Tại một công ty điện của TP HCM, phần lớn tụ điện đều bị hỏng, tiêu thụ điện vượt nhiều lần so với mức bình thường, song cán bộ phụ trách bộ phận này không phát hiện ra. Kết quả là suốt gần một năm trời, công ty này đã chi vượt dự toán ngân sách nội bộ đến hàng chục triệu đồng tiền điện.
Để xảy ra tình trạng này là do cán bộ phụ trách bộ phận tụ điện của công ty không phát hiện ra. Hóa đơn tiền điện hàng tháng được gửi đến phòng hành chính công ty để thanh toán nên người quản lý phòng tụ điện không nắm rõ được lượng điện tiêu thụ tăng hơn mức bình thường. Phòng hành chính lại không có sự liên kết với các phòng ban khác để tìm hiểu nguyên nhân.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại một công ty xuất khẩu thủy sản của tỉnh An Giang. Kinh doanh thành công, công ty này đầu tư thêm một nhà máy sản xuất với dây chuyền thiết bị hiện đại và yên tâm kinh doanh vì rất tin tưởng vào chất lượng kỹ thuật. Thế nhưng khi qua kiểm toán năng lượng mới phát hiện rất nhiều lỗi thất thoát do thiếu bí quyết sử dụng dây chuyền, lắp đặt sai thiết kế... Có máy nén phải sử dụng quá tải đến 33% công suất, trong khi nhiều máy khác lại hoạt động không hết khả năng thực tế. Năng lượng thất thoát qua từng cụm máy móc, mỗi nơi mỗi ít và tổng cộng lại thành giá trị lớn, gây thiệt hại về chi phí đầu ra cho doanh nghiệp.
![]() |
Kiểm toán năng lượng thường xuyên giúp doanh nghiệp hạn chế thất thoát nguyên, nhiên liệu. Ảnh: P.A. |
Để hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp đã trang bị những hệ thống tiêu chuẩn ISO từ 2001 đến 14.000, áp dụng chế độ 5S, song vẫn chưa chú trọng đến vấn đề kiểm toán năng lượng. Đến khi kiểm tra mới phát hiện hàng loạt lỗi rò rỉ, khiến công ty thất thoát năng lượng với giá trị tương đương hàng trăm triệu đồng.
Việc lãng phí năng lượng không chỉ xảy ra khi các thiết bị sản xuất có tuổi thọ già cỗi nên thường bị hư hỏng, rò rỉ, mà những dây chuyền sản xuất hiện đại cũng có thể mắc phải.
Đại diện của Công ty cổ phần cơ khí điện Lữ Gia cho biết, công ty này chuyên kinh doanh thiết bị chiếu sáng giao thông công cộng nên thừa hiểu tiết kiệm năng lượng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường của công ty. Tuy nhiên, áp dụng tiết kiệm năng lượng như thế nào, kiểm toán năng lượng ra sao... đến nay công ty này vẫn chưa nắm rõ.
Công ty dây và cáp điện Việt Nam cũng vướng những cái khó trong việc triển khai sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng, ví dụ khái niệm như thế nào là sạch, phương pháp ứng dụng, vận hành ra sao để đạt hiệu quả cao...
Theo tính toán của Trung tâm sản xuất sạch hơn, Chi Cục quản lý môi trường TP HCM đối với doanh nghiệp, khi để rò rỉ một giọt dầu trong 1 giây tương đương với tổn thất trên 2.000 lít/năm. Một vòi nước để mở sẽ gây thất thoát 1m3 nước một giờ. Lỗ rò 1mm trên đường ống nước cũng đủ làm mất đi 140m3 nước mỗi năm. Cũng lỗ rò kích cỡ này nhưng trên đường ống dẫn khí nén ở áp suất 6 bar có thể gây lãng phí điện năng khoảng 3.000 Kwh/năm.
Kỹ sư Nguyễn Thị Truyền, thuộc Trung tâm sản xuất sạch hơn, cho rằng, phần lớn các công ty trong nước chưa làm tốt công tác kiểm soát nguồn điện, kiểm tra các thiết bị định kỳ, kiểm toán năng lượng thường xuyên để kịp thời phát hiện những lỗi rò rỉ kỹ thuật, gây thất thoát lượng điện lớn. Từ đó, tiêu tốn thêm hàng chục triệu đồng tiền điện mỗi tháng, gây thiệt hại tài chính của công ty và lãng phí điện trong tình hình cả nước đang thiếu hụt điện, nhất là trong mùa khô.
Bà Truyền cho rằng, việc sử dụng hiệu quả và khôn ngoan năng lượng sẽ tối đa hóa lợi nhuận, cực tiểu hóa chi phí và tăng cường vị thế cạnh tranh. Do đó, 6 nguyên tắc để quản lý năng lượng trong một xí nghiệp công nghiệp là doanh nghiệp phải nhận thức các cơ hội tiết kiệm tiềm năng, thiết lập cách quản lý thích hợp. Các doanh nghiệp phải kiểm toán năng lượng sơ bộ bằng cách lắp đặt hoặc kiểm tra thiết bị đo, trước khi kiểm toán năng lượng chi tiết và thiết lập các biện pháp bảo dưỡng, vận hành thiết bị kiểm toán năng lượng.
Phan Anh
▪ Người dân TP HCM hồ hởi mua hàng khuyến mãi (02/03/2006)
▪ Tạm hòa giải vụ kiện võng xếp (01/03/2006)
▪ Không cứng nhắc trong việc cấm bán nhà trên giấy (01/03/2006)
▪ Nhập khẩu ôtô cũ để gia nhập WTO (02/03/2006)
▪ Đứt đơn hàng, công nhân lao đao (01/03/2006)
▪ Áp dụng công nghệ chuyển đổi nhiên liệu LPG/xăng cho tàu, thuyền (01/03/2006)
▪ Lâm Đồng: Xuất khẩu kim chi sang Hàn Quốc (01/03/2006)
▪ Citigroup khai trương các dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam (01/03/2006)
▪ TPHCM: Ra đời một công ty chuyên mua bán công ty (01/03/2006)
▪ Trao giấy phép đầu tư trị giá 605 triệu USD cho Tập đoàn Intel (01/03/2006)