"Sốt" giá đường: Vẫn chạy theo... đỡ đòn!
Các Website khác - 05/01/2006
"Sốt" giá đường:
Vẫn chạy theo... đỡ đòn!

Mua bán đường tại phố Đào Duy Từ
(HN). Chụp lúc 16h ngày 4.1.2006.
Ngay sau khi các bộ: NNPTNT, Thương mại, Tài chính thống nhất đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu (NK) đường ăn tinh luyện để cung ứng nhu cầu thị trường trong nước, và nhất là khi Thủ tướng ban hành công văn 01/TTg-NN ngày 2.1 đồng ý cho NK 40.000 tấn đường với mức thuế 20%, giá đường đã "hạ nhiệt" đáng kể. Xung quanh vấn đề này, ông Hoàng Thọ Xuân cho biết:


- Đánh giá thị trường đường niên vụ 2005 - 2006, Tổ điều hành thị trường trong nước ngay từ tháng 9.2005 đã xác định khả năng thiếu 20 vạn tấn đường, nên đã đề xuất với Chính phủ cho phép xây dựng phương án NK đường để bảo đảm cung cầu thị trường nội địa.

Chúng tôi cũng dự báo trước tình hình giá đường thế giới sẽ tăng, và thực tế từ đầu tháng 12.2005, giá đường thế giới đã tăng khoảng 40% so với đầu năm 2005. Các thị trường ta vẫn NK đường cũng trong tình trạng thiếu hụt và tăng giá... đã làm cho giá đường trong nước diễn biến khá gay gắt. Giá đường bán lẻ tăng từ 10.000đ/kg vọt lên 12.000 - 13.000đ/kg, thậm chí có những nơi lên tới 14.000đ/kg.

Trước tình hình đó, các bộ: NNPTNT, Thương mại, Tài chính đã phải họp bàn triển khai gấp một giải pháp tình thế để đối phó với việc "sốt" giá đường trong nước, nhất là việc cung ứng đủ nhu cầu đường cho Tết Nguyên đán sắp tới. Chúng tôi đã đề xuất cho NK đường ăn chứ không chỉ NK riêng đường thô phục vụ sản xuất như trước đây, đồng thời hạ thuế suất thuế NK mặt hàng đường xuống còn 20% (thay cho mức 40% trước đây). Vấn đề này đã được Chính phủ đồng ý.

Nhưng giải pháp tình thế này chỉ làm từ nay đến trước Tết Nguyên đán. Sau đó tuỳ tình hình sẽ có các quyết định cụ thể.

´ Được biết, sau khi có quyết định cho NK, giá đường đã giảm từ 300 - 700đ/kg. Dư luận cho rằng, đây là biểu hiện của việc đầu cơ, gây "sốt" giá ảo, nay có đường NK phải tung hàng ra bán... Ông bình luận gì về vấn đề này?

- Đúng là có xảy ra điều này, theo báo cáo của các địa phương: TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng... giá đường đã giảm. Điều này chứng tỏ việc thiếu hụt đường chưa "chuẩn". Thị trường trong nước chưa đến mức do hết đường mà "sốt" giá và vẫn có những yếu tố đầu cơ trục lợi. Tuy nhiên, số lượng đầu cơ không lớn cả niên vụ, vẫn thiếu tới 20 vạn tấn như đã nói.

Qua sự việc này cho thấy, nếu Bộ NNPTNT và Hiệp hội Mía đường đồng thuận với quan điểm của Bộ Thương mại lường trước tình hình thiếu hụt đường sớm hơn và có phương án NK đường từ tháng 9.2005 thì đã không xảy ra cơn "sốt" giá đường như vừa qua.

Đương nhiên vấn đề đường NK và việc điều tiết quan hệ cung - cầu đường cho năm 2006 đang cần các bộ phải sớm thống nhất phương án hợp lý, để chủ động ngay từ đầu năm, tránh tình trạng "sốt" lên rồi mới ngồi với nhau thì không kịp thời và không có tác dụng.

Tới đây, công tác điều hành thị trường trong nước nói chung và mặt hàng đường nói riêng cần phải được rút kinh nghiệm, phải lường trước diễn biến của thị trường trong nước và thế giới để có những giải pháp kịp thời, nhằm tạo sự ổn định thị trường và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông.

Công Thắng thực hiện