Nhiều mặt hàng doạ tăng giá theo điện
Các Website khác - 21/03/2006

Khi phương án tăng giá điện vẫn chưa ngã ngũ và đang nằm trong diện tổ chức lấy ý kiến người tiêu dùng, thì nhiều mặt hàng dịch vụ đã rục rịch đòi leo giá. Bắt đầu từ dịch vụ rửa xe, gội đầu, hấp tóc cho đến các loại hàng hóa tạp phẩm bày bán ngoài thị trường.

10h trưa, chị Phương, nhân viên một công ty chuyên về công nghệ thông tin ở Hà Nội dắt chiếc Attila ra khỏi bãi rửa xe, giống như mọi lần, chị mở ví rút tờ 5.000 đồng tiền phí. Xe chuẩn bị nổ máy thì chị bị nhân viên gọi giật lại vì phí rửa xe đã được niêm yết giá mới từ tuần trước với 7.000 đồng.

Khi chị Phương thắc mắc thì được nhân viên ở đây trả lời do điện chuẩn bị tăng giá. Anh Hải - nhân viên rửa xe giải thích, không chỉ nước, dầu rửa mà ngay cả phí thuê sân bãi cũng bắt đầu đội lên, do vậy, các cửa hàng rửa xe không còn cách nào khác là tăng giá. Chị Phương đành mở ví rút thêm tờ 2.000 đồng.

Chị cho biết, cách đây 2 ngày, mấy tiệm gội đầu gần nhà cũng thông báo sẽ niêm yết giá mới cho một số dịch vụ chăm sóc sắc đẹp như hấp, là và ép tóc nếu điện tăng giá. "Sau xăng dầu, đến lượt điện. Khi việc tăng hay không vẫn còn đang bàn cãi thì ngoài thị trường nhiều mặt hàng dịch vụ đã có cớ té nước theo mưa", chị Phương nói.

Từ ngày Bộ Công nghiệp công bố dự thảo điều chỉnh giá điện, khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội bỗng chốc sôi động hẳn lên. Đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán về những thông tin liên quan đến giá điện. Bên quán nước, sạp bán báo thậm chí ngay trên bàn cờ đều thấy các cụ hưu trí xăm soi tờ báo rồi bàn tán sôi nổi.

Cụ Hạnh, 65 tuổi cho biết, sáng nay, khi đi ăn phở, cụ được chủ quán thông báo sẽ niêm yết giá bán mới thêm 500-1.000 đồng nếu điện tăng giá. Cụ nhẩm tính với đà này, không chỉ những mặt hàng liên quan trực tiếp đến điện, mà những vật dụng thiết yếu hàng ngày cũng có lý do để tăng giá. "Giá biến động vùn vụt theo từng ngày, đồng lương hưu còi biết san sẻ thế nào cho đủ", cụ chép miệng.

Theo bà Nhật ở Tây Sơn, nếu chỉ có điện tăng giá thôi thì người dân cũng đành thắt lưng buộc bụng chấp nhận nhưng đằng này nó kéo theo một loạt các mặt hàng tăng giá. Điều này, bà Nhật cảm nhận rất rõ trong mỗi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Điện tăng giá cũng đồng nghĩa với việc chi phí trong mỗi gia đình từ bánh xà phòng, thuốc đánh răng, dầu gội đầu đến tất cả các mặt hàng thiết yếu khác rồi cũng bị đội lên.

"Giá bán lẻ xăng dầu tăng để san sẻ bù lỗ cho Nhà nước, điện tăng giá cũng có lý do riêng, mỗi quyền lợi của người tiêu dùng là chưa thấy tổ chức hay đơn vị nào đứng ra bảo vệ. Chẳng lẽ để người dân cứ tiếp tục chịu thiệt thòi mãi sao", bà Nhật bức xúc nói.

Trao đổi với VnExpress, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Đỗ Gia Phan, thừa nhận, điện tăng giá không tránh khỏi nhiều mặt hàng khác sẽ bị "té nước theo mưa", thậm chí tác động của nó còn lớn hơn cả những lần tăng giá bán lẻ xăng dầu.

Ông Phan cho rằng, Bộ Công nghiệp đã rất khôn khéo trong việc đưa ra 4 phương án để lấy ý kiến người tiêu dùng, bởi chúng đều là phương án tăng giá. Như vậy, vô hình trung, Bộ đã ngầm ý là dù có góp ý thế nào cũng sẽ tăng giá, chỉ có điều mức tăng thế nào mà thôi. "Không phải ai cũng có thể truy cập mạng để đóng góp ý kiến theo cách lấy ý kiến qua mạng Internet của Bộ. Tỷ lệ những người có thể góp ý được theo phương pháp này là rất ít", ông nói.

Theo ông, lý do tăng giá mà Bộ Công nghiệp đưa ra chưa đủ sức thuyết phục. "Không ai lại dựa vào túi tiền của người tiêu dùng để mở rộng sản xuất kinh doanh như vậy. Nếu muốn mở rộng thì hãy đi vay, người tiêu dùng sẵn sàng cho vay bằng cách mua trái phiếu mà ngành điện phát hành ra. Ngoài ra, ngành điện cũng có thể vay được của các tổ chức quốc tế, hay ngân hàng...", ông Phan nhấn mạnh. Theo ông, hiện nay đã có một số người cho rằng ngành điện thu nhập lớn như thế chỉ cần tiết kiệm một tý là đủ sức đầu tư cho các nguồn năng lượng mới.

Nếu so sánh về sức mua của người tiêu dùng hiện nay thì giá điện là quá đắt, nếu tăng lên nữa thì người tiêu dùng rất khó có thể chịu đựng được. Do vậy, ông Phan cho rằng nên có phương án thứ 5, tức là hoãn tăng giá điện lại.

"Người tiêu dùng cũng là những người có thiện chí với vấn đề năng lượng, họ cũng muốn sử dụng năng lượng sao cho có hiệu quả để giảm bớt gánh nặng cho ngành điện. Nhưng ngược lại, ngành điện cũng phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng và tính toán làm sao đảm bảo quyền lợi của các bên", ông nói thêm.

Ông Phan cho biết, kể từ khi Bộ Công nghiệp đưa ra 4 phương án tăng giá điện, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đã nhiều lần phát biểu ý kiến phản đối và sắp tới đây sẽ gửi văn bản chính thức lên các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Hồng Anh - Hà Vy