Sức hút vốn ngoại đang nóng trở lại
Các Website khác - 13/03/2006
TP.Hồ Chí Minh dồn dập đón các đoàn thương nhân nước ngoài:
Sức hút vốn ngoại đang nóng trở lại
Thẩm Hồng Thụy


Không chỉ có hàng chục đoàn DN đến từ Nhật Bản (NB), Hàn Quốc (HQ), Singapore; nhiều tập đoàn, Cty đơn lẻ cũng không muốn chậm chân. Đặc biệt, 21 tập đoàn kinh tế hàng đầu Hoa Kỳ không phải ngẫu nhiên chọn TPHCM làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến khảo sát 4 ngày tại VN. Thời kỳ thu hút đầu tư nước ngoài tại TPHCM đang "nóng"trở lại.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đến
TP.Hồ Chí Minh tìm kiếm cơ hội
hợp tác đầu tư.

Doanh nhân Châu Á gia tăng khảo sát

Bước chân của các nhà đầu tư NB vào TPHCM đã tăng tốc đáng kể. Điều này đã khẳng định qua cam kết ngay từ đầu năm của ông Shigenobu Nagamori - Chủ tịch tập đoàn Nidec - khi gặp gỡ lãnh đạo TP: Tăng vốn dự án đầu tư vào Khu CNC từ 500 triệu USD lên 1 tỉ USD.

Chưa hết, trong chưa đầy 1 tháng gần đây, liên tiếp 3 đoàn DN NB đã đến thành phố. Đoàn vùng Kansai gồm đại diện 27 DN lớn và uy tín do ông Wada Sadao - nguyên Thứ trưởng Bộ Kinh tế công nghiệp Nhật Bản - dẫn đầu.

Song hành còn có đoàn 17 DN NB khác đến thành phố từ 20-22.2, gặp gỡ các DN VN thuộc các lĩnh vực sản xuất vật dụng cơ khí, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, thủ công mỹ nghệ...

Mới nhất là ngày 2.3, Chủ tịch tập đoàn ôtô hàng đầu thế giới Toyota cũng ghé lại thành phố. Trong tháng 1 và đầu tháng 3, TP cũng đã đón hai đoàn DN Malaysia, họ muốn kết nối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp nhựa, cơ khí, xi mạ điện cho kim loại...

Trong khi đó, tập đoàn Doosan của HQ lại muốn đầu tư sản xuất thực phẩm và rượu bia. Theo đánh giá từ Bộ KHĐT, những quốc gia như Mỹ, NB, HQ và vùng lãnh thổ Đài Loan đang là những đối tác đầu tư nhiều nhất vào VN.

Mở rộng lĩnh vực hợp tác, đầu tư
Ông Lacasa - GĐ phụ trách quan hệ quốc tế thuộc Liên đoàn các DN Tây Ban Nha - cho rằng "đã đến lúc tăng cường đầu tư vào VN, trong đó dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm đặc biệt hấp dẫn".

Trên thực tế, dự án tuyến tàu điện ngầm còn thu hút các tập đoàn, Cty Mỹ và Trung Quốc. Xu hướng thu hút đầu tư vào TP, theo các chuyên gia, sẽ có sự chuyển dịch thay đổi cơ cấu rõ nét trong những năm tới. Giá trị và dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn cao nhưng sẽ không còn chiếm tỉ lệ quá lớn như những năm đầu thu hút ĐTNN, thay vào đó là lĩnh vực công nghệ cao.

Những dự án xây dựng khu đô thị mới, lĩnh vực bất động sản và dịch vụ sẽ thu hút thêm nhiều vốn. Đơn cử, ngày 8.3, đoàn 50 DN thuộc Phòng TM & CN Singapore lần đầu tiên đến TP, đã chú trọng tìm hiểu về các chính sách đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, xây dựng, bất chấp thị trường nhà đất VN đang trầm lắng. N

hững DN Châu Âu và Bắc Mỹ đến TP đã bổ sung thêm một số ngành đầu tư, như chế biến gỗ. Ông Fredrik Sverre - GĐ Cty Entech Consultants thuộc tập đoàn Canfor (Canada) cho biết, tập đoàn này sẵn sàng cung cấp gỗ nguyên liệu cho các đối tác VN để chế biến và sau đó mua lại sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ngoài ra, lĩnh vực ngân hàng cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Mới đây, một số ngân hàng của Nga đang chuẩn bị các thủ tục xin đặt văn phòng đại diện tại TPHCM. Còn trong tháng 1.2006, lãnh đạo UBND TPHCM đã tiếp đại diện ngân hàng FVA - ngân hàng do người VN định cư tại Mỹ mở vào tháng 5.2005 và trong 4 mục tiêu hoạt động của FVA thì có 2 mục tiêu hướng về VN.

Trong các cuộc tiếp xúc của 21 tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ tại TPHCM từ 8 - 9.3 vừa qua, FedEx muốn đầu tư kinh doanh từ bến bãi, hậu cần vận chuyển, phân phối, trong khi tập đoàn UPS đề xuất một dự án chuyển phát nhanh nhằm hỗ trợ các DN và hải quan VN hiện đại hoá quy trình XNK hàng hoá. Tập đoàn Cargill đang làm ăn thành công tại VN, muốn được mở rộng đầu tư trong lĩnh vực phân phối, thương mại. Lĩnh vực dầu khí, tập đoàn J.Ray McDermott muốn đầu tư xây dựng giàn khoan và cơ sở lọc dầu, chế biến các sản phẩm dầu mỏ ngay tại VN. Trong lĩnh vực truyền thông, Time Warner hứa hẹn sẽ hợp tác với phía VN trong lĩnh vực sản xuất phim.