Nạn "cò" tín dụng xưa nay luôn là nỗi ám ảnh, vì vậy, các nhà băng cho rằng nếu cần thiết phải mời chào khách hàng, nên giao cho các đơn vị trực thuộc ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, quy định mới của Bộ Tài chính chỉ cho phép hạch toán khoản chi hoa hồng môi giới cho các cá nhân tổ chức bên ngoài ngân hàng.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Kỹ thương VN (Techcombank) Nguyễn Thị Thiên Hương cho biết, trên thế giới, nghề môi giới tín dụng đã tồn tại từ lâu và rất minh bạch. Tuy nhiên, theo bà, tại VN, vẫn còn nhiều điều không rõ ràng liên quan tới hoạt động này vì vậy nhiều cá nhân đã lạm dụng để lừa gạt cả khách hàng lẫn nhà băng. Những người môi giới tín dụng ở VN chưa hẳn đã am hiểu tường tận về lĩnh vực tài chính. Một số chỉ nghĩ đến quyền lợi là làm sao kiếm được hợp đồng để ăn huê hồng, nên rủi ro mang lại từ việc môi giới rất lớn.
"Trong khi đó, nhiều khách hàng do không có thời gian đã giao trọn gói hợp đồng cho môi giới, với mức phí dịch vụ "cắt cổ" nhưng lại nghĩ mình đã tìm đúng địa chỉ. Chính điều này đã gây nên mâu thuẫn giữa khách hàng và ngân hàng. Khách hàng cho rằng, lãi suất vay ở ngân hàng cũng không thua kém "chợ đen" thì tội gì phải đến nhà băng cho phức tạp. Nhưng thực tế người môi giới đã tự nâng lãi suất lên cao để ăn chặn tiền của khách hàng", bà Hương giải thích.
![]() |
Tiểu thương là đối tượng thường hay mắc bẫy những tay môi giới lừa đảo, vì họ vẫn e ngại đến với ngân hàng. Ảnh: T.V. |
Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á Dương Thị Huệ cũng cho hay chi phí cho dịch vụ môi giới tín dụng chỉ do khách hàng và người môi giới thương thảo với nhau. Nếu Bộ Tài chính công nhận hoa hồng môi giới như một khoản chi chính thức của ngân hàng thì coi như đã tăng thêm một khoản phí. Trong khi đó, chưa hẳn những bộ hồ sơ vay vốn, giải ngân do môi giới mang lại đã hoàn toàn đúng mà ngân hàng luôn phải thẩm định lại để xác minh tính đảm bảo.
Theo bà Thiên Hương, hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng phải chỉnh theo lãi suất huy động và đã tăng cao, nếu cộng thêm huê hồng môi giới e rằng rất khó khăn. Vì thế, cách tốt nhất là ngân hàng nên tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng bằng nhiều kênh khác nhau. Nhưng quan trọng hơn cả là ngân hàng phải tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng để giữ uy tín với khách hàng. Như thế, tên tuổi, uy tín của ngân hàng mới được người tiêu dùng truyền tai và tự tìm đến mà không cần thông qua người môi giới.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Bùi Tấn Tài cho rằng nếu cần thiết phải mời chào khách hàng, ngân hàng nên tự làm sẽ hiệu quả hơn. Ngân hàng sẽ tự thành lập công ty chuyên tư vấn, hướng cách làm hồ sơ cho khách hàng nhưng không tính phí. Đây là những đơn vị có thẩm định của các cơ quan ban ngành Nhà nước nên mang tính an toàn hơn. "Nếu cho phép các đơn vị, cá nhân ngoài ngân hàng thực hiện môi giới rủi ro sẽ tăng cao. Vì họ chưa hẳn đã hoàn toàn am hiểu về lĩnh vực tài chính. Trong khi, môi giới là con dao 2 lưỡi, nếu không cẩn trọng cả khách hàng và ngân hàng sẽ bị người môi giới ăn chặn huê hồng", ông nói.
Theo ông, lâu nay môi giới tín dụng vẫn tồn tại trên thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khuyến cáo các ngân hàng thương mại và khách hàng phải luôn cảnh giác với tình trạng này. Nếu Bô Tài chính cho phép cá nhân, tổ chức ngoài ngân hàng được phép môi giới thì vô hình dung sẽ tạo điều kiện cho "cò" tín dụng hoạt động một cách công khai và rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ông Tài thừa nhận, nếu quản chặt thì môi giới sẽ đem lại nhiều khách cho ngân hàng.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM Trần Ngọc Minh cho biết, trước đây Ngân hàng Trung ương đã đồng ý cho thực hiện môi giới. Tuy nhiên, chỉ có ngân hàng mới được phép môi giới. Còn theo thông tư Bộ Tài chính thì tất cả các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có làm môi giới, dịch vụ cho tổ chức tín dụng đều được phép hưởng tiền chi huê hồng. Nhưng việc chi hoa hồng môi giới lại không áp dụng cho các đại lý của tổ chức tín dụng, khách hàng được chỉ định, chức danh quản lý và nhân viên của tổ chức tín dụng. Điều này sẽ đi ngược với những gì má các ngân hàng cổ phần đã làm từ trước đến nay. "Nếu cho phép những người ngoài ngân hàng được môi giới nhưng không đưa ra một khung pháp lý và quy chế ràng buộc phù hợp chắc chắn sẽ khó hạn chế rủi ro", ông Minh khẳng định.
Cũng theo ông Minh, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các ngân hàng cổ phần phải luôn cảnh giác với nạn "cò" tín dụng bằng cách công khai phổ biến thủ tục cho vay. Nếu có thắc mắc khách hàng cần đến gặp trực tiếp ngân hàng để giải quyết. Các ngân hàng phải thường xuyên kiểm tra xử lý kịp thời những cán bộ tín dụng có dấu hiệu móc nối với "cò" làm điều xấu, đồng thời luôn chuyển cán bộ phụ trách địa bàn, nhằm hạn chế việc làm dụng chức quyền.
Nguyễn Thùy
▪ Người tiêu dùng yêu cầu xử lý dịch vụ chất lượng kém (14/03/2006)
▪ Nhập khẩu trái phép ắcquy chì: Sẽ xử lý dứt điểm trước ngày 19.3? (14/03/2006)
▪ Giá điện phải minh bạch (14/03/2006)
▪ Xuất khẩu chè tăng khá (14/03/2006)
▪ Đề nghị áp thuế xuất khẩu 0% với da cá sấu, trăn nuôi (14/03/2006)
▪ Nghịch lý lao động dệt may, da giày (14/03/2006)
▪ Cắt giảm nhiều dòng thuế (13/03/2006)
▪ Năm 2006: Tiếp tục giảm cước viễn thông (13/03/2006)
▪ Hiệp hội Lương thực VN: Xin vay vốn bằng thế chấp hàng hoá để mua lúa số lượng lớn (13/03/2006)
▪ Giá thu mua điều vụ 2006: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược! (13/03/2006)