẫn vượt năm 2004 khoảng 100.000 tấn lúa?

- Đúng là trước đó chúng tôi đã tính, sau đợt áp thấp nhiệt đới gây lụt lớn ở miền Trung và ảnh hưởng của bão số 7, sản lượng có thể hụt mất 500.000 tấn lúa. Tuy nhiên, tính chung sản lượng năm 2005 vẫn có thể vượt năm 2004 khoảng 100.000 tấn lúa. Thế nhưng đến nay, thiệt hại cao hơn dự tính ban đầu, nên tổng sản lượng năm 2005 cũng chỉ xấp xỉ bằng năm 2004. Ở các tỉnh bị bão, lũ, một số nơi lúa không bị đổ, nhưng cũng bị ảnh hưởng do rơi đúng vào kỳ lúa đang phơi màu, thụ phấn. Mưa gió làm rụng hết phấn, khiến lúa đang thu hoạch hiện nay rất lép, chỉ còn khoảng 40% năng suất.

- Các địa phương bị ảnh hưởng của bão lũ đã có thể trồng cây vụ đông để bù đắp cho những sản lượng thiếu hụt?

- Ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ bị ảnh hưởng của bão lũ nên việc triển khai trồng cây ngô, khoai vụ đông cũng chỉ còn bằng 70-80% so với kế hoạch. Trong khi đó ở miền Nam, vẫn đang có lũ nên chưa thể cấy lúa ngắn ngày được.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)