Thị trường Tết Kỷ Sửu ở Hà Nội: Hàng nội “xưng bá”
Các Website khác - 07/01/2009
 Khác với xu hướng nhập hàng ngoại như mọi năm, trên các kệ hàng phục vụ Tết ở những siêu thị, trung tâm thương mại năm nay, hàng nội địa chiếm đến 90%. Và các siêu thị cũng đã cam kết không tăng giá dịp Tết.

Hàng nội năm nay vượt trội về mẫu mã, chất lượng sản phẩm và giá cạnh tranh hơn nhiều so với hàng ngoại nhập. Đây cũng là năm các siêu thị nỗ lực xóa dần suy nghĩ “Tết là tăng giá”.

Hàng nội chiếm trên 90%

Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), đang thực hiện chương trình “Lối ra cho sản phẩm nội”. Theo đó, hàng phục vụ Tết Nguyên đán có xuất xứ nội địa chiếm đến 95%.
 

 Tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, người tiêu dùng thoải mái lựa chọn hàng nội trong dịp Tết. Ảnh: Chí Cường

Sản phẩm bánh, mứt, kẹo, cà phê... chủ yếu của các hãng có tên tuổi như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hanco, Vinabico, Tân Tân, Orion, Trung Nguyên. Các loại quả đặc sản như bưởi Phúc Trạch, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn...

Hàng nhập ngoại, nằm ở vị trí khiêm tốn và số lượng cũng ít hơn, chủ yếu là các loại củ, quả có hương vị đặc biệt như táo, nho, lê Mỹ, me, cam Thái Lan...

Tại Siêu thị Metro (Hà Nội), hàng nội địa cũng được ưu tiên số một và chiếm trên 90%. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Phụ trách đối ngoại siêu thị Metro, ngay từ đầu năm các nhà sản xuất trong nước đã chào hàng với mẫu mã cải tiến vượt bậc, sang trọng hơn nhiều so với những năm trước, chất lượng sản phẩm không kém hàng nhập ngoại, giá lại rẻ hơn.

Do đó, chủ trương của Metro phục vụ Tết năm nay là bán hàng nội địa với chất lượng cao. Trong khi đó, hàng ngoại nhập năm nay lại không có gì mới so với những năm trước mà giá lại cao hơn rất nhiều so với hàng nội cùng chủng loại.

Đại diện các siêu thị bán lẻ như Tây Đô (đường Cầu Diễn); Tultraco (đường Hồ Tùng Mậu); Siêu thị Fivimart (phố Trần Quang Khải), Siêu thị Intimex (phố Trấn Vũ), siêu thị Marko (đường Cầu Giấy)... đều cho biết, năm nay ưu tiên số một cho hàng nội địa.

Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho hay, năm nay hầu hết các siêu thị chủ trương bán hàng nội. Ngay cả những siêu thị 100% vốn nước ngoài như Lotte Mart, siêu thị mới mở như Siêu thị Bài Thơ cũng công bố đẩy mạnh “nội địa hóa” hàng hóa trong siêu thị, hàng nhập chiếm không quá 15%.

Khó có chuyện “sốt” giá

Các siêu thị, trung tâm thương mại đều dự đoán sức mua sẽ tăng mạnh trong những ngày cận Tết. Do đó, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đều mở cửa đến trưa ngày 30 Tết và thông báo không tăng giá bán.
 

Tết năm nay, hàng nội địa chiếm hơn 90% tại các siêu thị.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, GĐ Thu mua miền Bắc, Siêu thị Big C cho biết: “Năm nay, người tiêu dùng chủ yếu mua hàng nội địa cao cấp làm quà biếu. Đoán trước xu hướng này, Big C đã thực hiện ký hợp đồng với các nhà cung cấp từ rất sớm hoặc chốt hàng để đảm bảo đủ hàng bán với giá tốt nhất. Do đó, ngay cả những lúc cao điểm của mua sắm Tết, Big C cũng sẽ không tăng giá”.

Ông Lê Ngọc Dũng, Phó Tổng GĐ siêu thị Unimart cho biết, bán hàng nội trong thời điểm hiện nay đạt được nhiều thế mạnh, đó là kích thích sản xuất trong nước, có thể dễ dàng đàm phán với nhà sản xuất, giá sản phẩm hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng... Do đó, Unimart tiếp tục duy trì bình ổn giá các mặt hàng phục vụ Tết với giá rẻ hơn thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện cùng lúc nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Ông Vũ Vinh Phú cho biết: Năm nay, Hội siêu thị Hà Nội đang phát động các siêu thị nỗ lực hết mình để xoá dần suy nghĩ “Cứ đến Tết là tăng giá”. Nhiều mặt hàng tiêu thụ mạnh tại các siêu thị Big C, Fivimart như bánh, lạp xường, dầu ăn, đồ uống, thịt nguội... hiện đang rẻ hơn giá ngoài thị trường từ 3- 20%.

Sức mua vẫn yếu khiến nhiều siêu thị đang đẩy mạnh hơn nữa các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng mua sắm Tết hiệu quả hơn, bớt đi những “cơn sốt” giá vô lý do thói quen “chặt chém” mùa Tết.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng chuyện sốt giá vào những ngày giáp Tết sẽ khó xảy ra do chủ trương của các cơ quan chức năng năm nay là tung hàng nằm trong diện bình ổn giá (cho các siêu thị vay vốn tích trữ hàng hoá không lãi suất) ra thị trường đúng thời điểm. Những mặt hàng nằm trong diện bình ổn chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm tươi sống, gạo, đường, sữa, dầu ăn... và chiếm đến 97% là sản phẩm nội địa.
 

NGƯỜI TIÊU DÙNG THIẾT THỰC HƠN
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, năm nay các siêu thị chủ trương ưu tiên số một cho hàng nội địa là sáng suốt. Do sự trượt giá của đồng tiền, người tiêu dùng trở nên thiết thực hơn, họ sẵn sàng loại bỏ những mặt hàng xa xỉ và chọn mua những món hợp hơn với túi tiền. Dùng hàng nội địa với chất lượng cao, giá thành hợp lý cũng là chủ đích mua sắm của các bà nội trợ năm nay.

Theo Giadinh.net