Trong điều kiện nguồn thu ngân sách và khả năng huy động vốn trong và ngoài nước có hạn, hàng loạt dự án lớn, có vai trò quan trọng đối với an sinh xã hội có nguy cơ bị “treo” vì thiếu vốn đầu tư.
![]() |
Cảng Sài Gòn chưa di dời được vì thiếu vốn. Ảnh: Tiền Phong |
Theo ước tính của các chuyên gia, với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật trong giai đoạn 2005-2010, TP HCM cần ít nhất 525,8 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM, hàng loạt dự án phát triển hạ tầng của thành phố cần triển khai ngay nhưng chưa tìm được nguồn vốn đầu tư.
Đó là 10 dự án hoàn thiện mạng lưới giao thông có tổng vốn đầu tư lên đến 13.961 tỷ đồng, bao gồm: Dự án xây dựng cầu cạn nối từ cầu Phú Mỹ đến đường Nguyễn Văn Linh, dự án đường vành đai phía Đông, đường vành đai phía Tây, đường vành đai 2, cầu Bình Khánh, cầu Bình Triệu giai đoạn 2, đường cầu cạn trên cao dọc kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè.
Kêu gọi đầu tư từ hơn 5 năm qua nhưng đến nay, tất cả các dự án trên vẫn còn nằm trên giấy vì các nhà đầu tư trong nước không có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện còn các nhà đầu tư nước ngoài thì e ngại vì kinh phí đầu tư quá lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Quy hoạch hệ thống cảng biển khu vực phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ nhiều tháng nay, trong đó yêu cầu một số cụm cảng đang đóng trên địa bàn TP HCM như Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Cảng, Tân Thuận, Rau Quả, Lotus,… từ 2005 đến 2010 phải di dời một phần hoặc toàn bộ ra các địa điểm mới (trong đó Tân Cảng phải di dời ngay trong năm 2005) nhưng đến nay mọi thứ gần như vẫn “án binh bất động”. Trong khi đó, nếu hoàn tất, những dự án này sẽ giải quyết thỏa đáng bài toán phòng chống ùn tắc và tai nạn giao thông.
3 dự án khác có vai trò quan trọng không kém đối với sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là Khu Công nghệ cao (8.540 tỷ đồng), 11 khu công nghiệp (gần 5.000 tỷ đồng) và xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm (hơn 32.000 tỷ đồng) cũng đang trong tình trạng đói vốn và chậm tiến độ nhiều tháng so với dự kiến ban đầu.
Cả 3 dự án này hiện nay vẫn chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng vì vướng đền bù, giải tỏa. Theo tính toán của Viện Kinh tế, chỉ riêng năm 2005, TP HCM cần 53.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó từ nguồn vốn nước ngoài (ODA, FDI) là 12.000 tỷ đồng; từ các thành phần trong nước (chủ yếu là các tổ chức tài chính - tín dụng) là 41.000 tỷ đồng.
Phần ngân sách dành chi đầu tư phát triển của TP HCM chỉ ở mức 11.500 tỷ đồng. Để bù đắp phần thiếu hụt, TP HCM chỉ còn cách huy động vốn tín dụng trong và ngoài nước cũng như triển khai một số chương trình “tạo vốn” như thu hồi, đấu giá một số khu đất, bán mặt bằng, nhà xưởng thuộc sở hữu Nhà nước.
Dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2005 thuộc dạng kỷ lục trong 5 năm qua (2001-2005) với 12,5% nhưng mục tiêu huy động vốn tín dụng trong 9 tháng đầu năm lại không đạt so với mục tiêu đã đề ra, tác động rất lớn đến tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng. Huy động vốn đầu tư nước ngoài khó khăn không kém. Khả năng huy động vốn vay nước ngoài đầu tư cho hạ tầng giai đoạn 2006-2007 trước mắt chỉ đạt khoảng 200 triệu USD, thấp hơn nhiều so với nhu cầu.
Biện pháp tạo vốn cuối cùng thông qua đấu giá đất và bán mặt bằng nhà xưởng tại TP HCM hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ ách tắc ở khâu thu hồi, giải phóng mặt bằng, việc đấu giá các lô đất và bán mặt bằng nhà xưởng hiện nay tại TP HCM chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư vì giá bán (thông qua định giá) vẫn còn quá cao.
(Theo Tiền Phong)
▪ Nhiều doanh nghiệp kêu cứu (20/10/2005)
▪ Người dân được tự do chuyển ngoại tệ (20/10/2005)
▪ Hàng ngoại át hàng nội (20/10/2005)
▪ Đèn đỏ nhấp nháy (19/10/2005)
▪ Tiêu thụ nội địa của cà phê Việt Nam còn quá ít (19/10/2005)
▪ MobiFone lại nghẽn mạch (19/10/2005)
▪ Chưa ép mua điện theo giờ sinh hoạt (19/10/2005)
▪ Vàng giảm giá mạnh (20/10/2005)
▪ Không xuất khẩu thêm gạo dù chỉ 1 kg (20/10/2005)
▪ Toạ đàm trực tuyến: Làm ấm thị trường bất động sản (20/10/2005)