Có doanh nghiệp thành lập trên 30 công ty con để gian lận hóa đơn xuất nhập khẩu, đến khi số tiền bị chiếm dụng tới 30 tỷ đồng công an mới phát hiện được. Kiểm tra thì doanh nghiệp đều có đầy đủ giấy tờ, đăng ký kinh doanh, nhưng tìm đến trụ sở chỉ toàn địa chỉ "ma".
![]() |
Doanh nghiệp hoạt động không có hậu kiểm. Ảnh: A.T |
Tại buổi thảo luận về Luật Doanh nghiệp sáng nay tại Quốc hội, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình Bùi Sĩ Tiếu nêu một vụ việc cụ thể tại tỉnh nhà để nhấn mạnh Luật cần có thêm các quy định để khắc phục tình trạng doanh nghiệp ma.
Biện pháp khả thi theo các đại biểu là thay đổi căn bản phương thức quản lý doanh nghiệp trong đó có quản lý đăng ký kinh doanh. Trước hết cần thành lập một cơ quan độc lập tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến các tỉnh để thống nhất quản lý từ thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, quản lý vốn... Theo Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hải Phòng Nguyễn Hoàng Anh, cơ quan này phải giám sát, hậu kiểm hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan này phải khắc phục được tình trạng hiện nay là thành lập doanh nghiệp tràn lan, đến khi có tiêu cực xảy ra, cơ quan điều tra vào cuộc mới biết doanh nghiệp không tồn tại.
Một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể trong luật một cơ quan trung ương chịu trách nhiệm là đầu mối chủ trì quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, mà không giao cho Chính phủ chỉ định. Có thể giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chịu trách nhiệm, vì thực tế hiện nay các Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì giúp UBND tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý.
Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, khâu hậu kiểm rất khó thực hiện, vì thế cần bổ sung thêm các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh trước khi cấp phép.
Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Thu Hồng cũng đề nghị Luật quy định rõ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi bỏ tiền ra, đồng thời cơ quan quản lý cũng dựa vào đó dễ dàng theo dõi trong quá trình hậu kiểm. "Hiện còn gần 300 giấy phép con và chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực, nhà đầu tư thấy không minh bạch mà phần lớn gây thêm phiền hà", bà Hồng nói.
Một vấn đề thu hút nhiều ý kiến đại biểu tham gia là Luật đưa ra thời hạn 4 năm để chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Giám đốc Công ty mía đường Tuy Hòa Lê Văn Đông cho rằng thời hạn 4 năm là quá dài, cần đẩy nhanh và quyết liệt hơn, rút ngắn thời hạn kết thúc quá trình chuyển đổi. Ý kiến khác lại nhận xét thời hạn 4 năm là quá ngắn. Thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi là rất phức tạp và đang được tiến hành với tốc độ chậm hơn nhiều so với kế hoạch dự kiến.
Phong Lan
▪ Tin kinh tế ngày 7.11 (07/11/2005)
▪ Kiều hối tăng chậm vì bão (07/11/2005)
▪ Chờ... kết nối (07/11/2005)
▪ Nhu cầu vay vốn ở Hà Nội tăng mạnh (07/11/2005)
▪ Doanh nghiệp nhà nước sẽ chịu nhiều sức ép (07/11/2005)
▪ Thành lập Liên hợp sản xuất cá sạch Agifish (07/11/2005)
▪ Bưu điện 'lấn sân' ngân hàng (07/11/2005)
▪ Thủ tướng gặp doanh nghiệp vào cuối tháng 12 (07/11/2005)
▪ Giảm giá vé tuyến bay Hà Nội - Đà Nẵng (04/11/2005)
▪ Các dự án đầu tư kém hiệu quả, không đủ thủ tục bị đình chỉ (04/11/2005)