Tìm điểm chung giữa ngành điện và người tiêu dùng
Các Website khác - 21/03/2006
Góp ý cho phương án tăng giá điện:
Cần một lối ra thực tế, khách quan

Tại hội thảo: "Đẩy mạnh công tác bảo vệ người tiêu dùng ở VN" do Cục Quản lý cạnh tranh và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) tổ chức ngày 20.3 tại Hà Nội, một lần nữa vấn đề giá điện lại trở nên nóng. Theo ý kiến các chuyên gia, trong những trường hợp lấy ý kiến như thế này ở nhiều nước trên thế giới, vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng.

Tìm điểm chung giữa ngành điện và người tiêu dùng
Anh Thư


Mục đích của đợt lấy ý kiến này là tìm ra điểm gặp nhau giữa ngành điện và người tiêu dùng về một giá điện hợp lý, vừa bảo đảm hoạt động SXKD bình thường của ngành điện, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng (cả SXKD) và sinh hoạt.

Sửa chữa và bảo dưỡng lại đường điện
đô thị.
Kinh nghiệm của những nước phát triển
Các DN độc quyền kinh doanh (như TCty Điện lực VN - EVN) đều do Nhà nước điều tiết, trong đó quan trọng nhất là định giá sản phẩm, nhằm mục tiêu hài hoà lợi ích của DN và cộng đồng.

Việc định giá được thực hiện bởi một cơ quan quốc gia trực thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực về mặt hành chính, nhưng độc lập về thực hiện nhiệm vụ.

Cơ chế này nhằm bảo đảm cho cơ quan điều tiết khách quan trong việc giám sát hoạt động SXKD của các DN độc quyền, khách quan và độc lập thực hiện quyền định giá, đồng thời phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và thực hiện trách nhiệm giải trình với bộ, tránh việc bộ trực tiếp can thiệp vào việc định giá với việc đặt mục tiêu chính trị lên trên mục tiêu kinh doanh và chính phủ sẽ không bị chỉ trích khi việc định giá có sai sót.

Và chính cơ quan điều tiết là người đứng ra lấy ý kiến công chúng khi tiến hành định giá. Một trong những cách họ thường làm là mở phiên điều trần công khai.

Tham gia phiên điều trần có 3 chủ thể: Cơ quan điều tiết, DN độc quyền kinh doanh và người tiêu dùng.

Người tiêu dùng không phải chỉ gồm những cá nhân hay DN đơn lẻ mà còn là đại diện của họ (hiệp hội ngành nghề hay hội người tiêu dùng).

DN độc quyền đề nghị điều tiết giá phải công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến SXKD, giá thành sản phẩm, dịch vụ đã được kiểm toán để người tiêu dùng có căn cứ góp ý kiến.

Để có thêm những luận cứ, đại diện người tiêu dùng tự mình tiến hành tổ chức khảo sát, điều tra thực tế và tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội (RIA).

Đây là cách làm khoa học và có hiệu quả, DN và đại diện người tiêu dùng tôn trọng ý kiến lẫn nhau, không bên nào áp đặt bên nào. Cơ quan điều tiết là quan toà phán xét cuối cùng buộc hai bên phải thực hiện.

Cách làm của ta: Nặng về hành chính và hình thức
Được biết, phương án tăng giá lần này được thông qua Tổ công tác liên ngành. Tổ này gồm những những chuyên gia am hiểu về điện và giá.

Tại các cuộc họp và hội thảo, họ tiến hành trao đổi, cho ý kiến về các phương án giá trên cơ sở những tính toán của EVN. Theo thông tin có được, kết quả SXKD được đưa ra xem xét lần này chưa được kiểm toán. Có thể nói đây vẫn là cách làm mang nặng tính hành chính, thiếu căn cứ khoa học.

Việc lấy ý kiến nhân dân tăng giá điện là việc làm cần thiết, thể hiện dân chủ trong việc quyết định những việc liên quan đến lợi ích của dân. Nhưng, với những thông tin ngắn gọn về phương án tăng giá được đăng tải trên mạng của Bộ Công nghiệp thì người dân bình thường chắc chắn phản đối vì nó trực tiếp làm vơi đi niêu cơm của họ. Còn việc họ ủng hộ việc tăng giá để chia sẻ khó khăn với ngành điện thì họ không đủ căn cứ.

5 đề xuất
Làm thế nào để việc xin ý kiến nhân dân trở nên thực chất hơn? Trước hết, EVN phải cung cấp cho Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN đầy đủ thông tin về kết quả SXKD, cơ cấu giá thành điện, qua đó nêu rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan phải tăng giá bán.

Thứ hai, trên cơ sở đó, đề nghị Hội Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành điều tra thực tế và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc tăng giá điện.

Thứ ba, Hội Bảo vệ người tiêu dùng cần có kinh phí và thời gian để tiến hành các công việc trên.

Thứ tư, đề nghị Bộ Công nghiệp lùi thời gian lấy ý kiến người tiêu dùng ít nhất là vài tháng để Hội Bảo vệ người tiêu dùng đủ thời gian làm mấy việc trên.

Cuối cùng, sau khi có kết quả điều tra và đánh giá tác động, đề nghị Bộ Công nghiệp mở một cuộc toạ đàm bàn tròn công khai với Hội Bảo vệ người tiêu dùng về phương án tăng giá điện.

Các ý kiến của Bộ Công nghiệp, EVN và Hội Bảo vệ người tiêu dùng có giá trị như nhau để trình cấp trên xem xét, không được coi ý kiến của đại diện người tiêu dùng chỉ để tham khảo!

Huy động thêm 3 nguồn điện ngoài ngành

TCty Điện lực VN (EVN) ngày 20.3 cho hay, để tránh tình trạng thiếu điện trong thời gian tới, 3 nhà máy gồm thuỷ điện Sê San 3A, Srok Phumiêng và nhiệt điện Cao Ngạn do các DN ngoài ngành điện đầu tư xây dựng sẽ chính thức phát điện lên lưới điện quốc gia trong thời gian tới.

Hai tổ máy của Sê San 3A, công suất 108MW do TCty Sông Đà đầu tư xây dựng sẽ phát điện vào tháng 7 và tháng 10 năm nay; tổ máy số 1 của Srok Phumiêng, công suất 25MW do Idico xây dựng dự kiến phát điện vào tháng 10.

Riêng tổ máy số 1 của nhiệt điện Cao Ngạn, công suất 50 MW do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN đầu tư đang phát điện ổn định lên lưới quốc gia.

Dự kiến tổ máy số 2 của nhà máy này sẽ phát điện hoà lưới trong ít ngày tới. Các dự án nguồn điện do EVN đầu tư cũng sẽ sớm phát điện lên lưới quốc gia. Cẩm Văn