Nhập nhèm tính cước điện thoại
Các Website khác - 25/11/2005

Gọi ít nhưng bị tính tiền nhiều, một máy cùng lúc gọi cho nhiều máy, thời gian cuộc gọi và thời gian tính cước không khớp nhau… là những vấn đề hết sức vô lý vẫn đang tiếp tục diễn ra với nhiều thuê bao điện thoại di động ở TP HCM.

fhgjhkjkl
Khách hàng khó kiểm soát cước điện thoại di động.

Cô Hoàng Thị Cẩm Tiên ở quận 5, TP HCM là chủ nhân của 2 số điện thoại 0988537005 và 08.8351004 cho biết, là giáo viên nên cô sử dụng điện thoại rất tiết kiệm, chủ yếu là để liên lạc với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh và liên lạc về nhà nhắc nhở con cái học hành khi cô ở trường.

Chính vì thế, tiền cước điện thoại mỗi tháng của cô Cẩm Tiên thường chưa đến 100.000 đồng. "Tôi rất bất ngờ khi cước trong tháng 8 lên tới 318.979 đồng. Theo bảng cước chi tiết, cuộc điện đàm ngày 18/7 từ số điện thoại 0988537005 gọi về 08.8351004 dài đến 1.954 giây (tương đương 32 phút 34 giây), bắt đầu từ 6h50’14’’ và kết thúc lúc 7h22’48’’, cô bức xúc.

Tuy nhiên, điều khiến cô giáo Tiên ngạc nhiên là trong khi cuộc điện đàm này chưa kết thúc thì trong giấy báo cước lại ghi một cuộc điện đàm khác cũng từ máy 0988537005 gọi đi số máy 08.8465376 với thời lượng 12 giây, bắt đầu vào lúc 6h50’28” (theo bảng cước chi tiết của Viettel).

Cũng trong tháng 8, cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TP HCM nhận được giấy báo cước của Công ty Điện thoại Tây thành phố (Bưu điện TP HCM), trong đó có cuộc điện đàm từ số máy cố định 08.8633961 đến máy cầm tay 0903803474 ngày 27/8, bắt đầu lúc 17h17’52”, dài 5.946 giây, tương đương 99 phút 1 giây. “Thực tế chưa bao giờ tôi gọi điện dài như thế”, người sử dụng hai số điện thoại trên khẳng định.

Bà Hồ Thiên Nga, Phòng Tiếp thị bán hàng (Công ty Điện thoại Tây thành phố) giải thích, sở dĩ có cuộc điện đàm kéo dài nêu trên có thể do đầu gọi (điện thoại bàn) để kênh máy, trong khi đầu nghe không tắt máy, nên giữa hai máy vẫn kết nối mặc dù không duy trì cuộc điện đàm.

Tuy nhiên, máy di động của người sở hữu số máy 0903803474 là loại Sumsung E700, có nắp gập. Theo ông Vi Quốc Hoàng, Chuyên viên kỹ thuật của hãng Samsung Vina, đối với dòng máy điện thoại di động E700 khi đã gập nắp lại thì đương nhiên cuộc điện đàm bị chấm dứt. Lẽ thường, chẳng ai lại để nguyên máy điện thoại trong trạng thái “hở hang” rồi nhét vào túi.

Bà Nga lại cho rằng: Có thể máy được cài chương trình cho phép máy hoạt động trong trạng thái gập máy. Về vấn đề này, ông Hoàng khẳng định: “Không có chuyện cài đặt chương trình để có thể đàm thoại được trong tình trạng đã gập máy lại”.

Trong bảng cước giữa các nhà cung cấp cũng có những điểm mâu thuẫn không trùng khớp về thời gian các cuộc điện đàm Chẳng hạn, trong cuộc điện đàm nói trên giữa hai số điện thoại thuê bao của báo Tiền Phong, bảng cước chi tiết của mạng di động MobiFone ghi rõ thời gian kết nối là 5.945 giây và bắt đầu lúc 17 giờ 17’55”. Tuy nhiên, trong Giấy báo cước của Công ty Điện thoại Tây thành phố lại ghi thời gian kết nối 5.946 giây và bắt đầu lúc 17h17’52”.

Cuộc gọi của cô giáo Tiên cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trung tâm Điều hành viễn thông (Bưu điện TP HCM) xác định, cuộc điện thoại được thực hiện lúc 6 giờ 50’10”, song Bảng cước chi tiết của Viettel lại ghi cuộc gọi được thực hiện lúc 6 giờ 50’14”.

Việc vênh nhau này chứng tỏ có sự không bình thường về kỹ thuật và khiến cho khách hàng không khỏi hoài nghi về sự chính xác của hệ thống thiết bị viễn thông vốn đòi hỏi tính chính xác cao. Khi khách hàng phản ánh, nhà cung cấp thường trả lời vòng vo hoặc theo một cách rất chung chung, thậm chí qua loa đại khái như: đã cho kiểm tra, đối soát lại và kết quả… đúng như giấy báo thanh toán cước.

(Theo Tiền Phong)