Mạnh tay xử lý những 'ông chủ giấu mặt'
Các Website khác - 24/09/2005

Tổng cục Thuế vừa hướng dẫn các địa phương cách nhận dạng và phân loại doanh nghiệp có dấu hiệu mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế Phạm Duy Khương, đây là một trong những biện pháp quyết liệt nhằm đấu tranh chống lại tình trạng doanh nghiệp “ma”.

ghkjhjljk;
Xuất hiện ngày càng nhiều những ông chủ giấu mặt.
- Xin ông cho biết, những dấu hiệu nào để nhận biết một doanh nghiệp “ma”?

- Đó là doanh nghiệp thành lập dưới dạng công ty TNHH hoặc công ty tư nhân. Trong đó, chủ doanh nghiệp thường là người có hộ khẩu thường trú ở địa phương khác (các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì người ở quận khác đến thành lập doanh nghiệp).

Các cơ sở này thường xuyên chuyển địa điểm không theo quy luật nào. Văn phòng giao dịch thường là thuê nhà dân, thời gian thuê ngắn (dưới 6 tháng), trụ sở thuê thường không thuận tiện cho kinh doanh như trong chung cư, ngõ hẻm.

Doanh số kinh doanh của các cơ sở này kê khai trong tờ khai thuế hằng tháng rất lớn, nhưng số thuế phải nộp rất ít hoặc thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu ra nhỏ hơn thuế VAT đầu vào, thuế VAT liên tục “âm” nhưng không xin hoàn thuế... Dấu hiệu này được Tổng cục Thuế đúc kết từ kinh nghiệm quản lý và thực tiễn tại các thành phố lớn đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn trái phép.

- Theo quy định khi doanh nghiệp được thành lập thì ngành thuế phải bán hóa đơn, liệu những “dấu hiệu” này có khiến cán bộ thuế “hành” doanh nghiệp hay không?

- Đây chỉ là những dấu hiệu mà Tổng cục Thuế đưa ra để cục thuế các địa phương nhận biết và có biện pháp quản lý chứ không phải ngành thuế gây khó khăn phiền hà gì. Theo quy định, khi doanh nghiệp thành lập, thực hiện đăng ký nộp thuế và mua hóa đơn thì cơ quan thuế có trách nhiệm phục vụ.

Hướng dẫn trên sẽ giúp các địa phương ngăn chặn kịp thời những doanh nghiệp lợi dụng chính sách để “buôn bán hóa đơn”, ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khác cũng như thống nhất trong việc phối hợp và phát hiện ngăn ngừa, xử lý các doanh nghiệp thành lập với mục đích mua hóa đơn và lợi dụng chính sách hoàn thuế, khấu trừ thuế VAT... sau đó bỏ trốn.

- Khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm, ngành thuế sẽ làm thế nào để ngăn chặn?

- Khi phát hiện một trong những dấu hiệu trên, cục thuế khi kiểm tra đủ hồ sơ theo quy định thì vẫn bán hóa đơn. Đồng thời có các biện pháp giám sát chặt chẽ ngay từ sau khi bán hóa đơn như tổ chức kiểm tra ngay địa điểm văn phòng giao dịch, tìm hiểu liên hệ với người cho thuê văn phòng để nắm các thông tin cần thiết. Đối với doanh nghiệp mới thành lập, mua hóa đơn lần 2 trong thời gian ngắn (5 hoặc 10 ngày/lần) chưa đến kỳ kê khai thuế, thì trước khi bán hóa đơn. Cơ quan thuế phải kiểm tra đột xuất tình hình sử dụng mua hóa đơn lần đầu để xem doanh nghiệp có thực hiện đúng quy định hay không; thông báo cho cơ quan công an, UBND xã, phường biết để phối hợp giám sát và có công văn đề nghị công an địa phương xác minh nhân thân chủ doanh nghiệp.

- Thưa ông, làm thế nào để tránh hiện tượng cán bộ thông đồng với doanh nghiệp trong việc mua bán hóa đơn trái phép?

- Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp phải chỉ đạo bộ phận bán hóa đơn, ấn chỉ phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý doanh nghiệp, bộ phận cấp mã số thuế, thanh tra để giám sát việc bán hóa đơn phù hợp với thực tế kinh doanh.

Nếu phát hiện ra sai phạm thì phải xác định rõ trách nhiệm của cán bộ thuế có liên quan để xử lý.

- Quy chế về phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan công an trong việc đấu tranh, ngăn ngừa doanh nghiệp “ma” đã có cách đây 2 năm, nhưng dường như vẫn chưa có hiệu quả cao. Làm sao để tăng hiệu quả của sự phối hợp này?

- Quy chế phối hợp hiện đang được cơ quan thuế và công an thực hiện khá tốt nhưng còn có hạn chế là, số doanh nghiệp vi phạm tương đối nhiều mà lại liên quan đến nhiều doanh nghiệp khác trên phạm vi cả nước.

Để tăng cường sự phối hợp giữa hai ngành, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu các cơ quan thuế khi nhận được phiếu yêu cầu xác minh hóa đơn để phục vụ công tác điều tra từ cơ quan công an gửi đến thì khi gửi các cơ quan thuế cấp trên (cục thuế, Tổng cục thuế) phải đóng thêm dấu “khẩn” ở phía bên phải phiếu xác minh.

Đây là dấu hiệu nhận biết loại phiếu ưu tiên cần tập trung xác minh trong thời gian ngắn nhất. Hai ngành cũng đã thống nhất xác định 1 hoặc 2 vụ trọng điểm có tổ chức, quy mô lớn để tiến hành xác minh, điều tra, khởi tố và đưa ra xét xử điển hình ngay trong quý 4 tới để răn đe, ngăn chặn loại tội phạm này.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)